1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Sách lược tiếp theo của Nga tại Syria

Chỉ một tuần sau chuyến thăm Nga của Tổng thống Syria Assad, tình hình Syria đang có những chuyển biến rõ rệt về mặt chính trị.

Trong khi đó, ngày càng có nhiều nước ở Trung Đông tỏ ra tin tưởng vào uy tín của Nga trong cuộc chiến chống IS.

Sự vắng mặt đầy chủ ý của Iran

Ngày 20/10, Tổng thống Bashar al-Assad tới thăm Nga. Trước là gửi lời cảm ơn Tổng thống Putin và nhân dân Nga đã giúp đỡ chính quyền Damascus đánh khủng bố, sau là để bàn các bước tiếp theo cho tình hình Syria. Thông tin về sau này không được tiết lộ nhưng những gì cả Nga và Syria đang làm có thể thấy phần nào chiến lược của Moscow cho chính quyền Assad sau gần một tháng không kích.

Chỉ 2 ngày sau cuộc gặp trên, Nga đề xuất cuộc gặp 4 bên gồm Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Arập Xêút để tìm một giải pháp hòa bình cho Syria. Cuộc họp đặt dưới sự chủ trì của ngoại trưởng 4 nước liên quan. Thổ Nhĩ Kỳ và Arập Xêút là hai quốc gia Hồi giáo theo hệ phái Sunni. Tới nay cả Ankara lẫn Ryadh cùng chủ trương Tổng thống Bashar al-Assad phải từ bỏ quyền lực để giải quyết khủng hoảng Syria. Ngược lại Iran, quốc gia Hồi giáo theo hệ phái Shiite là điểm tựa quan trọng thứ nhì của chính quyền Damacus, sau Moscow. Iran không được mời tham gia cuộc họp này.

Như vậy cũng giống như năm 2011, Nga lại lên tuyến đầu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Từ năm 2011 đến nay, Nga luôn chủ trương duy trì Tổng thống Bashar al-Assad trong tiến trình đàm phán để giải quyết khủng hoảng Syria. Ngược lại cả Ankara, Ryadhh lẫn phương Tây đều muốn ông Assad phải ra đi.

Sách lược tiếp theo của Nga tại Syria - 1

Cuộc họp 4 bên bàn về Syria tại Vienna, ngày 23/10.

Với việc tổ chức hội nghị 4 bên về Syria, Nga nhắm tới 3 mục tiêu: Thứ nhất là Nga vẫn muốn duy trì quan điểm như trước, tức ông Assad vẫn trụ lại cầm quyền. Điều này được thể hiện qua việc 24 giờ trước khi hội nghị tại Vienne diễn ra, Tổng thống Putin đã tiếp ông Assad tại Điện Kremlin. Washington cực lực chỉ trích điều này.

Mục tiêu thứ hai mà Nga hướng tới là Iran. Moscow thông báo mở cuộc họp tại Vienna để tìm một giải pháp chính trị cho khủng hoảng Syria với sự hiện diện của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Arập Xêút nhưng Iran thì không. Theo giới phân tích, sự vắng mặt của Iran vừa cho phép Tổng thống Putin tạm thời giảm thiểu tầm ảnh hưởng của Tehran đối với Damacus, đồng thời việc không mời Iran đến dự cuộc họp Vienna cũng là một cử chỉ hòa hoãn đối với 2 nước Hồi giáo Sunni là Thổ Nhĩ Kỳ và Arập Xêút, khi biết rằng, cả Ankara lẫn Ryadh cùng xung khắc với Tehran.

Mục tiêu thứ ba mà ông Putin nhắm tới là Mỹ. Nga muốn đứng ngang hàng với Mỹ. Moscow chứng minh là cùng với Washington giải quyết một cuộc khủng hoảng kéo dài. Nga và Mỹ gần đây đã đồng ý chia sẻ không phận Syria để tránh xảy ra mọi sự cố đáng tiếc. Mọi người còn nhớ, vào tháng 9/2013, Moscow và Washington đã cùng nhau đòi Damacus hủy vũ khí hóa học, tránh để nổ ra chiến tranh cho Syria.

Sách lược tiếp theo của Nga tại Syria - 2

Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford làm việc với chính phủ Iraq ngày 20/10.

