1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Siêu cảng mới của Trung Quốc ở Nam Mỹ khiến Washington "bừng tỉnh"

Thanh Thành

(Dân trí) - Tại thị trấn thanh bình trên bờ biển Thái Bình Dương của Peru, Trung Quốc đang xây dựng siêu cảng có thể thách thức ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực giàu tài nguyên mà Washington từ lâu coi là sân sau.

Siêu cảng mới của Trung Quốc ở Nam Mỹ khiến Washington bừng tỉnh - 1

Cảng nước sâu trị giá 3,5 tỷ USD đang được xây dựng ở Chancay, Peru từ các khoản vay ngân hàng Trung Quốc (Ảnh: WSJ).

Một cảng nước sâu khổng lồ dành cho tàu container đang được xây dựng ở Chancay, cách thủ đô Lima khoảng 72km về phía bắc và do Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Peru, đổ vốn tài trợ phần lớn.

Cảng này sẽ đón một số tàu chở hàng lớn nhất thế giới và đóng vai trò là đầu cầu kinh tế của Trung Quốc ở Mỹ Latinh, khu vực có lịch sử chịu ảnh hưởng lớn từ Mỹ. Tuy nhiên, đầu tư của Bắc Kinh tại vùng này đang tăng mạnh hơn bao giờ hết.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có mặt tại buổi lễ khánh thành cảng này vào cuối năm nay, đánh dấu chuyến đi đầu tiên tới lục địa này kể từ sau đại dịch Covid-19.

Khu phức hợp cảng Chancay có diện tích lớn, do công ty nhà nước Trung Quốc Cosco, một trong những công ty vận tải biển lớn nhất thế giới nắm quyền sở hữu 60% trong khi 40% còn lại thuộc sở hữu của công ty khai thác mỏ Volcan của Peru.

Ngay từ khi ra mắt, Chancay hứa hẹn sẽ tăng tốc thương mại giữa châu Á và Nam Mỹ, cuối cùng mang lại lợi ích cho những khách hàng ở xa như Brazil với thời gian di chuyển qua Thái Bình Dương ngắn hơn rất nhiều.

Trung Quốc từ lâu đã là đối tác thương mại hàng đầu của hầu hết các quốc gia Nam Mỹ.

Vì vậy, Mỹ lo ngại việc Trung Quốc kiểm soát nơi có thể trở thành trung tâm thương mại toàn cầu thực sự đầu tiên của Nam Mỹ sẽ cho phép Bắc Kinh tăng cường hơn nữa sức ảnh hưởng của mình trong khu vực giàu tài nguyên này, đặc biệt là tăng cường ảnh hưởng đối với các nước láng giềng gần nhất của Mỹ và cuối cùng là có thể triển khai quân đội ở gần đó.

"Điều này sẽ tiếp tục giúp Trung Quốc dễ dàng khai thác tất cả các nguồn tài nguyên ra khỏi khu vực, vì vậy điều đó đáng lo ngại", tướng Laura Richardson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy miền Nam (SOUTHCOM) phụ trách khu vực Trung Mỹ và Mỹ Latinh, phát biểu tại một hội nghị an ninh của Đại học Quốc tế Florida hồi tháng trước.

Các cựu quan chức Mỹ cũng cho rằng dự án này làm lộ rõ khoảng trống ngoại giao mà Mỹ đã để lại ở châu Mỹ Latinh khi nước này tập trung nguồn lực ở nơi khác, gần đây nhất là ở Ukraine và Trung Đông.

Ông Eric Farnsworth, cựu quan chức ngoại giao cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng, điều này làm thay đổi cuộc chơi. "Nó thực sự tạo nền tảng cho Trung Quốc theo một cách mới quan trọng ở Nam Mỹ như cửa ngõ vào thị trường toàn cầu. Vào thời điểm đó, đây không chỉ là vấn đề thương mại mà còn là vấn đề chiến lược", ông nhận định.

Khu phức hợp Chancay trị giá 3,5 tỷ USD này sẽ là cảng đầu tiên trên bờ biển Thái Bình Dương của Nam Mỹ có thể tiếp nhận các tàu có sức chở lên tới 18.000 TEU (đơn vị tương đương với 1 container 20 feet tiêu chuẩn), loại tàu vận tải lớn nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại. Tất cả là nhờ độ sâu hơn 18m của nó. Cho đến nay, khu vực Mỹ Latinh vẫn chưa đón con tàu nào lớn như vậy. 

Điều đó sẽ cho phép các công ty chọn gửi hàng hóa trên những con tàu này, vốn đi trực tiếp giữa Peru và Trung Quốc, thay vì trên những con tàu nhỏ hơn trước tiên phải đến Mexico hoặc California (Mỹ) rồi mới đến Peru.

