1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk của Nga
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Siêu tàu lặn và tham vọng khai thác đáy đại dương của Trung Quốc

Nép mình trên boong tàu mẹ, siêu tàu lặn hiện đại nhất của Trung Quốc đang trên con đường tiến ra Thái Bình Dương, chinh phục những kỷ lục lặn sâu mới.

 
Siêu tàu lặn và tham vọng khai thác đáy đại dương của Trung Quốc - 1
Tàu lặn Giao Long của Trung Quốc.

Chương trình phát triển siêu tàu lặn của Trung Quốc đang đặt trong "vòng ngắm" sâu sát tại châu Á cũng như Phương Tây về tiềm năng quân sự, khả năng khai thác cũng như nghiên cứu khoa học của nó.

Giao Long - tên một loài vật thần thoại - được thiết kế là một tàu lặn có người lái với khả năng lặn sâu nhất của thế giới. Chiếc tàu hỗ trợ đang mang tàu lặn cùng ba thành viên thủy thủ đoàn của nó ra vùng biển ở giữa phía đông nam Hawaii và Bắc Mỹ, nơi tàu lặn sẽ nỗ lực lặn sâu 5.000 mét dưới mực nước biển của Thái Bình Dương - vượt qua thành tích 3.759m của chính nó khi lặn sâu ở Biển Đông vào năm ngoái.

Tàu lặn có phần thân tàu titan đặc biệt để chống chọi áp lực mạnh của đại dương sâu thẳm. Nếu hành trình lần này của nó thành công, con tàu sẽ có thể cố thử đạt độ sâu tối đa của mình là khoảng 7.000m vào năm 2012, trở thành con tàu có khả năng chạm tới đáy hầu hết các vùng biển của thế giới.

Nó sẽ đưa Trung Quốc vào vị trí hàng đầu trong một câu lạc bộ các nhà điều hành siêu tàu lặng, thậm chí đứng trước cả Nhật, Nga, Pháp và Mỹ.

Sức hút trị giá nhiều nghìn tỉ đô la

Trung Quốc tuyên bố, một trong những mục tiêu chính của tàu lặn là đứng ở vị trí hàng đầu để thăm dò và khai thác thứ mà các chuyên gia nói rằng là một kho tàng trị giá nhiều nghìn tỉ đô la gồm vàng, đồng, chì, kẽm, nickel, mangan, cobalt, sắt và những khoáng sản khác ở những đáy biển giàu trữ lượng tài nguyên của các đại dương - bao phủ hơn 2/3 bề mặt Trái Đất với độ sâu trung bình 4.000m.

Tốc độ tăng trưởng liên tục và nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc đòi hỏi việc tiếp cận nhiều nguồn tài nguyên hơn bao giờ hết. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang nhìn về các đại dương và đáy biển, coi đó là lĩnh vực chủ chốt cho tương lai, trong trường hợp nguồn cung trên đất liền khan hiếm hoặc bị ngăn cản do xảy ra xung đột. Lớp trầm tích ở một số đáy biển thậm chí còn phong phú hơn trên đất liền. Trong số ấy có các trầm tích của vàng - gần đây lên tới giá kỷ lục và cobalt sử dụng trong hợp kim chống ăn mòn, sơn và siêu hợp kim.

Trung Quốc hy vọng sử dụng ưu thế trong công nghệ lặn sâu đại dwong để gia tăng ảnh hưởng của mình và thúc đẩy quyền kiểm soát tài nguyên ở các khu vực tranh chấp với một số quốc gia Đông Nam Á cũng như Nhật Bản tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Mục tiêu này đã được biểu tượng hóa khi Giao Long dùng cánh tay robot cắm cờ Trung Quốc dưới đáy Biển Đông tại một trong 17 lần lặn vào tháng 5, tháng 6/2010, lần lặn lâu nhất kéo dài hơn 9 giờ.

Trung Quốc còn muốn khai thác trữ lượng khí tự nhiên dưới dạng hydrate đóng băng ở các khu vực ngoài khơi mà họ tuyên bố chủ quyền và trong cả vùng biển quốc tế. Các nhà khoa học Trung Quốc nói rằng đã tìm thấy các lớp trầm tích hydrate khổng lồ ở Biển Đông.

Khi Giao Long và tàu hỗ trợ chuẩn bị rời cảng ngày 1/7, Kim Kiến Tài - Tổng thư ký Hiệp hội Nghiên cứu và Phát triển Tài nguyên Khoáng sản Đại dương Trung Quốc - cho hay, một phần trong sứ mệnh của Giao Long là hoàn thành hợp đồng giữa Hiệp hội và Cơ quan Quản lý Đáy biển Quốc tế (ISA), một tổ chức liên chính phủ quản lý khai thác tại các vùng biển quốc tế.

ISA đang tổ chức họp từ 11-22/7 tại trụ sở của cơ quan này ở Kingston, Jamaica. Tổ chức này sẽ xem xét phê duyệt bốn hồ sơ xin thăm dò và khai thác khoáng sản dưới đáy biển ở Khu vực Đáy biển Quốc tế. Đó là các hồ sơ từ Trung Quốc, Nga, Nauru và Tonga. Hai đảo quốc Thái Bình Dương đang hỗ trợ cho các công ty khai mỏ tư nhân lần đầu tiên đã nộp hồ sơ như vậy.

