1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Syria chuẩn bị cho trận đánh lớn

Mặc dù Nga đã rút lực lượng chính khỏi Syria hồi tháng trước nhưng không vì thế mà tình hình Syria bớt căng thẳng. Cuộc bầu cử quốc hội Syria ngày 13-4 đã đem lại chiến thắng cho đảng của Tổng thống Assad, nhưng phe đối lập bác bỏ kết quả và yêu cầu ông Assad phải ra đi và đang “chiêu binh mãi mã” để chuẩn bị một cuộc phản công lớn.

Thông báo ngày 17-4 của Ủy ban Bầu cử Syria cho biết, đảng cầm quyền Baath và các đồng minh trong liên minh "Đoàn kết dân tộc" đã giành đa số ghế tại cuộc bầu cử Quốc hội được tổ chức ngày 13-4 với 200/250 ghế tại cơ quan lập pháp.

Cuộc bầu cử này được Nga ủng hộ nhưng không được Mỹ và phe đối lập tại Syria công nhận. Giới lãnh đạo phương Tây và các nhóm đối lập Syria đã chỉ trích cuộc bầu cử này là một trò hề, và là một mối đe dọa đối với tiến trình hòa đàm, cũng như thỏa thuận ngưng chiến mong manh đã kéo dài 6 tuần. Còn theo Damascus, cuộc bầu cử này là một bước nằm trong tiến trình chuyển đổi chính trị tại Syria mà chính quyền Assad đã cam kết với cộng động quốc tế trong những cuộc đàm phán hòa bình gần đây.

Cuộc bầu cử lập pháp lần này được tổ chức đúng vào ngày Chính phủ Syria và phe đối lập nối lại vòng đàm phán hòa bình mới tại Geneva (Thụy Sĩ). Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Syria Staffan de Mistura cho biết, nội dung trọng tâm là vấn đề chuyển tiếp chính trị cùng những nguyên tắc liên quan đến hiến pháp.

Tuy nhiên, trong một phát biểu ngày 16-4, phái đoàn phe đối lập tại nước này đã bác bỏ đề xuất của ông de Mistura về thành phần chính phủ chuyển tiếp. Cụ thể, Ủy ban Đàm phán cấp cao - nhóm đối lập chính tại Syria đã bác bỏ đề xuất tiếp tục để ông Bashar al-Assad làm tổng thống và sẽ bổ nhiệm 3 phó tổng thống được lựa chọn từ phe đối lập trước khi chuyển giao hoàn toàn quyền lực chính trị và quân sự cho lực lượng này.

Aleppo, điểm nóng xung đột giữa chính quyền Damascus và phe đối lập.
Aleppo, điểm nóng xung đột giữa chính quyền Damascus và phe đối lập.

Mặc dù vậy, tiến trình đàm phán vẫn diễn ra. Nhưng đến ngày 18-4, phe đối lập Syria đã ngừng tham gia các cuộc hòa đàm với lý do để phản đối tình hình nhân đạo “tồi tệ” tại quốc gia này. Tuy nhiên, Ủy ban Đàm phán cấp cao (HNC) đại diện cho lực lượng đối lập Syria, vẫn sẽ tham dự các cuộc thảo luận “kỹ thuật”.

Trên thực địa, ngày 18-4, 10 nhóm đối lập, chủ yếu theo Hồi giáo ở Syria ra thông báo khẳng định: “Sau khi các lực lượng chính phủ gia tăng bạo lực, kể cả việc nhằm vào các trại di dân và những khu dân sinh, chúng tôi tuyên bố thành lập một trung tâm tác chiến chung và bắt đầu một cuộc chiến để đáp trả những hành động trên. Chúng tôi sẽ có hành động xứng đáng, nhằm làm bài học cho chính phủ, đối với mỗi hành động oanh kích thường dân”.

Hàng trăm nhóm nổi dậy đã tham gia ký kết thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 2-2016 do Nga và Mỹ khởi xướng, dưới sự chỉ đạo của Mohammed Allouche, người đứng đầu phe đối lập trong các cuộc đàm phán hòa bình cho Syria tại Geneve. Tuy nhiên, thỏa thuận ngừng bắn và các cuộc đàm phán trên đang bị đe dọa, do phe đối lập Syria có ý định tạm ngừng các cuộc thương thảo với Damascus. Lý do là quân chính phủ tiến hành nhiều trận oanh kích vào cuối tuần vừa qua, khiến khoảng 20 thường dân bị thiệt mạng.

Điểm nóng xung đột hiện nay giữa quân Damascus và phe đối lập là thành phố Aleppo. Sau một tháng lắng dịu, các trận đánh dữ dội ở phía nam và bắc Aleppo đã mào đầu cho những gì sắp xảy ra tại thành phố chiến lược này. Quân đội Syria và Mặt trận al- Nostra, cánh tay nối dài của Al - Qaeda tại Syria, sửa soạn một trận đánh lớn được xem là quyết định, theo như phân tích của Giám đốc tổ chức nhân quyền Syria Rami Abdel Rahman.