Đáp lại những lo ngại của Mỹ, công ty Cosco cho biết Chancay hoàn toàn nhằm mục đích thúc đẩy thương mại. "Đây là dự án thương mại nhằm thúc đẩy sự phát triển. Không có gì phải giấu ở đây cả'", ông Gonzalo Rios, Phó Tổng giám đốc Cosco tại Peru cho biết.

Theo ông Rios, ngay sau khi kế hoạch xây cảng được nhất trí vào năm 2019, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa ra những dự đoán về tương lai của Peru như một trung tâm thương mại giữa Trung Quốc và Nam Mỹ và những đồn đoán rằng nước này có thể giúp Bắc Kinh thực hiện các ưu tiên khác, chẳng hạn như liên kết cáp ngầm dưới biển.

Một bài bình luận bằng tiếng Anh đăng trên China Daily cho rằng: "Peru có thể là điểm tựa cho một hành lang như vậy, không chỉ vì vị trí địa lý mà còn vì mối quan hệ với Trung Quốc".

Chính phủ Peru cũng nhanh chóng gạt đi những lo ngại của Mỹ. Ngoại trưởng Peru Javier Olaechea nói rằng nếu Mỹ lo ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Peru thì nước này nên tăng cường đầu tư, đồng thời nhấn mạnh, "mọi người đều được chào đón" đến đây đầu tư.

"Mỹ có mặt ở hầu hết mọi nơi trên thế giới với rất nhiều sáng kiến, nhưng không nhiều tại Mỹ Latinh. Điều đó giống như kiểu Mỹ là "một người bạn rất quan trọng" nhưng lại dành rất ít thời gian cho chúng ta", Ngoại trưởng Olaechea nói.

Siêu cảng mới của Trung Quốc ở Nam Mỹ khiến Washington bừng tỉnh - 2

Một hầm đường bộ do Trung Quốc xây dựng cho xe tải hàng hóa đi đến cảng Chancay, tránh qua trung tâm thành phố (Ảnh: WSJ).

Những mối quan ngại to lớn

Một số cựu quan chức Mỹ cho biết, Washington đã thảo luận những lo ngại với các quan chức Peru về việc Trung Quốc kiểm soát cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm cả Chancay.

Điều khiến Washington quan ngại là sự tương tác giữa các công ty thương mại Trung Quốc và chính phủ, đặc biệt là quân đội. Theo Washington, các bến cảng và thiết bị trong đó có thể được sử dụng cho cả mục đích thương mại và quân sự.

Luật nội địa của Trung Quốc yêu cầu các công ty phải xem xét nhu cầu quốc phòng trong hoạt động của họ, điều này có thể có nghĩa là họ phải được cung cấp quyền tiếp cận ưu tiên cho các tàu quân sự tại các bến cảng, chia sẻ thông tin có giá trị và hỗ trợ động viên quốc phòng, Isaac Kardon, thành viên cấp cao tại tổ chức nghiên cứu về Trung Quốc Carnegie Endowment, cho biết.

Ông John Youle, một doanh nhân nổi tiếng ở Peru và từng là nhà ngoại giao Mỹ cho rằng: "Washington đã phần nào ngủ quên. Đột nhiên họ thức dậy và thấy lo ngại khi mọi thứ đã thay đổi lớn". Theo doanh nhân này, sự thay đổi đó có thể được thể hiện rõ hơn nữa vào giữa tháng 11 tới khi ông Tập Cận Bình dự kiến tới Peru dự hội nghị thượng đỉnh châu Á - Thái Bình Dương.

Dù Tổng thống Mỹ Joe Biden có tham dự hội nghị thượng đỉnh hay không, dự kiến diễn ra ngay sau cuộc bầu cử vào tháng 11, thì nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn có khả năng gây ấn tượng với một dự án được xây dựng nhằm tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Tây bán cầu.

Peru hoan nghênh các khoản đầu tư của Trung Quốc vào mọi lĩnh vực từ cảng đến khai thác đồng và điện, điều này sẽ giúp các công ty Trung Quốc kiểm soát hầu như toàn bộ hệ thống phân phối điện của Lima. Trong một tuyên bố, các quan chức chính phủ Trung Quốc và Peru cho biết cảng mới sẽ thúc đẩy nền kinh tế địa phương và khu vực, đồng thời định hình lại các tuyến đường vận chuyển toàn cầu.

Tuy nhiên, các chuyên gia và cư dân tại Chancay đang bày tỏ nhiều lo ngại về việc này. "Peru đang ngày càng gia tăng sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc và khiến nước này dễ bị tổn thương trước sự ép buộc kinh tế tiềm tàng của Trung Quốc", Leland Lazarus, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc - Mỹ Latinh tại Đại học Quốc tế Florida nói.

Theo Wall Street Journal