Cuộc chạy đua giành quyền kiểm soát nguồn khoáng sản khổng lồ trong lòng đại dương lại một lần nữa được hâm nóng.

Đây cũng là lần đầu tiên, ISA nhận được các hồ sơ từ Trung Quốc và Nga xin phép khai thác các mỏ đa kim sulphide. Đa kim sulphide chủ yếu chứa đồng, chì, kẽm, vàng và bạc. Chúng tạo thành các trầm tích khổng lồ. Chứa đựng hàm lượng lớn những kim loại cơ bản (đồng, kẽm, chì) và kim loại đặc biệt quý (vàng, bạc), những lớp trầm tích ấy gần đây đã thu hút sự quan tâm từ ngành công nghiệp khai mỏ quốc tế khi các tiến bộ trong công nghệ khai thác và thăm dò ngoài khơi khiến họ có thể đặt khát vọng khai thác tài nguyên đáy biển vào trong tầm với.

Sứ mệnh của Giao Long

Cho tới nay, hầu hết trong 100 địa điểm được định vị là ở Thái Bình Dương, nhưng mới chỉ khoảng 5% đáy biển toàn thế giới được nghiên cứu một cách hệ thống.

Kim nói rằng, sứ mệnh của Giao Long còn bao gồm việc chụp ảnh, ghi hình đáy biển, và đo đạc địa hình địa chất dưới biển, trong một khu vực khoảng 75.000 km vuông mà ISA chỉ định. "Với sự cho phép từ ISA, Trung Quốc sẽ có thể thăm dò các khoáng sản và những tài nguyên khác phục vụ các mục đích thương mại trong khu vực này khi công nghệ hoàn thiện", ông nhấn mạnh.

Tiềm năng khoáng sản của đáy đại dương sâu thẳm đã được nhấn mạnh vào ngày 3/7 khi một nhóm các chuyên gia Nhật Bản tuyên bố kết quả khảo sát 78 địa điểm ở đáy biển trong Thái Bình Dương chứa đựng các kim loại đất hiếm - vốn được sử dụng để sản xuất hàng loạt sản phẩm công nghệ cao trong cả dân sự và quân sự.

Họ ước tính rằng, có khoảng 100 tỷ tấn đất hiếm trong lớp bùn của đáy biển Thái Bình Dương. Hiện tại, Trung Quốc sản xuất 97% lượng đất hiếm của thế giới. Theo giới phân tích, việc Nhật bản phát hiện một trữ lượng đất hiếm có thể thách thức vị thế thống trị của Trung Quốc, nếu việc khai thác đất hiếm từ đáy biển có thể thực hiện được.

Các chuyên gia Nhật cho hay, chỉ riêng ở một điểm rộng khoảng 1km vuông đã chứa đựng các oxit đất hiếm tương đương với 1/5 nhu cầu toàn cầu hiện nay trong một thị trường mà Trung Quốc chiếm đa số nguồn cung và đẩy giá lên cao chót vót bằng cách áp dụng các quy định ngày càng chặt chẽ hạn chế hạn ngạch xuất khẩu.

Các chương trình tham vọng trong thăm dò và phát triển đại dương của Trung Quốc chỉ bắt đầu trong năm 2002. Đó là một dự án giàu ngân quỹ, được ưu tiên cao với sự tham gia của hơn 100 viện nghiên cứu và công ty.

Trong một phần của chương trình, Trung Quốc sẽ phóng vệ tinh hàng hải thứ hai vào cuối năm nay khi họ bắt đầu xây dựng một cơ sở nghiên cứu quốc gia tại thành phố biển Thanh Đảo để thúc đẩy việc nghiên cứu và tìm kiếm năng lượng cũng như tài nguyên khoáng sản biển sâu. Giao Long và tàu mẹ sẽ có mặt ở cơ sở này. Trung Quốc cũng dự kiến tự xây dựng tàu khoan biển sâu và một mạng lưới quan trắc tự động trên đáy đại dương.

Trong khi Trung Quốc không hề giữ bí mật về các tham vọng năng lượng và khoáng sản biển sâu, thì họ lại đề cập rất ít tới tiềm năng quân sự. Tuy nhiên, những khả năng của Giao Long cho thấy, nó có thể thực hiện các nhiệm vụ quan trọng cho các lực lượng vũ trang và cơ quan an ninh quốc gia của Trung Quốc. Nó bao gồm việc thâm nhập hệ thống cáp quang dưới đáy biển để ngăn chặn những bí mật ngoại giao và thương mại, tìm lại các vũ khí hạt nhân và tên lửa thất lạc, và tạo ra các bản đồ đáy biển có độ phân giải cao để hỗ trợ hoạt động của hạm đội tàu ngầm ngày càng mạnh.

Theo Thụy Phương
Tuần Việt Nam