1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Sau thượng đỉnh Trump-Kim, Mỹ vẫn mở căn cứ quân sự mới tại Hàn Quốc

(Dân trí) - Lực lượng quân sự Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) hôm nay sẽ mở cửa căn cứ quân sự mới ở phía nam Seoul trong một động thái nhằm tiếp tục duy trì sự hiện diện của Washington trên bán đảo Triều Tiên.

Doanh trại Humphreys (trái) nhìn từ trên cao (Ảnh: BI)
Doanh trại Humphreys (trái) nhìn từ trên cao (Ảnh: BI)

Lực lượng quân sự Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) sẽ tổ chức một buổi lễ kỷ niệm vào 9h30 sáng nay 29/6 để đánh dấu sự kiện di dời trụ sở của USFK từ Yongsan, trung tâm thủ đô Seoul, tới Doanh trại Humphreys ở thành phố Pyeongtaek - nơi cách Seoul 70 km về phía nam. Sự kiện này diễn ra sau một lần trì hoãn do vấp phải sự phản đối của người dân địa phương, các khó khăn về vấn đề ngân sách cũng như công tác xây dựng để ngăn chặn nguy cơ lũ lụt.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo và Tư lệnh USFK Tướng Vincent Brooks dự kiến sẽ có bài phát biểu tại buổi lễ. Sự kiện này sẽ chính thức chấm dứt sự hiện diện kéo dài hàng chục năm của quân đội Mỹ ở khu vực trung tâm Seoul để chuyển sang một địa điểm mới. Căn cứ mới của USFK ở Doanh trại Humphreys trải rộng 240.000 m2, gồm 4 tòa nhà 4 tầng chính và một tòa nhà 2 tầng phụ.

Lính Mỹ diễn tập tại Doanh trại Humphreys (Ảnh: US Army)
Lính Mỹ diễn tập tại Doanh trại Humphreys (Ảnh: US Army)

USFK đã thành lập trụ sở tại Yongsan từ tháng 7/1957 sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc. Tới năm 2003, cựu Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun và cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đã thống nhất về kế hoạch tái bố trí căn cứ quân sự của USFK. Dự án trị giá 10,7 tỷ USD, trong đó Seoul đồng ý chi trả một phần, nhằm củng cố sự hiện diện của quân đội Mỹ trên bán đảo Triều Tiên.

Hiện USFK duy trì khoảng 28.500 binh sĩ tại Hàn Quốc. Tuy nhiên con số này có thể sẽ giảm đi hoặc tăng lên hơn 30.000 binh sĩ phụ thuộc vào các đơn vị luân phiên hoặc các cuộc tập trận quân sự.

Doanh trại Humphreys được xây dựng không chỉ rộng hơn mà quy mô cũng hoành tráng hơn so với doanh trại ở Yongsan. Được ví như một thành phố thu nhỏ của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên, Doanh trại Humphreys chỉ cách Khu Phi quân sự liên Triều (DMZ), nơi ngăn biên giới Triều Tiên - Hàn Quốc và là khu vực được vũ trang dày đặc bậc nhất thế giới, khoảng 96 km.

Ngoài các khu vực huấn luyện và trường bắn dành cho binh sĩ, nhiều công trình đã được xây dựng trong khuôn khổ doanh trại Humphreys, gồm các khu chung cư, sân thể thao, khu giải trí, quán ăn nhanh, sân golf, công viên nước, trung tâm mua sắm,… Tổng thống Donald Trump từng tới thăm doanh trại này vào tháng 11 năm ngoái.

Mỹ cam kết hiện diện tại Hàn Quốc

han quoc

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis bắt tay người đồng cấp Hàn Quốc Song Young-moo trong cuộc gặp tại Seoul ngày 28/6 (Ảnh: Reuters)

Trong chuyến thăm tới Hàn Quốc và có cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc Song Young-moo ngày 28/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định Washington vẫn duy trì hiện diện quân sự “như hiện tại” ở Hàn Quốc. Trước đó, từng có thông tin nói rằng Mỹ có thể sẽ rút quân khỏi Hàn Quốc trong một nỗ lực nhằm đàm phán với Triều Tiên.

“Cam kết của Mỹ với Hàn Quốc vẫn vững chắc và Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng các năng lực quân sự và ngoại giao để duy trì cam kết này. Điều này bao gồm cả việc duy trì các lực lượng Mỹ hiện tại trên bán đảo Triều Tiên”, Bộ trưởng Mattis nhấn mạnh.

Tuyên bố trên của ông chủ Lầu Năm Góc được cho là nhằm trấn an đồng minh Hàn Quốc về sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống Trump quyết định dừng các cuộc tập trận quân sự chung có chọn lọc với Hàn Quốc, khiến nhiều người hoài nghi về mối liên kết quân sự Mỹ - Hàn.

Bộ trưởng Mattis khẳng định động thái dừng tập trận chung sẽ “tạo thêm cơ hội cho các nhà ngoại giao trong quá trình đàm phán, nhằm tăng cường triển vọng cho một giải pháp hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”. Ông Mattis nhấn mạnh các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc sẽ vẫn “gắn kết, thận trọng và sẵn sàng đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào”.

Thành Đạt

Theo Yonhap