1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Snowden: Nga và Trung Quốc không có các tài liệu mật của Mỹ

(Dân trí) - Người tiết lộ tin tức tình báo Mỹ Edward Snowden cho hay anh không mang bất kỳ tài liệu mật nào sang Nga khi bay từ Hồng Kông tới Mátxcơva hồi tháng 6, và khẳng định rằng cả Nga và Trung Quốc đều không tiếp cận được số tài liệu này.

Edward Snowden.

Edward Snowden.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times được đăng tải ngày 17/10, Snowden tiết lộ anh đã trao tất cả các tài liệu mật mà anh ta có được cho các nhà báo tại Hồng Kông trước khi bay đi Nga và không giữ bản sao nào.

Snowden nói anh không mang theo bất kỳ tài liệu mật nào vì điều đó không phục vụ lợi ích chung.

Snowden, người từng làm việc cho 2 cơ quan tình báo của Mỹ, cũng cho biết không tài liệu mật nào bị chuyển cho Trung Quốc.

Các cáo buộc đã xuất hiện trên một số nguồn tin báo chí nói rằng Trung Quốc nhiều khả năng đã tiếp cận một số thông tin mật của Snowden trước khi anh này rời Hồng Kông.

Một số nhà phân tích cho rằng Snowden đang làm việc cho tình báo Trung Quốc, trong khi những người khác nói anh này làm việc cho người Nga.

Giới chức Mỹ và những người chỉ trích Snowden đã bày tỏ lo ngại rằng các tài liệu mà Snowden sở hữu có thể rơi vào tay người Nga, Trung Quốc hay các cơ quan tình báo nước ngoài khác.

Nhưng Snowden đã bác bỏ các đồn đoán trên. "Không có phần trăm cơ hội nào để người Nga hoặc người Trung Quốc nhận được các tài liệu mật".

Snowden khẳng định anh có thể bảo vệ các tài liệu khỏi các cơ quan tình báo Trung Quốc vì anh đã thừa biết khả năng tình báo của nước này thông qua thời còn làm việc với tư cách là nhà thầu của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA).

Theo lời Snowden, khi đó anh đã theo dõi các hoạt động của Trung Quốc và từng đào tạo về công tác phản gián mạng của Trung Quốc.

Snowden cũng khẳng định NSA biết anh không hợp tác với tình báo Nga hay Trung Quốc.

"Phục vụ lợi ích của đất nước"

Snowden cho hay quyết định nhằm tiết lộ các tài liệu mật diễn ra từ từ, và những ngờ vực của anh về các cơ quan tình báo đã nảy sinh từ thời anh còn làm việc cho Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) tại Geneva, Thụy Sĩ.

Snowden, người đối mặt với các cáo buộc làm gián điệp vì những tiết lộ gây sốc, đã bảo vệ hành động tiết lộ của anh là phục vụ lợi ích của đất nước bằng cách tạo ra một cuộc tranh luận công khai và báo cho công chúng biết về hoạt động theo dõi bí mật.

"Các chương trình được thực hiện trong bí mật, khỏi sự giám sát của công chúng, thiếu tính hợp pháp và đó là một vấn đề. Điều đó cũng cho thấy sự bình thường hóa một cách nguy hiểm việc điều hành trong bóng tối, nơi các quyết định có thể ảnh hưởng lớn tới công chúng được đưa ra mà công chúng không hề biết".

New York Times cho hay cuộc phỏng vấn với Snowden được tiến hành trong vài ngày thông qua các hệ thống liên lạc trực tuyến được mã hóa.

Hồi tháng 5, Snowden, 30 tuổi, đã tiết lộ nhiều thông tin tuyệt mật về các chương trình theo dõi của chính phủ Mỹ cho báo giới Anh và Mỹ. Snowden sau đó chạy trốn tới Hồng Kông hồi tháng 6 trước khi bay tới Mátxcơva.

Snowden đã mắc kẹt ở khu quá cảnh tại một sân bay của Mátxcơva nhiều tuần trước khi được cấp quy chế tị nạn tạm thời 1 năm tại Nga hôm 1/8.

Các thông tin mật được Snowden tiết lộ đã dẫn tới các cáo buộc rằng CIA và NSA đã theo dõi một cách có hệ thống trên quy mô toàn cầu nhằm vào các chính phủ, các doanh nghiệp và các nhân vật của công chúng.

Các mục tiêu bị theo dõi của Mỹ có các đối thủ như Nga, Trung Quốc, cũng như các đồng minh thân thiết như EU và Brazil.

NSA cũng đã buộc phải lên tiếng thừa nhận rằng cơ quan này từng thu thập các dữ liệu email và điện thoại của hàng triệu người Mỹ.

An Bình
Theo BBC, AFP