1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Số người chết tăng cao, Bộ trưởng Malaysia bị chỉ trích chống dịch nửa vời

Thanh Thành

(Dân trí) - Hơn 80.000 người Malaysia đã ký bản kiến nghị kêu gọi Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Quốc tế Azmin Ali từ chức vì chống dịch nửa vời, trong bối cảnh số người chết vì Covid-19 tăng cao kỷ lục.

Số người chết tăng cao, Bộ trưởng Malaysia bị chỉ trích chống dịch nửa vời - 1

Một nạn nhân tử vong vì Covid-19 ở Semenyih, Malaysia (Ảnh: AP).

Theo báo cáo của Bộ Y tế Malaysia ngày 4/6, số người chết vì Covid-19 đã vượt qua con số 3.000, trong đó số người chết mỗi ngày lên mức ba con số trong ngày thứ hai liên tiếp (3/6). Hơn 8.000 ca mới ghi nhận trong ngày 3/6, nâng tổng số ca mắc lên trên 600.000 người.

Tổng giám đốc Bộ Y tế Malaysia, ông Noor Hisham Abdullah, cho biết hầu hết 103 ca tử vong trong ngày 3/6 đều có bệnh nền như tiểu đường, huyết áp cao và đột quỵ. Tính đến nay, Malaysia ghi nhận tổng cộng 3.096 trường hợp tử vong do Covid-19.

Ông Noor Hisham cho biết thêm, trong đêm 3/6 có thêm 2 ca bệnh phải vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU), nâng tổng số người phải nằm ở ICU lên 880 người, trong đó gần 450 người đang cần máy trợ thở. Con số này gây áp lực lớn cho hệ thống chăm sóc y tế.

Kể từ ngày 17/5 đến nay, Malaysia liên tục chứng kiến ít nhất 50 ca tử vong do Covid-19 mỗi ngày. Hôm 2/6, số ca tử vong lên mức kỷ lục: 126 ca. Số ca nhiễm mỗi ngày ở Malaysia đã leo thang đáng lo ngại kể từ giữa tháng 5, vượt mức kỷ lục hơn 4.500 ca hồi tháng 2. Thậm chí, hôm 29/5, số ca mới mỗi ngày ở nước này ở mức hơn 9.000 ca, con số kỷ lục cho đến nay.

Theo báo SCMP, tình hình lây lan dịch bệnh ở Malaysia - quốc gia có gần 33 triệu người - hiện nay là đáng lo ngại nhất ở Đông Nam Á.

Đó là lý do chính phủ Thủ tướng Muhyiddin Yassin đã quyết định bỏ qua mối lo khủng hoảng nền kinh tế, ra lệnh phong tỏa toàn quốc trong 3 giai đoạn, với giai đoạn đầu tiên chính thức bắt đầu hôm 1/6 (kéo dài 2 tuần). Theo lệnh phong tỏa, chỉ một số lĩnh vực sản xuất và dịch vụ thiết yếu, chẳng hạn như cửa hàng thực phẩm và đồ uống, ngân hàng và thương mại điện tử, được phép hoạt động.

Tuy nhiên, bất chấp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt này, nhiều doanh nghiệp không thiết yếu, trong đó có cả công ty đồ nội thất, vẫn được phép hoạt động. Vụ việc làm bùng lên những chỉ trích giận dữ nhắm vào Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Quốc tế Malaysia Azmin Ali.

Ngày 3/6, hơn 80.000 người dân ở Malaysia đã ký vào một bản kiến nghị kêu gọi Bộ trưởng Azmin Ali từ chức. Những người chỉ trích cho rằng, việc một số doanh nghiệp không thiết yếu được quyền "miễn trừ" như vậy sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống dịch, và có thể sẽ đẩy hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đang đạt đến điểm quá tải vào khủng hoảng nguy hiểm.

Đáp trả làn sóng chỉ trích, Bộ trưởng Azmin Ali - nhân vật quyền lực thứ hai trong chính phủ của Thủ tướng Muhyiddin Yassin - tuyên bố, Bộ của ông không phải là cơ quan chính phủ duy nhất chịu trách nhiệm kiểm tra và phê duyệt các đơn xin hoạt động. Ông giải thích, có đến 15 cơ quan bộ đã tham gia vào quá trình phê duyệt theo Hệ thống quản lý Covid-19 (CIMS) thông minh.

Theo ông, tính đến sáng 3/6, có 128.150 trong số 586.308 công ty đã nộp đơn xin phép hoạt động trong thời gian phong tỏa đã được chấp thuận. Điều này đồng nghĩa có 1,57 triệu người vẫn làm việc mỗi ngày.

Tuyên bố của Bộ trưởng Azmin Ali vẫn gây nhiều hoài nghi. Bản kiến nghị công khai kêu gọi ông Azmin Ali từ chức, bắt nguồn từ một tài khoản có tên Kerajaan Gagal, đã thu thập được khoảng 83.000 chữ ký trên trang web change.org cho đến tối 3/6.

Hầu hết những người ký bản kiến nghị đều để lại những bình luận gay gắt nhằm vào Bộ trưởng Azmin. "Phong tỏa hoàn toàn nhưng do Bộ Thương mại và Công nghiệp, hàng triệu người đã trở lại làm việc. Điều này sẽ phá hủy hoàn toàn nỗ lực của tất cả mọi người", một bình luận nhấn mạnh.

Những người khác nói rằng, vụ việc cho thấy lệnh "phong tỏa nửa vời" của chính phủ Malaysia.