Sau năm 2023, tác chiến điện tử Mỹ vẫn thua Nga
Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Work, có thể sau năm 2023, Mỹ vẫn không thể sánh ngang với Nga trong lĩnh vực tác chiến điện tử.
Tuyên bố này được ông Robert Work đưa ra nhân sự kiện Bộ Quốc phòng Mỹ đề xuất dự luật về phát triển hệ thống TCĐT, Thứ trưởng Mỹ cho rằng, quân đội Mỹ hiện nay không có hệ thống chặn vô tuyến điện từ xa, và có thể cho đến năm 2023 cũng chưa có.
Các phương tiện TCĐT của Nga có thể là một trong bộ ba nguy hiểm nhất đối với Mỹ, cùng với vũ khí hạt nhân và tên lửa phòng không. Người Mỹ cũng phải công nhận rằng, họ đang bị thụt lùi trong lĩnh vực tác chiến điện tử so với Nga.
Việc Mỹ đề xuất một dự luật mới nhằm đẩy nhanh phát triển công nghệ tác chiến điện tử lên ngang tầm với Nga, Trung Quốc và Iran, thay thế cho những quy định hiện hành, vốn quy định tiến trình mua sắm vũ khí trang bị của Mỹ phải mất hàng chục năm, qua đó giúp tăng cường năng lực của quân đội Mỹ.
Dự luật này sẽ trao cho Bộ Quốc phòng Mỹ và giới lãnh đạo công nghiệp quốc phòng phương tiện để nhanh chóng phát triển công nghệ tác chiến điện tử cho các chiến đấu cơ, vốn đã chứng tỏ tầm quan trọng trong cuộc chiến Kosovo.
Trên thực tế, năng lực TCĐT của Nga đang khiến cho Mỹ phải dè chừng. Hồi đầu năm 2016, Mỹ đã thành lập Ủy ban Tác chiến điện tử, do Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách mua bán vũ khí Frank Kendall và phó Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân - Đô đốc James Winnefeld lãnh đạo.
Theo thông báo của ông Frank Kendall, Uỷ ban này sẽ tìm cách giúp Bộ Quốc phòng Mỹ giữ vững lợi thế trong lĩnh vực tác chiến điện tử. "Chúng tôi vẫn đang dẫn đầu, nhưng tôi nghĩ rằng vị thế này đang dần mai một một cách nhanh chóng", ông Frank Kendall nói đầy tự tin.
Không tự tin như Frank Kendall, Tư lệnh Không quân Mỹ ở châu Âu, Tướng Frank Gorenc hồi đầu năm 2016 cũng đã thú nhận, các hệ thống tác chiến điện tử Nga biến mọi ưu thế vũ khí công nghệ cao hiện có trong trang bị của NATO thành con số không.
"Họ đã lấp kín lỗ hổng. Ưu thế trên không của chúng ta đang tan biến. Nhưng đáng lo hơn là những khả năng mới của họ thực hiện chiến lược chống tiếp cận một số khu vực nhất định (A2/AD)", Tướng Frank Gorenc thừa nhận.
Thuật ngữ A2/AD của NATO dùng để chỉ hoạt động ngăn chặn lực lượng đối phương tiếp cận lãnh thổ của mình (anti-access hay A2) đồng thời hạn chế các hành động hiệu quả của đối phương trên lãnh thổ một khi chúng vẫn đột phá được vào (area-denial hay AD).
Phương Tây, trước hết là Mỹ cho rằng, chỉ có họ nắm giữ bí mật thực hiện khái niệm A2/AD và không bao giờ cho phép các lực lượng mà họ coi là kẻ thù tiến vào biên giới của họ. Bản thân họ có quyền tuyên bố mọi khu vực trên thế giới là khu vực lợi ích sống còn của mình và có quyền tiến hành chiến tranh mà không ai làm gì được. Lãnh thổ Nga cũng không ngoại trừ.
Nhưng nay thì không phải máy bay hay tên lửa nào cũng có thể dễ dàng bay qua biên giới Nga, chứ chưa nói đến chuyện thực hiện các đòn tấn công chính xác. Bức tường vô hình của các hệ thống TCĐT có thể móc đi não bộ của những vũ khí thông minh nhất của NATO, đã trở thành trở ngại gần như không thể vượt qua.
Vào năm 2015, Hội đồng khoa học quốc phòng Mỹ đã đề nghị phân bổ thêm 2 tỷ USD trong ngân sách quốc phòng nhằm tăng cường khả năng TCĐT. Vấn đề này đã trở nên cấp bách sau khi hàng loạt điểm yếu của các hệ thống vũ khí Mỹ bị phanh phui.
Ví dụ việc máy bay Su-24 Nga áp chế hoàn toàn hệ thống radar cảnh báo sớm và điều khiển vũ khí trên khu trục hạm Aegis lớp Arleigh Burke số hiệu DDG-75 USS Donald Cook trên biển Đen tháng 4/2014, chiếc cường kích này được cho là đã sử dụng hệ thống tác chiến điện tử Khibiny tối tân của Nga.
Trước đó, Nga cũng đã sử dụng tổ hợp tác chiến điện tử 1L222 Avtobaza bắt sống một chiếc máy bay trinh sát không người lái MQ-5B của Mỹ. Thiết bị tác chiến điện tử của Nga đã cắt đường truyền thông tin điều khiển và cướp quyền kiểm soát, ép một chiếc MQ-5B của Mỹ hạ cánh xuống bán đảo Crimea.
Và trước khi Nga thực hiện chiến dịch tấn công khủng bố tại Syria, tất cả các phương tiện do thám Mỹ đã không thể phát hiện cuộc hành quân rầm rộ của Không quân Nga đến Syria, mà chỉ đến khi mọi phương tiện và máy bay đã yên vị tại căn cứ Hmeymim, Mỹ mới tá hỏa phát hiện ra.
Theo Tuấn Vũ
Đất Việt