1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đàm phán hòa bình Syria: Mong manh hy vọng

Các cuộc thảo luận hòa bình nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Syria đã bắt đầu từ hôm 6-8 ở thủ đô Moskva, Nga nhưng sự thiếu vắng đại diện từ phe nổi dậy đồng nghĩa với việc cuộc đàm phán này có ít hy vọng giải quyết được cuộc xung đột.

Chiến sự vẫn tiếp diễn tại Syria
Chiến sự vẫn tiếp diễn tại Syria

Đại sứ Syria ở LHQ, ông Bashar al-Jaafari, đã dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ nước này đến tham gia cuộc đàm phán kéo dài 4 ngày với các thành viên đại diện của phe nổi dậy - Ủy ban điều phối quốc gia vì thay đổi dân chủ (NCCDC). Theo Hãng Interfax của Nga, cuộc đàm phán bắt đầu từ 9h00 sáng ngày 6-4 (giờ Moskva), nhưng lại thiếu vắng đại diện từ phe nổi dậy của Syria, trong khi các nhà hoạt động phe nổi dậy vẫn chịu lệnh cấm ra nước ngoài của Chính phủ.

Các vòng thảo luận khép kín dự kiến sẽ tập trung vào các vấn đề nhân quyền và dọn đường cho Nga trở thành một nhà trung gian hòa giải cho cuộc nội chiến kéo dài ở Syria. Cuộc đàm phán là kết quả của một số cuộc họp giữa Chính phủ Syria và phe nổi dậy ở Moskva hồi tháng Một vừa qua. Các cuộc họp này trước đó đã thất bại trong việc đưa ra đề xuất hòa bình nhằm giải quyết cuộc xung đột giữa hai bên.

Dù bắt đầu không mấy suôn sẻ, nhưng đàm phán ở Moskva từng được coi là thành tựu đầu tiên kể từ sau khi nhóm P5+1 ký được thỏa thuận sơ bộ với Iran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này, trong đó Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từ chối nói chuyện với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Nhiều chuyên gia phân tích cũng không mấy hy vọng về sự đột phá của vòng đàm phán ở Moskva lần này. Trước cuộc đàm phán, AFP dẫn một nguồn tin thân chính phủ Syria nói rằng phái đoàn của họ sẽ "chỉ thảo luận” về các đề tài "mềm” để từ đó đi đến một thỏa thuận. "Không thể hy vọng nhiều về kết quả mà các cuộc tham vấn này sẽ đem lại” – Boris Dolgov, chuyên gia nghiên cứu vấn đề Trung Đông của Nga, nhận định – "Đây chỉ là một bước tiến nhỏ, dù khá quan trọng, trong quá trình nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng ở Syria”.

Theo ông Dolgov, bằng việc tổ chức các vòng đàm phán, Moskva đang tìm cách tăng cường vai trò trung gian hòa giải của mình trong khi cũng mong muốn giảm nhẹ mối đe dọa an ninh đến từ các nhóm cực đoan như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Phong trào Liên minh Quốc gia (SNC) của phe nổi dậy Syria thậm chí còn cáo buộc Nga đang tìm cách lợi dụng các vòng đàm phán để tăng uy tín cho ông Assad và từ chối tham gia. Thay vào đó, SNC lại tìm kiếm sự ủng hộ từ các thế lực khác trong khu vực như Ả rập Saudi và Ai Cập.

Trong khi đó, một số thủ lĩnh phe nổi dậy khác lại cho biết họ đang bị Chính phủ Syria cấm không cho ra nước ngoài nên không thể đến Moskva tham dự các vòng đàm phán.

Đa số thành viên phe nổi dậy đang sống lưu vong ở nước ngoài khẳng định rằng bất cứ một thỏa thuận nào cũng phải đi kèm điều kiện là ông Assad phải từ chức.

Hiện một số nhà ngoại giao cho hay đã xuất hiện một đề xuất ban đầu được đưa ra, trong đó cho phép ông Assad tiếp tục cầm quyền trong vòng 2 hoặc 3 năm nữa để chuẩn bị cho quá trình chuyển giao quyền lực; đặc biệt trong bối cảnh cả Nga và Mỹ đều lo sợ về những hậu quả khôn lường nếu Chính phủ Syria bất ngờ sụp đổ. Đây được cho là một đề xuất hợp lý có thể giữ thể diện cho tất cả các bên.

Hy vọng trong vòng đàm phán lần này càng mong manh hơn khi Washington khẳng định rằng mọi thỏa thuận giữa các bên giao tranh ở Syria cần phải được ký kết trước khi diễn ra cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016 bắt đầu.

Theo Khánh Duy
Đại đoàn kết