Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông:
Sự giảo biện của Trung Quốc
Ngày 7/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh (Oánh) tuyên bố, Bắc Kinh luôn cam kết cùng ASEAN chung tay duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông...
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân
... Nhưng không quên nhấn mạnh điệp khúc quen thuộc: Trung Quốc cam kết giải quyết tranh chấp trên Biển Đông thông qua tham vấn và thương lượng với các nước liên quan trực tiếp - chỉ đàm phán song phương, không đa phương, trong khi vấn đề này liên quan tới “5 nước, 6 bên”. Trong khi đó, giới truyền thông quốc tế đăng nhiều bài chỉ trích Trung Quốc như Hãng AFP, BBC và MSN đăng bài “John Kerry quở trách Bắc Kinh vì gây hấn ở Biển Đông”, “Trung Quốc đe dọa hòa bình” và “Mỹ đề nghị dừng hoạt động khiêu khích ở Biển Đông”.
Giỏi giảo biện
Ngày 7/8, Tân Hoa xã đặt câu hỏi về việc Nhật Bản tặng Việt Nam 1 tàu tuần tra và máy bay tuần tra trên biển cho Philippines và Tokyo có mục đích gì trong vấn đề này. Ngoài ra, Tân Hoa xã còn cho rằng, chuyến công du Việt Nam vừa qua của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry là nhằm chuẩn bị cho Tổng thống Barack Obama thăm Việt Nam vào cuối năm nay?
Trước đó (6/8), tờ Phượng Hoàng (Hongkong) đã đề cập tới việc Việt Nam tổ chức lễ biên chế lô 2 tàu ngầm lớp Kilo, loại tàu tiên tiến hơn tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc. Và đến nay Hải quân Việt Nam đã biên chế 4 tàu ngầm, đều triển khai ở Biển Đông và đến năm 2016, nước này sẽ đưa 6 tàu ngầm vào hoạt động.
Ngày 3/8, tờ “Người quan sát” đăng bài “Tàu ngầm - hàng không mẫu hạm cùng bị đánh: Trung Quốc tập trận ở Biển Đông chĩa mũi kiếm vào Mỹ, Việt Nam và Đài Loan”. Có cùng nhận định với tờ “Người quan sát”, ngày 5/8, tờ Vượng Báo cho rằng, Trung Quốc tập trận ở Biển Đông là nhằm vào Việt Nam.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario
Theo nhận định của ông Lã Ninh Tư, bình luận viên của chuyên mục thời sự “Tiêu điểm Phượng Hoàng” của đài Phượng Hoàng, Hongkong hôm 8/8, hiện trạng quan hệ Việt - Mỹ không còn là hòa giải, mà đã đạt đến độ nồng ấm “tối cao”, gần như đồng minh. Và bình luận của Lã Ninh Tư có thể gây hiểu nhầm trong khu vực. Trước đó (5/8), ông Mã Đỉnh Thịnh, biên tập viên của đài Phượng Hoàng đã lớn tiếng kích động xung đột, đồng thời đe dọa “san bằng” các căn cứ quân sự của Việt Nam một khi nổ ra xung đột Việt - Trung trên Biển Đông. Mã Đỉnh Thịnh còn cho rằng, cuộc tập trận vừa qua của Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc trên Biển Đông với mục tiêu giả định là các căn cứ của đối phương trên đất liền.
Cũng trong ngày 5/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố, Bắc Kinh đã ngừng hoạt động cải tạo đất phi pháp ở Biển Đông - các bạn nhìn xem, ai đang xây dựng? Hãy lên máy bay để kiểm chứng. Nhưng theo một nguồn tin ngoại giao, Bắc Kinh vẫn đang tiếp tục kế hoạch xây dựng trái phép trên các đảo mới bồi đắp. Và trên thực tế, Trung Quốc không có dấu hiệu dừng xây dựng tại 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ông Vương Nghị còn cho rằng, các quốc gia cạnh Biển Đông nên đẩy nhanh các cuộc tham vấn về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và tích cực tìm kiếm các biện pháp đề phòng để quản lý các rủi ro trên biển.
