1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Strauss-Kahn ra tù, châu Âu “đua” ghế trống ở IMF

(Dân trí) - Ông Strauss-Kahn vừa ra tù, nhưng bị quản thúc tại gia ở New York để chờ ra tòa lần tới. Cùng lúc, cuộc đua giữa châu Âu và các nước đang trỗi dậy càng thêm gay gắt về vấn đề bổ nhiệm chủ nhân chiếc ghế trống ở Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF).

 
Strauss-Kahn ra tù, châu Âu “đua” ghế trống ở IMF  - 1
Châu Âu gần như chắc chắn chọn bà Christine Lagarde, đương kim bộ trưởng Kinh tế Pháp, làm Tổng giám đốc IMF.

Sau khi được thẩm phán New York Michael Obus chấp nhận cho tại ngoại với số tiền thế chân là 1 triệu USD và số tiền ký gửi bảo đảm là 5 triệu USD, cựu bộ trưởng Pháp vẫn bị quản thúc tại gia trong một căn hộ do gia đình thuê ở New York, với những điều kiện rất nghiêm ngặt, chờ ra tòa lần tới, được ấn định là ngày 6/6.

Ông Dominique Strauss-Kahn phải đeo vòng điện tử. Căn hộ nơi ông tạm trú có gắn vidéo theo dõi 24 giờ/24. Trước cửa sẽ có một bảo vệ trang bị súng đứng gác ngày đêm. Những biện pháp này tốn tới 200.000 USD mỗi tháng và chi phí này do gia đình ông Dominique Strauss-Kahn chi trả.

Ngày 19/5, ông đã chính thức bị truy tố với 7 tội danh về tình dục. Trong lần ra tòa ngày 6/6 tới, cựu tổng giám đốc IMF sẽ phải nhận tội hoặc không nhận tội. Nếu ông nhận tội, thì sẽ không cần mở phiên xử, nhưng nếu ông vẫn không nhận tội, theo lời khuyên của các luật sư, thì phiên xử sẽ diễn ra. Tiến trình xét xử này có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.

Trong khi đó, từ mấy ngày qua, các lãnh đạo châu Âu liên tục kêu gọi để cho một người đại diện cho lục địa này thay thế ông Dominique Strauss-Kahn. Ngược lại, lập trường các quốc gia đang vươn lên là chọn lãnh đạo IMF theo năng lực chứ không theo vùng điạ lý.

Báo chí phương Tây dẫn nguồn tin châu Âu hôm qua cho rằng gần như chắc chắn là bà Christine Lagarde, đương kim bộ trưởng Kinh tế Pháp, sẽ được chọn là ứng cử viên của châu Âu vì hiện giờ, châu Âu không có ứng cử viên nào khác.

Nhưng ba nước đang trỗi dậy trong nhóm G20 là Brazil, Trung Quốc và Mehico đòi là lãnh đạo IMF phải được chọn dựa trên năng lực, chứ không phải là quốc tịch nữa. Các nước này yêu cầu là tiến trình bầu cử phải “ minh bạch” và mở ra cho các ứng viên của mọi quốc tịch.

Hôm qua, Bắc Kinh lên tiếng ủng hộ cho ứng cử viên người Trung Quốc ra tranh chức tổng giám đốc IMF. Báo chí Trung Quốc viết “đã đến lúc chấm dứt sự chi phối của các nước phương Tây lên tổ chức IMF... Người lãnh đạo tới của IMF cần là người Trung Quốc”.

“Điều đó sẽ là một dấu hiệu của sự tôn trọng một nước đang trỗi dậy như Trung Quốc. Việc châu Á giành chức lãnh đạo định chế quốc tế này sẽ phản ánh đúng hiện trạng của nền kinh tế toàn cầu hiện nay”.

Châu Âu đang phải đương đầu như khủng hoảng nợ công, trong khi sau một cải cách của IMF thông báo hồi tháng 1 vừa qua, Trung Quốc sẽ trở thành nước đóng góp nhiều thứ ba cho quỹ này, chỉ sau Mỹ và Nhật Bản.

Nguyễn Viết
Theo Xinhua, AFP