Susan Schnall - nữ y tá Mỹ dùng máy bay để phản chiến

Đã gần 40 năm trôi qua kể từ sau sự kiện Susan Schnall rải truyền đơn bằng máy bay ở vùng Vịnh San Francisco để phản đối việc Mỹ tham chiến ở Việt Nam, đây mới là lần đầu tiên bà đến thăm đất nước hình chữ S.

Vóc người mảnh mai trong chiếc áo dài Việt Nam, đôi mắt sáng và dáng đi nhanh nhẹn, trông bà Schnall năng động và trẻ hơn nhiều so với tuổi 62. Bà đến đây với tư cách thành viên của tổ chức Phụ nữ vì hòa bình và Trao đổi toàn cầu của Mỹ.  

 

“Tôi đã muốn tới Việt Nam từ rất lâu”, Schnall tâm sự. “Tôi rất tiếc đã không giúp được cho cuộc chiến chấm dứt sớm hơn. Trong chiến tranh, các bạn đã hiểu sự khác biệt giữa chính phủ và người dân Mỹ. Chúng tôi trân trọng tình cảm quý báu đó. Đối với tôi, tới Việt Nam cũng có cảm giác như là về nhà mình vậy”.

 

Năm 1967, cô gái trẻ Susan Schnall tham gia hải quân Mỹ, làm y tá ở California, chữa bệnh cho các thương binh trở về từ chiến trường Việt Nam. “ Tôi chứng kiến những binh lính trẻ tuổi được đào tạo để giết những con người trông không giống họ. Một chàng trai kể với tôi về việc anh đã giết người như thế nào. Dần dần tôi nhận ra mình đang bị sử dụng trong một bộ máy chiến tranh”, bà kể lại. 

 

“Tôi biết máy bay B52 Mỹ thả truyền đơn kêu gọi binh lính Việt Nam đào ngũ. Vì thế tôi muốn dùng cách tương tự, sử dụng máy bay để thể hiện quan điểm của mình trên chính đất Mỹ. Một người bạn của tôi là phi công.

 

 

Susan Schnall - nữ y tá Mỹ dùng máy bay để phản chiến - 1
 

Schnall được Liên hiệp Các tổ chức Hữu

 nghị trao tặng kỷ niệm chương

"Vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc".

Vậy là, vào tháng 10/1968, chúng tôi chất đầy lên máy bay truyền đơn nói về buổi diễu hành hòa bình của các binh lính và cựu chiến binh ở San Francisco, sẽ diễn ra hai ngày sau đó. Từ độ cao vài trăm mét, chúng tôi bắt đầu mở cửa máy bay để thả truyền đơn tại các căn cứ quân sự vùng Vịnh San Francisco, tàu sân bay USS Enterprise, và bệnh việnh Hải quân Oak Knoll, nơi tôi làm việc. Sau đó, chúng tôi tổ chức một cuộc họp báo.

 

Tại cuộc biểu tình, tôi mặc quân phục tới dự, điều trái với quy định của hải quân là cấm mặc quân phục khi bạn đang bày tỏ những quan điểm tôn giáo, đảng phái hay chính trị. Lúc đó tôi nghĩ, nếu tướng Westmoreland có thể mặc quân phục tới Quốc hội để xin cấp tiền cho chiến tranh ở Việt Nam, tôi cũng có thể làm như vậy với tư cách là thành viên của quân đội để thể hiện quan điểm phản chiến”.

 

Tháng 2/1969, Schnall bị tòa án binh kết án 6 tháng tù giam và đuổi khỏi quân đội. “Tuy nhiên, họ cho tôi trở lại bệnh viện thay vì giam tôi vào tù. Họ không muốn biến tôi thành một biểu tượng”, bà mỉm cười.

 

Schnall phải chuyển đến sống ở New York. “Tôi phải mất một thời gian mới kiếm được việc làm, vì trong lý lịch, tôi là người từng mang án tù”. Bà làm việc cho Quỹ Cứu trợ Y tế cho Đông Dương, tổ chức chuyên cung cấp hàng cứu trợ và thuốc men cho các nạn nhân trong cuộc chiến của Mỹ ở Đông Dương và một số bệnh viện của Việt Nam.

 

Năm 1972, bà thuyết phục tổ chức này quyên góp và chuyển 3.000 USD cho chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. “Khi đó, việc này cũng gây ra nhiều tranh cãi trong quỹ, nhưng tôi là một người không dễ bỏ cuộc và cuối cùng họ đã ủng hộ tôi”, bà cười đầy kiêu hãnh.  

 

Là một người phản chiến đối với Schnall không phải là một việc dễ dàng gì. “Ngay trong gia đình, cũng có một số người phản đối tôi và thậm chí không nói chuyện với tôi suốt nhiều năm. Nhưng tôi được mẹ ủng hộ. Cha tôi bị quân Nhật giết ở Guam năm 1944, và bà rất tự hào về ông. Bà cảm thấy tôi đã tiếp tục những gì cha tôi đã làm. Dần dần, mọi người cũng hiểu vì sao tôi lại hành động như vậy. Tôi chưa từng hối hận vì những việc mình làm”.  

 

Schnall có một cô con gái, 35 tuổi, người mà bà dành cho tất cả tình yêu của mình. Hiện cô đang làm việc ở Haiti. Bà giải thích về cuộc sống độc thân: “Bạn biết đấy, làm một người phụ nữ mạnh mẽ không phải dễ dàng gì”.

 

Theo Minh Châu

Vnexpress