1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Sự nóng lòng của Mỹ khi đặt “tối hậu thư” cho Triều Tiên

(Dân trí) - Việc cố vấn an ninh của Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ có kế hoạch hối thúc Triều Tiên giải trừ vũ khí hạt nhân trong vòng 1 năm đã cho thấy sự sốt ruột của chính quyền Washington trong việc buộc Bình Nhưỡng phải thực hiện các cam kết của nước này.

Tổng thống Trump, nhà lãnh đạo Kim Jong-un và các quan chức Mỹ - Triều nhóm họp tại Singapore ngày 12/6 (Ảnh: New York Times)
Tổng thống Trump, nhà lãnh đạo Kim Jong-un và các quan chức Mỹ - Triều nhóm họp tại Singapore ngày 12/6 (Ảnh: New York Times)

Trong cuộc phỏng vấn được phát sóng ngày 1/7, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John R. Bolton tuyên bố kho vũ khí của Triều Tiên phải được giải trừ hoàn toàn “trong vòng một năm”, trong đó yêu cầu Bình Nhưỡng “chấm dứt toàn bộ chương trình hạt nhân, tên lửa, vũ khí hóa học cũng như sinh học và đóng cửa các bãi thử tên lửa đạn đạo”. Tuyên bố của ông Bolton, người từng nhiều lần bày tỏ sự hoài nghi sâu sắc về viễn cảnh Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, được đưa ra không lâu trước khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có chuyến đi thứ ba tới Triều Tiên vào cuối tuần này.

Ngoại trưởng Pompeo sẽ tới Bình Nhưỡng với lịch trình dự kiến liên quan tới vấn đề phi hạt nhân hóa, bắt đầu bằng việc yêu cầu Triều Tiên công bố tất cả các vũ khí cũng như cơ sở sản xuất vũ khí và tên lửa của nước này. Bản công bố trên sẽ là phép thử đầu tiên để đánh giá mức độ chân thành của Bình Nhưỡng trong bối cảnh nhiều người lo ngại rằng chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như vẫn đang tìm cách che giấu một phần nào đó chương trình hạt nhân. Phát biểu trên kênh CBS, ông Bolton nói rằng Triều Tiên chưa công bố bất kỳ điều gì tương tự như vậy sau 3 tuần diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore.

Ngoại trưởng Pompeo gặp ông Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)
Ngoại trưởng Pompeo gặp ông Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)

Các cố vấn của Ngoại trưởng Pompeo, cả ở ngoài chính quyền Mỹ và trong nội bộ Cục Tình báo Trung ương (CIA) - nơi ông Pompeo từng làm lãnh đạo, đều cảnh báo ông rằng, ngay cả khi Triều Tiên chấp thuận, nước này cũng sẽ tìm cách duy trì kho vũ khí ước tính gồm 20-60 vũ khí hạt nhân của nước này cho tới giai đoạn cuối cùng của tiến trình phi hạt nhân hóa. Những kế hoạch do đội ngũ cố vấn đưa cho Ngoại trưởng Pompeo đều tập trung vào việc hối thúc Triều Tiên dừng việc sản xuất nguyên liệu hạt nhân, chứ không yêu cầu nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân ngay lập tức, ít nhất cho tới khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un cảm thấy tự tin rằng các lợi ích về kinh tế bắt đầu “chảy vào” Triều Tiên và Mỹ cũng như các đồng minh không còn tìm cách lật đổ chính quyền Bình Nhưỡng.

Cách tiếp cận trên tiềm ẩn nhiều rủi ro và đi ngược lại với những gì mà ông Bolton và Tổng thống Trump muốn Triều Tiên thực hiện: đó là giải giáp vũ khí hạt nhân trước, và chuyển bom hạt nhân cũng như nguyên liệu hạt nhân ra nước ngoài. Nếu Triều Tiên được phép duy trì kho vũ khí của nước này cho tới giai đoạn cuối cùng của tiến trình phi hạt nhân hóa, điều đó đồng nghĩa với việc Triều Tiên vẫn là quốc gia hạt nhân trong một khoảng thời gian nhất định, có thể là trong nhiều năm.

Yêu cầu cấp bách

Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton (Ảnh: New York Times)
Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton (Ảnh: New York Times)

Nỗ lực đặt Triều Tiên vào một lịch trình cụ thể được cho là một yêu cầu cấp bách vì cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đã mang lại những kết quả cụ thể, mặc dù Tổng thống Trump tuyên bố “không còn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên nữa”.

Những dấu hiệu đáng lo ngại về cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên ngày càng tăng lên. Tại Singapore, ông Trump tuyên bố Triều Tiên đã phá hủy một bãi thử động cơ hạt nhân quan trọng, song những hình ảnh vệ tinh cho thấy bãi thử này vẫn còn nguyên vẹn. Thậm chí, các hoạt động còn đang diễn ra ở một lò phản ứng hạt nhân mới, góp phần gia tăng đáng kể năng lực của Bình Nhưỡng trong việc sản xuất plutonium - một nguyên liệu quan trọng để chế tạo bom nguyên tử.

Trong khi đó, các quan chức CIA vẫn đang chờ xem liệu Triều Tiên có sẵn sàng hé lộ sự tồn tại của một nhà máy nghi làm giàu uranium, một nguyên liệu quan trọng khác để chế tạo vũ khí hạt nhân, hay không. Theo báo cáo của một cơ sở bí mật thuộc Viện Khoa học và An ninh Quốc tế có trụ sở tại Washington, nhà máy này của Bình Nhưỡng mang tên Kangsong, được cho là nơi đặt hàng nghìn máy ly tâm để phục vụ cho quá trình chế tạo bom hạt nhân và Triều Tiên đã vận hành nhà máy này trong nhiều năm.

Cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên (Ảnh: Yonhap)
Cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên (Ảnh: Yonhap)

Giới chức tình báo Mỹ cho rằng lịch trình “một năm” do ông Bolton đưa ra phi thực tế. Trong khi đó, Ngoại trưởng Pompeo gần đây đã tuyên bố trước Quốc hội rằng ông muốn thấy quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn của Triều Tiên trong vòng hai năm rưỡi, tức là khi nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump sắp kết thúc. Rất ít nhà phân tích tin rằng mọi chuyện có thể xảy ra nhanh chóng như vậy.

Ông Pompeo đã tìm đến các chuyên gia về chống phổ biến vũ khí để đưa ra những đề xuất chi tiết về việc làm thế nào để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên và ông đã xây dựng một đội ngũ gồm những người từng làm việc với ông tại CIA trước đây. Một trong số các đề xuất chi tiết nhất do Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie đưa ra đã ủng hộ phương án “đóng băng kết hợp giảm bớt tính sẵn sàng” của chương trình hạt nhân Triều Tiên. Bước đầu tiên bao gồm chương trình buộc Triều Tiên phải tách các đầu đạn hạt nhân ra khỏi tên lửa, loại bỏ bộ phận quan trọng giúp kích nổ vũ khí hạt nhân, và dừng sản xuất nguyên liệu hạt nhân.

Tuy nhiên, trong tất cả các đề xuất trình lên Ngoại trưởng Pompeo, việc giải giáp vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đều được xếp vào bước cuối cùng. Trong khi đó, các quan chức Mỹ nói rằng ông Bolton không ủng hộ bất kỳ phương án nào cho phép Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân quá một năm.

“Nếu quyết định chiến lược đã được ban hành và họ (Triều Tiên) tỏ ra hợp tác thì chúng ta có thể xúc tiến rất nhanh”, ông Bolton nhận định.

Thành Đạt

Theo New York Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm