Sau Aleppo, Idlib trở thành chiến trường khốc liệt tiếp theo ở Syria
Sau khi Aleppo hoàn toàn được giải phóng, dư luận thế giới bắt đầu chuyển hướng trọng tâm cuộc nội chiến vào thị trấn biên giới Idlib của Syria.
Việc giành quyền kiểm soát hoàn toàn Aleppo - thành phố thứ 2 của Syria đã mang lại chiến thắng lớn nhất cho Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và các đồng minh trong gần 6 năm qua.
Cuộc chiến này cũng khiến hơn 30.000 người thiệt mạng và tạo ra một cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Trong niềm vui chiến thắng sau Aleppo, Tổng thống Syria Bashar al-Assad và các đồng minh cũng đang phải quyết định các bước đi tiếp theo để thực hiện tham vọng kiểm soát toàn bộ khu vực lãnh thổ của đất nước.
Các chuyên gia phân tích nhận định, tỉnh Idlib sẽ là mặt trận mới của quân đội Syria và một số đồng minh. Phần lớn lãnh thổ trong tỉnh Idlib đã rơi vào tay nhóm vũ trang trong nửa đầu năm 2015- một cú giáng vào chính phủ của Tổng thống Assad, mở đường cho việc Nga can thiệp quân sự vài tháng sau đó.
Đề cập bước đi tiếp theo trong chiến dịch quân sự của mình, Tổng thống Assad nhận định, ưu tiên hàng đầu sau Aleppo đó là Idlib. Có mối liên hệ trực tiếp giữa Aleppo và Idlib, vì sự hiện diện của nhóm Jabhat al-Nusra ở ngoại ô Aleppo và tại Idlib. Thực tế, Idlib cũng đã là mục tiêu trong các cuộc không kích của Nga những tháng gần đây.
Nằm dọc biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, Idlib có quan trọng chiến lược đối với chính phủ của Tổng thống Syria Assad. Loại bỏ các nhóm vũ trang ra khỏi tỉnh này sẽ giúp đảm bảo an ninh trong tuyến đường cao tốc từ Damascus tới Aleppo và khu vực lân cận Latalia và tỉnh Hama. Giới quan sát nhận định, xét về vị trí địa lí, kinh nghiệm quân sự và hậu cần thì quân đội chính phủ đang có nhiều lợi thế, đặc biệt sau chiến thắng tại Aleppo.
Ông Assad có thể huy động được một lượng lớn quân để loại bỏ các nhóm đối lập đang kiểm soát các khu vực còn lại của đất nước. Idlib cũng bao gồm lượng lớn các phần tử vũ trang từ các nhóm khác nhau nên dễ xảy ra khả năng tranh chấp và không có sự thống nhất.
Giám đốc Chương trình Trung Đông của Tổ chức Ân xá quốc tế Philipin Luther cũng nhận định, người dân trong khu vực do nhóm đối lập kiểm soát tại Idlib đang có tâm lí bất mãn và có thể là nguồn hỗ trợ đắc lực cho chiến dịch của quân đội chính phủ.
Ngoài ra, Mặt trận al-Nusra bị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa vào danh sách các nhóm khủng bố có căn cứ chính ở Idlib. Do đó, cộng đồng quốc tế sẽ không thể gọi nhóm này là "đối lập ôn hòa" và sẽ không thể thao túng như ở Aleppo.
Mặc dù vậy, cũng có nhiều nhận định cuộc chiến này sẽ khó khăn hơn cho chính phủ của Tổng thống Assad và các đồng minh. Học giả của trung tâm Trung Đông Carnegie Raphaël Lefèvre cho rằng, Idlib là mặt trận thống nhất hơn so với Aleppo - vốn bị chia rẽ quyền kiểm soát giữa phe đối lập tại phía đông và chính phủ tại phía Tây.
Tỉnh này cũng là căn cứ của nhánh al-Quaeda và cũng là địa điểm của hàng nghìn phần tử vũ trang sơ tán từ các khu vực khác của đất nước, khiến cho trận chiến này thậm chí còn quyết liệt và đẫm máu hơn cả Aleppo.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staphan de Mistura kêu gọi một lệnh ngừng bắn trên toàn Syria để tránh Idlib trở thành một Aleppo tiếp theo. Ông Mistura cho biết: “Ưu tiên hàng đầu hiện nay đó là dừng các hành động thù địch trên toàn Syria.
Tiếp theo đó là chắc chắn rằng hỗ trợ nhân đạo của Liên hợp quốc sẽ đến được với người dân đi sơ tán. Rất nhiều người đã đến Idlib và theo lí thuyết thì đây sẽ là Aleppo tiếp theo. Vì vậy, đây là thời điểm để tiếp tục các nỗ lực chính trị tại Syria”.
Theo số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc, trong chiến dịch giải phóng thành phố Aleppo kéo dài một tuần, khoảng 34.000 người, trong đó có cả thường dân và các tay súng, đã ra khỏi khu vực chiến sự và rất nhiều người đã tới Idlib./.
Theo Phạm Hà/VOV-Trung tâm Tin/Tổng hợp