1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Sự thay đổi đáng chú ý trong lập trường của NATO về Trung Quốc

Minh Phương

(Dân trí) - Kể từ khi thành lập, NATO coi Trung Quốc vừa là đồng minh vừa là đối thủ, nhưng chưa bao giờ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lại được đề cao trong chương trình nghị sự của tổ chức này.

Sự thay đổi đáng chú ý trong lập trường của NATO về Trung Quốc - 1

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg (Ảnh: Reuters).

Trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine cũng như bất ổn địa chính trị, kinh tế và xã hội trên khắp thế giới gia tăng, chương trình nghị sự của NATO lại nhấn mạnh vào cách ứng phó với những thách thức an ninh từ Trung Quốc.

Trong "Khái niệm Chiến lược Madrid" được đưa ra tại hội nghị cuối tháng trước, các đồng minh trong NATO đã có bước đi xa hơn trước đây khi mô tả Trung Quốc là một "mối đe dọa an ninh", đồng thời, lần đầu tiên nhất trí về một chiến lược chung để đối phó với Bắc Kinh.

NATO ban đầu được thành lập để giải quyết các mối đe dọa quân sự trực tiếp đối với châu Âu. Khi đó, NATO không đề cập tới Trung Quốc trong sứ mệnh của mình, song điều đó không có nghĩa là trước đây họ chưa từng đưa Bắc Kinh "vào tầm ngắm".

Từ góc độ lịch sử, Trung Quốc đôi khi bị coi là đối thủ, đôi khi là đồng minh và đôi khi lại ở ranh giới giữa đồng minh và đối thủ tùy thuộc vào diễn biến trong Chiến tranh Lạnh và sau sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ.

Trung Quốc được mô tả là "đối tác có ít tầm quan trọng" vào những năm 1950, và sau đó là "có thể là một trong những đồng minh quan trọng nhất của NATO" vào những năm 1970. Giờ đây, đánh giá của NATO về Trung Quốc đã thay đổi đáng kể trong khái niệm chiến lược mới nhất - một tài liệu đưa ra lộ trình cho liên minh trong 10 năm tới.

Cách tiếp cận cân bằng nhưng quyết liệt

Thực tế, NATO từng đánh tín hiệu về sự thay đổi quan điểm này trong Tuyên bố London năm 2019. Ở đó, Trung Quốc được mô tả là một cường quốc mang đến cả cơ hội lẫn thách thức. Sau đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg yêu cầu một nhóm chuyên gia lên ý tưởng về các ưu tiên và mối quan tâm trong tương lai của liên minh.

Năm ngoái, tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Brussels, Trung Quốc được cho là đã kéo theo những thách thức mang tính hệ thống đối với trật tự quốc tế cũng như những lĩnh vực liên quan đến an ninh của tổ chức này. Tuy nhiên, thông cáo năm 2021 lại thể hiện sự mơ hồ khi trả lời câu hỏi NATO nên phản ứng thế nào. Câu hỏi này mới được giải đáp tại hội nghị ở Madrid, trong đó, tổ chức đưa ra cách tiếp cận cân bằng nhưng quyết liệt đối với Trung Quốc trong bản chiến lược mới.

Sự thay đổi đáng chú ý trong lập trường của NATO về Trung Quốc - 2

Các lãnh đạo tham gia hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nha hôm 29/6 (Ảnh: Xinhua).

Bản khái niệm chiến lược mới nêu ra 3 yếu tố then chốt cho mối quan hệ NATO - Trung Quốc.

Đầu tiên, NATO xác định Nga là thách thức trực tiếp và đáng kể nhất đối với an ninh của các đồng minh, nói cách khác là khẳng định ưu tiên của NATO là đối phó với thách thức từ Nga.

