1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Singapore thông qua luật chống nước ngoài can thiệp

Thanh Thành

(Dân trí) - Singapore ngày 4/10 đã thông qua luật nhằm chống lại sự can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề nội bộ của nước này.

Singapore thông qua luật chống nước ngoài can thiệp - 1

Mọi người di chuyển trên đường phố tại Singapore (Ảnh minh họa: AP).

Theo Strait Times, sau cuộc tranh luận kéo dài 10 giờ ngày 4/10, quốc hội Singapore thông qua luật chống nước ngoài can thiệp.

Luật các biện pháp đối phó sự can thiệp từ nước ngoài (FICA) được thông qua 3 năm sau khi nó được giới thiệu lần đầu tại Singapore và 3 tuần sau khi được đưa ra thảo luận tại quốc hội.

Strait Times dẫn lời Bộ trưởng Pháp luật và Nội vụ Singapore K. Shanmugam phát biểu tại quốc hội nhấn mạnh: "Luật này nhằm đối phó mối đe dọa nghiêm trọng liên quan đến an ninh và chủ quyền quốc gia của chúng ta". Theo ông, đây là điều thật sự quan trọng để đảm bảo người dân Singapore được tiếp tục tự lựa chọn cách quản lý và sinh sống trên đất nước này.

FICA nhằm mục đích ngăn chặn, phát hiện và đối phó các chiến dịch can thiệp của các thực thể nước ngoài vào các vấn đề chính trị trong nước, như tung thông tin thù địch sai lệch, gây chia rẽ bằng các vấn đề gây tranh cãi liên quan đến sắc tộc và tôn giáo...

Luật mới là công cụ để chính phủ Singapore chống lại những hoạt động thù địch của các thực thể nước ngoài. Theo đó, giới chức nước này sẽ có quyền yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet và mạng xã hội cung cấp thông tin người dùng, gỡ bỏ các nội dung trên mạng và khóa tài khoản người dùng.

Bộ trưởng Shanmugam cũng mô tả FICA đưa ra một cách tiếp cận hiệu chỉnh hơn so với các luật khác cho thời đại công nghệ số hiện nay, và cho rằng nguy cơ các nước ngoài can thiệp vào vấn đề nội bộ của Singpaore đang ngày càng lớn.

"Internet khiến các hoạt động gây bất ổn ngày càng nhiều. Các quốc gia khác cũng đang tích cực phát triển khả năng tấn công và phòng thủ trên không gian mạng như một lực lượng tác chiến ngang hàng, thậm chí mạnh hơn các lực lượng trên bộ, trên không và trên biển", ông Shanmugam nói. Theo ông, phạm vi của FICA hẹp hơn so với luật tương tự của Mỹ và Australia.

Tuy nhiên, một số người chỉ trích cho rằng, nội dung của FICA quá rộng nên có nguy cơ lạm quyền. Trong khi đó, nhóm bảo vệ quyền lợi Phóng viên không biên giới (RSF) cho rằng, luật này có thể khiến các hãng truyền thông độc lập "mắc bẫy".