Nhưng ngày 3/8, phát biểu với báo chí trước khi bay sang Malaysia, ông Vương Nghị đã nhấn mạnh, Bắc Kinh không bao giờ tin diễn đàn đa phương là nơi thích hợp để bàn luận những tranh chấp song phương. Đồng thời khẳng định, Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng đảo bất chấp sự can thiệp, phản đối của các nước khác, kể cả Mỹ.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị
Thể hiện sức mạnh quân sự
Ngày 4/8, khi bình luận trên Russian Council, Tiến sĩ Hanns Maull, Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Johns Hopkins cho rằng, Trung Quốc đang theo đuổi một chiến lược được tính toán cẩn thận nhằm nâng vị thế của Bắc Kinh ở Biển Đông. Cũng trong ngày 4/8, tờ Tin tức tham khảo Trung Quốc dẫn thông tin của báo chí Nhật Bản cho rằng, động thái của Bắc Kinh ở biển Hoa Đông và Biển Đông, cùng các hành động vượt qua chuỗi đảo thứ nhất triển khai ở Thái Bình Dương đều chứng tỏ,Trung Quốc không có năng lực kiểm soát đối với những vùng biển này.
Còn theo nhận định của tờ Military Industrial Courier, việc Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự cho thấy, Bắc Kinh đang muốn vươn ra thế giới. Nhưng với việc không có mạng lưới căn cứ quân sự dày đặc và hạm đội tàu sân bay như Mỹ, nên việc mở rộng lực lượng trên phạm vi toàn thế giới dường như là nhiệm vụ bất khả thi của Bắc Kinh trong tương lai gần.
Theo tờ Đa Chiều, Trung Quốc sẽ trình làng nhiều loại vũ khí mới và hiện đại nhất của mình trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến thứ II ở Bắc Kinh vào thượng tháng 9. Dự kiến sẽ có sự xuất hiện của xe tăng chiến đấu chủ lực Type 99A2, súng săn máy bay nòng kép 35mm, pháo PLZ-05 155mm, hệ thống tên lửa đất đối không HQ-10, xe bọc thép PTL-04, tên lửa đạn đạo chống hạm tầm trung DF-21, tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-31, tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm JL-2, máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm KJ-20 & KJ-2000, chiến đấu cơ J-11, J-15 "Flying Shark” và trực thăng tấn công Z-10 và Z-19.
Trước đó, Hãng GMA News đưa tin, mặc dù báo cáo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản về tương quan lực lượng của các bên có yêu sách ở Biển Đông cho thấy, Manila tụt hậu về khả năng quân sự trong khu vực, nhưng quân đội Philippines vẫn đủ tự tin bảo vệ mình nếu xảy ra xung đột ở Biển Đông. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Philippines chỉ có 80 chiến hạm trong khi Trung Quốc có 892 chiếc, Trung Quốc có 2.582 máy bay, còn Philippines chỉ có 26 chiếc và là nước duy nhất không có tàu ngầm trong số những quốc gia đang có tranh chấp tại Biển Đông. Ngày 5/8, tờ The Diplomat cho rằng, vị trí căn cứ hàng không mẫu hạm mới nằm ở cái gọi là thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam và nhìn thẳng xuống Biển Đông đã xác nhận ý đồ khống chế khu vực này của Trung Quốc.
Mã Đỉnh Thịnh, Ủy viên Chính hiệp tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, biên tập viên đài Phượng Hoàng, Hongkong
Quyết tâm của Philippines
Mặc dù Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario không có cuộc gặp trực tiếp nào với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, nhưng ông không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để giãi bày về những căng thẳng tại Biển Đông và vụ kiện “đường lưỡi bò” mà Manila đang tiến hành với Bắc Kinh tại Tòa Trọng tài Thường trực (PCA). Trước đó, ông Albert del Rosario cho biết, Manila thúc giục và ủng hộ Mỹ sử dụng các diễn đàn ASEAN để kêu gọi các nước hữu quan ủng hộ giải pháp “3 ngưng” các hành động làm căng thẳng ở Biển Đông. Đó là ngưng cải tạo đất, ngưng xây dựng và ngưng gây sự. Ngoại trưởng Albert del Rosario còn nhấn mạnh, Philippines sẵn sàng giúp giảm căng thẳng ở Biển Đông, nếu Trung Quốc và các bên tuyên bố chủ quyền nhất trí như vậy.
