1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Sukhoi Superjet 100 - Niềm hi vọng lớn của hàng không Nga

(Dân trí) - Sukhoi Superjet 100, chiếc máy bay mất tích ở Indonesia vào ngày hôm qua, là loại máy bay chở khách mới “tinh” của Nga, được phát triển với hi vọng sẽ vực dậy ngành hàng không dân dụng của nước này kể từ cuộc khủng hoảng hậu Liên Xô.

 

Sukhoi Superjet 100 - Niềm hi vọng lớn của hàng không Nga

Chiếc máy bay Sukhoi Superjet 100 cất cánh khỏi sân bay ở Jakarta vào ngày hôm qua 9/5.


Chiếc Superjet mới chỉ thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào năm ngoái và vụ tai nạn ngày hôm qua là vụ tai nạn đầu tiên liên quan đến chiếc máy bay được nhà sản xuất máy bay huyền thoại của Nga Sukhoi phát triển.

 

Chiếc máy bay đóng vai trò quan trọng đối với hi vọng trở thành “tay chơi” lớn trong thị trường hàng không hiện đại của Nga, nhằm cải thiện hình ảnh của ngành công nghiệp hàng không Nga, vốn thường xuyên phải đối mặt với các vụ tai nạn của các máy bay thời Liên Xô cũ.

 

Superjet đã tới Indonesia trong hành trình bay trình diễn ở 6 nước châu Á, nhằm thu hút thêm đơn đặt hàng. Vì vậy mà bất kỳ tai nạn nào cũng sẽ giáng một đòn mạnh vào niềm hi vọng về một chiếc máy bay được tin cậy và được sử dụng rộng rãi.

 

Máy bay tầm trung Superjet có khả năng chở tới 98 người với tầm xa lên tới 4.600km. Đối thủ trực tiếp của Superjet là chiếc Embraer của Brazil và chiếc Bombardier của Canada.

 

Cho đến nay Superjet mới phục vụ trong hai hãng hàng không Aeroflot của Nga và Armavia của Armenia. Nhưng nhiều hãng hàng không đã xác nhận hợp đồng mua chiếc máy bay này. Chuyến bay thương mại đầu tiên của Superjet được thực hiện vào tháng 4/2011, với hãng hàng không Armavia và vào cuối năm ngoái, một chiếc khác đã đi vào phục vụ cho Aeroflot.

 

Chuyến trình diễn ở Indonesia là một phần trong chuyến đi “chào hàng” đầu tiên từ trước tới nay với khẩu hiệu “Chúng tôi hoanh nghênh châu Á”, với hi vọng chiếm được cảm tình của các hãng hàng không trong khu vực này. Vì vậy mà trên khoang máy bay là đội ngũ phi công bay thử nghiệm hàng đầu.

 

Chuyến lưu diễn bắt đầu vào ngày 3/5, ở Kazakhstan, với sự dõi theo của cả Tổng thống Nursultan Nazarbayev, và sau đó là Pakistan. Sau Indonesia, chiếc máy bay dự kiến tới Lào và Việt Nam.

 

Cho đến trước khi xảy ra tai nạn, Indonesia dự kiến trở thành một trong những khách hàng lớn nhất của Sukhoi đặt mua chiếc Superjet 100.

 

Vào tháng 8 năm ngoái, hãng hàng không khu vực của Indonesia PT Sky Aviation đã nhất trí mua 12 chiếc máy bay loại này và năm 2010, hãng hàng không Kartika đồng ý mua 30 chiếc. Trong cả hai trường hợp này, kế hoạch chuyển giao máy bay dự kiến bắt đầu vào năm nay.

 

 

Dự án Superjet là dự án phát triển chung giữa Sukhoi và hãng Alenia Aeronautica của Italia.

 

Hàng loạt trục trặc

 

Vụ việc ngày hôm qua cho đến nay là vụ tai nạn thảm khốc nhất của Superjet 100. Tuy nhiên, chiếc máy bay này đã gặp rất nhiều trục trặc nhỏ khi phục vụ cho hãng hàng không Aeroflot, hãng chịu áp lực lớn của chính phủ Nga nhằm phải tăng thêm máy bay Nga vào đội bay của hãng.

 

Chỉ ba ngày trước, một chiếc Sukhoi SuperJet đã chạy vượt đường băng khi hạ cánh ở thành phố Kazan của Nga, song không có ai bị thương. Và vào tháng 3, một chiếc máy bay đã phải cắt ngắn hành trình bay đã định do gặp trục trặc ở bộ bánh máy bay.

 

Chiếc Sukhoi Superjet đầu tiên của hãng hàng không Aeroflot đã phải “đắp chiếu” nhiều tuần sau khi được chuyển giao, do gặp vấn đề về điều hòa. Trong khi đó, hồi tháng 12 năm ngoái, trục trặc ở gầm máy bay đã khiến một chiếc bayt từ Minsk tới Mátxcơva mà không có hành khách nào.

 

Sukhoi là hãng sản xuất máy bay lớn, có bề dày lịch sử từ những năm 1930 dưới thời Liên Xô cũ. Hãng này có 26.000 nhân viên và đóng tại thành phố Komsomolsk-on-Amur, viễn đông Nga. Sukhoi cũng sản xuất nhiều máy bay chiến đấu quân sự.

 

Nga vốn gặp nhiều tai tiếng liên quan đến các vụ tai nạn máy bay. Song những vụ tai nạn thảm khốc những năm gần đây hầu hết liên quan đến các máy bay cũ do Liên Xô sản xuất như Tupolev và Yak, loại máy bay hãng Aeroflot hiện không còn sử dụng.

 

Phan Anh

Theo AFP