1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Sự thật về nữ sát thủ diệt trăm quân IS

Hàng nghìn người trên thế giới tham gia truyền thông xã hội đã chia sẻ hình ảnh về "Thiên thần Kobani", hay còn gọi là "Rehana" - một nữ chiến binh người Kurd đã trở thành biểu tượng chiến đấu chống tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS).

Hãng tin BBC dẫn các câu chuyện được lưu truyền trên mạng kể rằng, "Rehana" đã tiêu diệt được 100 tay súng IS. Tuy nhiên, có thể "Thiên thần Kobani" không phải là nhân vật mà mọi người đang hình dung.

Thế giới hiện đang theo dõi sát sao tình hình chiến sự ở Kobani, một thị trấn chiến lược nằm ở biên giới Syria giáp với Thổ Nhĩ Kỳ. Lực lượng dân quân người Kurd bản địa, được sự yểm trợ bởi các cuộc không kích của Mỹ và liên quân, đang chiến đấu đẩy lui đà tiến của IS.

Thực tế rất khó chụp được cảnh tượng đang diễn ra trong lòng Kobani đã khiến cho những câu chuyện đồn thổi về dân quân người Kurd được lưu truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Đặc biệt phải kể đến "Rehana", cô gái đã trở thành biểu tượng cho đội nữ chiến binh dũng cảm chống lại IS.
 
Sự thật về nữ sát thủ diệt trăm quân IS

Hàng nghìn người đã chia sẻ bức ảnh này trên Twitter và Facebook, kèm theo vô số câu chuyện về sự dũng cảm của Rehana và thông tin cô đã tiêu diệt được cả trăm phần tử IS.

Thế nhưng, bức ảnh đó bắt nguồn từ đâu? Thực tế, cô gái nổi tiếng với biệt danh "Rehana" này đã chụp ảnh tại một sự kiện ở Kobani ngày 22/8 - nhiều tháng trước khi bức ảnh được lưu truyền chóng mặt trên Internet.

Cô gái có mặt tại một buổi lễ dành cho các tình nguyện viên và đang mặc một đồng phục lính chiến. Carl Drott, người Thụy Điển, là nhà báo quốc tế duy nhất ở Kobani vào thời điểm đó và ông đã có một cuộc trao đổi ngắn với nhân vật chính trước buổi lễ. Ông cho biết, cô gái không phải là một chiến binh ở tuyến đầu, mà tự nguyện đảm nhận vị trí bảo vệ ở hậu phương, là thành viên của lực lượng cảnh sát Kobani.

Theo Carl Drott, điều đó có nghĩa là "Rehana" ít có khả năng bắn chết một số lượng lớn kẻ thù như đồn đoán.

"Cô ấy gặp tôi và nói từng học luật ở Aleppo, nhưng IS đã giết chết cha cô ấy nên cô ấy quyết định tham gia các lực lượng này", nhà báo Drott kể lại. "Sau đó, tôi đã cố gắng tìm cô ấy để hỏi chuyện, nhưng không tìm được và cũng không làm sao biết được tên cô ấy".

Cái tên Rehana dường như sau đó mới xuất hiện và nó không phải là một cái tên thường thấy của người Kurd.

Tiếp sau đó, hình ảnh nữ chiến binh xinh đẹp được đăng tải trên blog 'Bijikurdistan' chuyên ủng hộ nỗ lực của người Kurd ở Kobani. Và rồi bức ảnh dường như bị quên lãng cho đến khi được chia sẻ trên Twitter một tháng sau bởi Slemani Times - hãng tin bằng tiếng Anh có trụ sở tại Kobani.

Và kể từ đây, câu chuyện và sự bí ẩn xung quanh cô gái bắt đầu ồn ã trên truyền thông xã hội.

Ngày 5/10, tin đồn về Rehana bị IS giết chết bắt đầu "dậy sóng". Một người dùng Twitter có ảnh hưởng là @alfaisal_ragad đăng một tấm hình và mô tả một cô gái Kurd đã bị IS chặt đầu.

Vào ngày 10/10, tài khoản @Kurdistan_Army trên Twitter nằm trong số những người đã chia sẻ hình ảnh này cùng tấm ảnh một phụ nữ được gọi là "Rehana" mỉm cười trước máy quay. Cứ thế, nhiều người bắt đầu liên tưởng và đồn đoán tiếp tục.

Mặc dù một số người khẳng định cô gái đã chết, nhưng tới ngày 13/10, một số khác lại bắt đầu xướng tên "Rehana" (vẫn còn sống). Đó cũng là khi câu chuyện của cô gái bắt đầu lan khắp thế giới, nhờ một thông điệp trên Twitter được chia sẻ tới 5.500 lần: "Rehana đã giết được hơn 100 tên khủng bố IS ở Kobani. Hãy chia sẻ và khiến cô ấy nổi tiếng vì sự dũng cảm của mình".

Và 'Thiên thần Kobani' chính thức xuất hiện.

Thông điệp kể trên có thể được xem như một chiến dịch tuyên truyền ủng hộ người Kurd nhưng đáng chú ý là nó không xuất phát từ một tài khoản của người Kurd. Thay vào đó, nó bắt nguồn từ một blogger người Ấn Độ tên là Pawan Durani, người tự nhận là một nhà hoạt động và có liên quan tới một trang web bênh vực quyền của người Hindu ở Kashmir.

Trên trang Twitter của mình, Durani cũng đăng một loạt hình ảnh khác về các nữ chiến binh Kurd và anh này không phải là người duy nhất làm như vậy.

Từ mạng xã hội, câu chuyện của "Rehana" bắt đầu lan sang báo chí, với một số cây viết đặt cho cô biệt danh "Thiên thần Kobani".

"Cô gái hấp dẫn tất cả mọi người bằng đôi mắt đẹp và mái tóc vàng. Cô ấy có một lượng fan hùng hậu", blogger người Kurd Ruwayda Mustafah đánh giá. "Tất cả những người tôi gặp đều ngưỡng mộ cô ấy, bởi cô ấy là biểu tượng của những gì mọi người muốn thấy. Phụ nữ và đàn ông cùng đứng lên chống lại một thế lực man rợ trong khu vực".

 
Theo Thanh Hảo
Vietnamnet