Theo các chuyên gia quân sự, chế độ Damascus và lực lượng hỗ trợ (Hezbollah-Liban, vệ binh Iran và không quân Nga) đang chuẩn bị tấn công. Theo một viên tướng Nga tại Syria, Serguei Rudskoi, lực lượng thánh chiến huy động 9.500 chiến binh cho trận Aleppo, với mục tiêu chiến thuật là cắt đứt con đường tiếp liệu của quân chính phủ từ Damascus đến thành phố phía bắc này để sau đó tái chiếm các vùng đất bị mất trong tháng 1 và 2.

Ở phía nam Aleppo, phe thánh chiến đã giành lại một phần đất sau nhiều ngày phản công làm thiệt mạng hàng trăm chiến binh đôi bên, trong số này có 14 chiến binh Hezbollah Liban và 16 binh sĩ Iran. Tạm thời, quân đội Syria và đồng minh của họ ở trong thế phòng thủ.

Tổng thống Syria Bashar Assad đi bỏ phiếu tại Damascus, Syria, ngày 13-4.
Tổng thống Syria Bashar Assad đi bỏ phiếu tại Damascus, Syria, ngày 13-4.

Trong khi đó, trên bình diện quốc tế, sự phối hợp giữa Nga và Mỹ đang gặp trục trặc. Trên bình diện quân sự, kể từ khi Nga tham chiến ở Syria, chưa có một sự cố nào xảy ra giữa các chiến đấu cơ của Nga và liên quân. Đôi bên cùng nhau trao đổi thông tin các kế hoạch bay và sử dụng chung một tần số radio cho những cuộc gọi viện binh. Sự cẩn trọng này còn được áp dụng trong việc chọn lựa các mục tiêu tấn công. Nếu như IS nằm trong tầm ngắm của liên quân quốc tế, thì quân nổi dậy chống ông al-Assad, mặt trận al-Nosra lại là mục tiêu tấn công của Nga.

Về mặt ngoại giao, Washington và Moscow cuối cùng cũng đã đưa ra được một lệnh ngừng bắn vào ngày 27-2-2016. Như vậy, 30 năm sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Nga và Mỹ một lần nữa xuất hiện như là những cường quốc duy nhất có khả năng áp đặt “luật chơi” với các bên tham gia. Vấn đề còn lại là phải tránh khỏi bị sa lầy. Vì điều này, mỗi bên gây áp lực lên phe cánh của mình: Washington dường như đã thuyết phục được phe đối lập tham gia đàm phán hòa bình tại Geneve, diễn ra từ ngày 13-4. Trong khi đó Nga đứng ra bảo đảm việc Damascus tôn trọng lệnh ngừng bắn. Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry liên tục đến gặp đồng nhiệm Nga, Sergey Lavrov cứ như bạn bè thuở hàn vi.

Tuy nhiên, Hãng RIA Novosti hôm 18-4 đưa tin, sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Ấn Độ và Trung Quốc tại Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhận định, Mỹ vẫn chưa thực hiện cam kết gây ảnh hưởng tới phe đối lập ôn hòa để lực lượng này rút ra khỏi các khu vực giao tranh trên lãnh thổ Syria. Theo ông Lavrov, một thời gian dài Washington đứng trước vấn đề các căn cứ của tổ chức khủng bố Mặt trận al-Nusra trà trộn lẫn giữa các vị trí đóng quân của những phe nhóm đối lập ôn hòa và đồng ý tham gia thực thi lệnh ngừng bắn tại Syria.

“Vấn đề này đã được đề cập tới và chính Ngoại trưởng John Kerry đã đồng ý rằng, nếu những nhóm này (phe đối lập ôn hòa) muốn tham gia thỏa thuận ngừng bắn và không muốn được coi là đồng lõa của bọn khủng bố thì họ cần thực hiện một việc rất đơn giản: đó là tách mình rời xa khỏi các căn cứ của quân khủng bố. “Người Mỹ đã nhiều lần cam kết với chúng tôi sẽ tham gia vào quá trình này: họ sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình đối với lực lượng đối lập ôn hòa để tách họ ra khỏi khu vực này (nơi quân khủng bố chiếm đóng) và sẽ không gây khó khăn cho cuộc chiến chống lại nhóm al-Nusra. Nhưng cho đến nay Washington vẫn chưa thực hiện lời hứa của mình” - Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh.

Như vậy xét về tổng thể, tình hình Syria hiện vẫn chưa có cửa nào thật sáng cho khả năng chấm dứt nội chiến.

Theo Mộc Thạch (tổng hợp)

An ninh thế giới