Điều này ngầm chỉ rằng, với NATO, Trung Quốc không bị coi là thách thức tương tự. Trên thực tế, NATO vẫn cởi mở trong việc tham gia góp ý xây dựng với Bắc Kinh. Tuy nhiên, tổ chức này vẫn nhấn mạnh những thách thức mà quốc gia này đặt ra đối với an ninh châu Âu - Đại Tây Dương. Đặc biệt, liên minh này xem xét Trung Quốc trong quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu rộng với Nga, cũng như nỗ lực của hai nước "nhằm làm suy yếu trật tự thế giới".

Thứ hai, khái niệm chiến lược mới nhấn mạnh rằng Liên minh châu Âu (EU) là một đối tác cần thiết, đồng thời kêu gọi tăng cường hợp tác giữa EU và NATO trong những vấn đề mà họ có cùng mối quan tâm, bao gồm cả những thách thức do Trung Quốc đặt ra. Điều này cũng phù hợp với La bàn Chiến lược của EU - tài liệu về chiến lược bảo vệ quốc gia của khối nhấn mạnh sự thống nhất giữa hai tổ chức trong vấn đề an ninh châu Âu và toàn cầu.

Trong các thách thức đến từ Trung Quốc, năng lực công nghệ và sức mạnh kinh tế của nước này là hai trong những vấn đề cấp bách nhất trong chương trình nghị sự của NATO. Trong những lĩnh vực này, chiến lược của EU có thể tạo ra sự khác biệt trong việc giải quyết các vấn đề không gian mạng, đầu tư vào cơ sở hạ tầng quan trọng. Suy cho cùng, NATO là một liên minh quân sự và EU được trang bị tốt hơn để xử lý các mối đe dọa quân sự phi truyền thống đến từ Trung Quốc.

Thứ ba, chiến lược mới thừa nhận rằng những diễn biến ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của châu Âu - Đại Tây Dương. Do đó, NATO sẽ tăng cường đối thoại và hợp tác với các đối tác mới và hiện có trong khu vực để giải quyết các thách thức xuyên khu vực.

Mối đe dọa chính đến từ Nga nhưng NATO đang đánh giá tình hình an ninh từ quan điểm toàn cầu. Điều này ngụ ý rằng các yếu tố bên ngoài có khả năng tác động ngày càng lớn đến khu vực châu Âu - Đại Tây Dương, và NATO sẽ phải thích nghi với những yếu tố mới.

Việc các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của NATO, cụ thể là Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và New Zealand, lần đầu tiên tham gia hội nghị thượng đỉnh ở Madrid cho thấy rõ ràng tính chất đan xen trong lĩnh vực an ninh của khu vực châu Âu - Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Cộng đồng xuyên Đại Tây Dương đã tập hợp lại ở Madrid để thiết lập lộ trình cho tương lai của NATO. Trong đó, khái niệm chiến lược mới bị ảnh hưởng bởi cách họ nhìn nhận về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Diễn biến chiến sự sẽ ảnh hưởng lớn đến tương lai của trật tự quốc tế cũng như tác động tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc được nêu tên trong khái niệm chiến lược của NATO. Chắc chắn, NATO đã rất thận trọng không đưa Trung Quốc lên ngang hàng với Nga khi đánh giá những thách thức đến từ hai quốc gia này.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề dài hạn quan trọng trong danh sách theo dõi của NATO sẽ là trục Bắc Kinh - Moscow, vì đây là thách thức lớn đối với các giá trị và lợi ích của NATO. Tình hình hiện nay cho thấy vai trò quan trọng của các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong tổ chức bất chấp ưu tiên phòng thủ tập thể cho châu Âu.

Cán cân quyền lực toàn cầu đang chuyển sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và châu Âu - Đại Tây Dương đang nỗ lực để bắt kịp với điều đó. Hiện vẫn chưa thấy hai bên có điểm chung nào, song Trung Quốc có thể là một trong số đó. Khái niệm Chiến lược Madrid nói chung chính là sự điều chỉnh của NATO trong thời đại cạnh tranh tầm ảnh hưởng khốc liệt hiện nay.

Theo SCMP, Washington Post