Ngày 3/8, tờ The Philippines Star dẫn lời ông Antonio Carpio, Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines cho rằng, Trung Quốc sẽ xây căn cứ không quân và hải quân trên bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, tương tự như những gì Bắc Kinh đã và đang làm tại bãi đá Chữ Thập và bãi đá Su Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ông Antonio Carpio cảnh báo, nếu điều này diễn ra, Bắc Kinh sẽ khống chế vùng biển cận kề và thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông. Thẩm phán Antonio Carpio còn nói, Manila không thể hy vọng ngăn chặn Trung Quốc bành trướng bằng cách dựa vào các lực lượng bên ngoài Philippines.
Theo ông Antonio Carpio, Hiệp ước Quốc phòng mở rộng giữa Philippines và Mỹ không bao gồm việc Washington bảo vệ Manila nếu bị tấn công ở Biển Đông. Do đó, giải pháp hiệu quả đối với Philippines để bảo vệ trước sự bành trướng của Trung Quốc là thông qua con đường tài phán quốc tế, sử dụng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Bởi nếu không thể áp dụng UNCLOS giải quyết vấn đề Biển Đông, thì bản “hiến pháp của đại dương” cũng không thể áp dụng cho bất kỳ tranh chấp hàng hải nào trong phần còn lại của thế giới và nó sẽ đánh dấu sự kết thúc của Công ước này.
Trước đó (2/8), tờ Inquirer dẫn lời Thị trưởng thành phố Davao Rodrigo Duterte nói trước tùy viên quân sự của hơn 20 nước tại Philippines rằng, người Mỹ sẽ không bao giờ “chết thay” Philippines một khi xảy ra xung đột ở Biển Đông. Bởi nếu Mỹ thực sự quan tâm tới vấn đề này, họ đã điều tàu sân bay và tàu khu trục đến khu vực tranh chấp ngay từ khi Trung Quốc bắt đầu bồi lấp, đảo hóa.
Cũng trong ngày 2/8, Hãng ABS-CBN News (Philippines) dẫn lời Đại tá Restituto Padilla, người phát ngôn quân đội Philippines kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nhất trí yêu cầu Trung Quốc ngừng thực hiện chiến lược “dùng sức mạnh trấn áp pháp quyền” trong tranh chấp ở Biển Đông. Đồng thời hy vọng, Trung Quốc sẽ lắng nghe và xây dựng quan điểm tuân thủ luật pháp như các nước đều mong đợi.
Ngày 4/8, tờ Đa Chiều đặt câu hỏi: “Hành động đột phá của Trung Quốc tiến xuống Biển Đông có phải lưu manh không?”. Đồng thời cho rằng, thái độ của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông ngày càng cứng rắn và không né tránh “mùi thuốc súng” như trước. Điều này được đưa ra sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố (3/8): vấn đề Biển Đông liên hệ mật thiết tới an ninh, hòa bình ổn định của khu vực nên Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) không thể không bàn. Mỹ cho rằng, hành vi bồi lấp xây dựng đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang tiến hành bất hợp pháp ở Biển Đông là một sự gây hấn. Nhưng ông Vương Nghị đã phủ nhận cáo buộc của Mỹ và cho rằng, đó là những “tố cáo ác ý và chụp mũ” cho Bắc Kinh. Giới phân tích cho rằng, những căng thẳng đã, đang và sẽ diễn ra trên Biển Đông đều xuất phát từ chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc.
Theo Hồng Thất Công
PetroTimes