1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Siêu tiêm kích F-35 của Mỹ chỉ là “hổ giấy”?

(Dân trí) - Trong bối cảnh chương trình phát triển siêu máy bay chiến đấu F-35 gây nhiều tranh cãi, giới chức Lầu Năm Góc đã phải có phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ về các lỗi hệ thống vốn khiến dự án phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 lớn nhất thế giới đối mặt với nguy cơ thất bại.


Một máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ hạ cánh xuống tàu sân bay. (Ảnh: US Defense)

Một máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ hạ cánh xuống tàu sân bay. (Ảnh: US Defense)

Tại phiên điều trần diễn ra hôm qua 26/4, Giám đốc chương trình mua sắm vũ khí của Bộ Quốc phòng Mỹ Frank Kendall cho biết, Lầu Năm Góc đã tìm ra nguyên nhân gốc rễ dẫn đến sự mất ổn định của phần mềm trong hệ thống điều khiển. Lỗi phần mềm được ví như “bộ não” của F-35 này khiến hệ thống cảm biến của máy bay phải khởi động lại cứ 4 tiếng 1 lần khi bay.

Ông Kendall cho biết, hiện vấn đề này đã được khắc phục tạm thời và hệ thống chỉ khởi động lại sau 10 tiếng đồng hồ. “Chúng tôi tin rằng lỗi mất ổn định của phần mềm sẽ được khắc phục, nhưng hiện vẫn phải chờ xem phần mềm hoạt động ra sao trong môi trường hoạt động thử nghiệm”, giới chức Lầu Năm Góc cho biết.

Chương trình chế tạo F-35 là dự án phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5 lớn nhất thế giới cũng như của nước Mỹ. Theo kế hoạch, 2.500 máy bay F-35 trị giá 400 tỷ USD sẽ do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất, nhưng đến nay qua 5 năm thử nghiệm, trục trặc vẫn thường xuyên xảy ra.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain cho rằng: “Chương trình F-35 là những tai tiếng và bi kịch về chi phí, thời gian và chất lượng công việc. Sự phát triển F-35 đã kéo dài hơn 15 năm. Chi phí tăng hơn gấp đôi so với ước tính ban đầu”.

Ông McCain liệt kê các vấn đề gặp phải trong thiết kế máy bay, trong số đó có những vấn đề như radar bất ổn, hạn chế trong hoạt động của các bộ cảm biến và hệ thống nhiên liệu, hạn chế trong hệ thống cứu hộ phi công, động cơ không đáng tin cậy.

Ngoài ra, kế hoạch xây dựng máy bay không được hoàn thành. Theo dự kiến, năm nay Lầu Năm Góc cần phải xây dựng được hơn 1000 chiếc F-35 với các phiên bản khác nhau, nhưng thực tế mới chỉ được sản xuất được 179 máy bay.

Chuyên gia về chế tạo máy bay Pierre Sprey cho rằng, năng lực của F-35, đặc biệt là khả năng tàng hình của nó đã bị phóng đại quá mức. Ông nói: “Khả năng tàng hình chỉ là chỉ là chiêu trò quảng cáo rầm rộ khi nó lần đầu tiên xuất hiện trong dự án phát triển hàng tỷ USD đầu những năm 1980. Công nghệ tàng hình thực tế có từ thời Chiến tranh lạnh, nhưng chi phí tương đối rẻ và ở công nghệ ở mức độ thấp cho tới khi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Bill Perry nhận ra nó là mồi nhử để có thể bán ra cả một thế hệ tên lửa, máy bay chiến đấu đắt tiền hoàn toàn mới".

Chuyên gia này chỉ ra, công nghệ tàng hình của Mỹ chỉ có hiệu quả khi đối đầu với các loại radar có tần số cao như hiện nay chứ hoàn toàn vô dụng trước các radar tần số thấp, nói cách khác “mọi radar từ thời Thế chiến II đều có thể phát hiện rõ rệt mọi loại máy bay tàng hình hiện đại".

Minh Phương

Tổng hợp