Thỏa thuận ngừng bắn Hamas-Israel
Sự yên ắng mong manh
(Dân trí) - Trước khi thỏa thuận ngừng bắn mới tại Gaza có hiệu lực, giới phân tích cho rằng sau một năm giao tranh, cả Israel lẫn Hamas đều cần có một thời kỳ hòa hoãn. Tuy nhiên, liệu thỏa thuận này có tồn tại được trong thời gian dài vẫn còn là điều chưa chắc chắn.
"Hữu danh, vô thực"
Ngày 18/6, chỉ một ngày trước khi Thỏa thuận ngừng bắn Dải Gaza có hiệu lực, dân quân Palestine đã nã ít nhất 50 quả tên lửa và đạn súng cối từ Dải Gaza vào lãnh thổ Israel, còn quân đội Israel thì trả đũa bằng các vụ không kích. Diễn biến đó cho thấy thỏa thuận giữa Israel và Hamas này mong manh, dễ đổ vỡ đến chừng nào.
Sau nhiều tháng bạo lực, lãnh đạo của cả hai phía đã bày tỏ hy vọng rằng thỏa thuận ngừng bắn Gaza thành công. Tuy nhiên, họ cũng tỏ rõ thái độ thiếu tin tưởng vào sự tuân thủ thỏa thuận của đối phương. Trong bài phát biểu trước các tổ chức từ thiện, Thủ tướng Israel Ehud Olmert nói: "Tôi hy vọng thỏa thuận ngừng bắn này sẽ thành công. Tôi tin rằng miền Nam Israel sẽ được bình yên". Tuy nhiên, Thủ tướng Olmert cũng cho biết ông đã ra lệnh cho quân đội "chuẩn bị cho mọi chiến dịch, ngắn hạn hoặc dài hạn, vì điều đó có thể sẽ cần thiết", trong trường hợp thỏa thuận ngừng bắn này bị đổ vỡ.
Tại Dải Gaza, "Thủ tướng của Hamas", ông Ismail Haniyeh tuyên bố Thỏa thuận ngừng bắn Gaza sẽ "làm cho cuộc sống của người dân Dải Gaza trở nên dễ chịu hơn", nhưng sự thành bại của thỏa thuận này hoàn toàn phụ thuộc vào phía Israel. Ông nói phía Israel sẽ được "ổn định và bình yên", nếu họ tuân thủ Thỏa thuận ngừng bắn Gaza.
Như vậy, Israel đã nhận được thông điệp rằng lúc nào Hamas cũng có thể bắn tên lửa, còn phía Hamas cũng nhận được tín hiệu rằng lúc nào Israel cũng có thể sát hại người Palestine.
Nhượng bộ trong hoài nghi
Nhiều nhà phân tích cho rằng các cuộc tấn công bằng tên lửa vào miền Nam Israel trong nhiều tháng qua - cộng với cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng tăng tại Israel xung quanh vụ điều tra tham nhũng đối với Thủ tướng Ehud Olmert - đã buộc nhà nước Do Thái này phải chấp nhận một thời kỳ hòa hoãn. Có thể thấy rõ rằng các cuộc tấn công liên tiếp bằng tên lửa vào thị trấn, làng mạc của Israel có thể có giá trị về chính trị vào thời điểm các lãnh đạo của Israel phải chật vật cứu vãn sự nghiệp chính trị của mình.
Trong bối cảnh có sự hoài nghi ở Israel về thỏa thuận ngừng bắn nói trên, Thủ tướng Olmert cũng tuyên bố cứng rắn rằng thỏa thuận ngừng bắn này "có thể chết yểu", đồng thời nhấn mạnh Israel chỉ đàm phán với các nhà trung gian của Ai Cập. Về Hamas, ông khẳng định: "Đây là những phần tử khủng bố hèn hạ, khát máu, không hề thay đổi".
Về phần mình, Hamas cũng thấy cần bãi bỏ sự phong tỏa của Israel vốn đẩy nền kinh tế ở Dải Gaza tới bờ vực sụp đổ hoàn toàn. Tuy nhiên, việc thỏa thuận ngừng bắn này có hiệu lực hay không, còn phụ thuộc vào hai trong số nhiều vấn đề gai góc nhất: đó là vấn đề cửa khẩu Rafah đến với Ai Cập và việc phóng thích Gilad Shalit, một lính Israel bị các dân quân Palestine bắt giữ năm 2006.
Về phía Israel, việc tuân thủ thỏa thuận này có thể phụ thuộc vào việc phóng thích binh sĩ Gilad Shalit. Chuyên gia an ninh của Israel Alex Fishman viết trên báo Yediot Aharonot: "Đối với ban lãnh đạo chính trị của chúng tôi, sự tiến triển nào đó trong vấn đề Gilad Shalit sẽ đóng một vai trò quan trọng vì những lý do trong nước".
Trong khi đó, nhà phân tích chính trị Naji Sharab ở Dải Gaza nói: "Vấn đề chính ở đây là liệu thỏa thuận ngừng bắn này có mang đến việc dỡ bỏ hoàn toàn sự phong tỏa của Israel đối với Dải Gaza hay không. Tôi không tin điều đó sẽ xảy... Vấn đề cửa khẩu Rafah vẫn còn tồn đọng".
Với cái nhìn lạc quan nhất, nếu thành công trong việc làm giảm bớt bạo lực, thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza có thể giúp đảng Fatah của Tổng thống Abbas hàn gắn bất đồng với phong trào Hamas đối địch. Tổng thống Abbas sẽ dễ dàng can dự với Hamas hơn, nếu Israel có động thái dọn đường.
Tuy nhiên, Hamas sẽ vẫn bị Mỹ, Liên minh châu Âu, Israel coi là tổ chức khủng bố.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tom Casey đã tuyên bố đầy hoài nghi: "Trước tiên, chúng tôi sẽ xem liệu đó có phải là một thỏa thuận thực sự hay không. Cho dù nếu đúng như vậy, thì đáng tiếc là thỏa thuận này cũng khó đưa Hamas ra khỏi các hoạt động khủng bố". Sự ngờ vực dai dẳng đó có thể là tiền đề cho các hành động vũ lực làm đổ vỡ cho cuộc ngừng bắn mong manh trên.
Kiến Văn (Tổng hợp)