Phe chống đối tại Syria cũng được mở một cánh cửa

Bước đi tiếp theo của Nga là thông báo có thể hỗ trợ phe đối lập Syria. Ngày 25/10, Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố trên Đài Truyền hình Rossyia 1: Nga đang xem xét khả năng không kích IS để yểm trợ cho các nhóm đối lập ở Syria như Quân đội Syria Tự do SA.

Từ khi mở các cuộc không kích ở Syria từ cuối tháng 9/2015, Moscow vẫn tuyên bố rõ ràng chỉ ủng hộ quân đội chính phủ trong cuộc chiến chống khủng bố mà tất cả lực lượng chống Tổng thống Assad đều là khủng bố. Giờ đây, khi tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ cho đối lập ôn hòa, đặc biệt là FSA, Ngoại trưởng Nga đã mở một cánh cửa cho phe chống đối tại Syria.

Cũng trong phát biểu trên, Bộ trưởng Ngoại giao Nga chỉ trích chính sách của Mỹ về Syria và bác bỏ những cáo buộc của phương Tây là những cuộc không kích của Nga tại Syria đã nhắm vào những phần tử cực đoan IS lẫn phe nổi dậy chống ông Assad được Liên minh phương Tây ủng hộ.

Ông Lavrov nói: Không quân Nga sẵn sàng giúp những đơn vị của lực lượng đối lập yêu nước tại Syria - đặc biệt là FSA, được Mỹ hậu thuẫn - nếu biết được lực lượng này đang ở đâu. Theo ông, Mỹ và đồng minh đã từ chối cung cấp tin tức về vị trí của những đơn vị thuộc phe nổi dậy, hay phối hợp với quân đội Nga trong chiến dịch chống khủng bố.

Ngoại trưởng Nga nói thêm: “Tôi nhắc lại việc Mỹ từ chối phối hợp với chúng tôi trong chiến dịch chống khủng bố là một sai lầm to lớn. Chúng tôi nghiêm chỉnh chuẩn bị cho việc phối hợp như vậy. Dù chúng tôi không được cung cấp tin tức về những vị trí của các phần tử khủng bố… nhưng chúng tôi sẵn sàng yểm trợ bằng không quân cho các lực lượng đối lập yêu nước, bao gồm FSA. Tuy nhiên, chúng tôi cần liên lạc với những người có thẩm quyền đại diện cho một số tổ chức vũ trang đang chiến đấu chống khủng bố, và những vấn đề khác nữa”.

Sách lược tiếp theo của Nga tại Syria - 3

Tổng thống Syria sẵn sàng tổ chức bầu cử trước thời hạn.

Đại diện của FSA tỏ ý ngờ vực vào lời nói của Ngoại trưởng Nga. Phát biểu với AFP, Trung tá Ahmad Saoud đặt câu hỏi: Nga đã oanh kích chúng tôi từ 3 tuần nay để giúp Bashar al-Assad. Bây giờ đề nghị yểm trợ chúng tôi là vì sao?

Một đại diện chính trị của đối lập Syria, Samir Nashar cũng phản ứng tương tự và yêu cầu Nga thực hiện lời nói bằng việc làm: không cần Nga giúp chỉ cần ngưng oanh kích là được rồi vì hơn 80% phi vụ của Không quân Nga là nhắm vào FSA.

Theo giới quan sát, thật ra Moscow chỉ đổi giọng chứ không đổi mục tiêu. Khi đưa ra đề nghị yểm trợ không quân cho cả phe đối lập Syria, Ngoại trưởng Nga muốn thúc đẩy về chính trị và hy vọng bầu cử tổng thống và Quốc hội tại Syria sớm được diễn ra. Cũng có người cho rằng, khi mở cửa thoát cho phe đối lập Syria, Nga tính đến việc chia sẻ quyền lực tại Syria, từ đó tìm kiếm một giải pháp hòa bình lâu dài cho quốc gia này.

Về phía chính quyền Damascus cũng có bước đi phù hợp với các chuyển động của Nga. Hãng thông tấn RIA của Nga hôm 26/10 đưa tin lãnh đạo Syria Bashar al-Assad tuyên bố “Nếu nhân dân ủng hộ thì tôi sẽ tổ chức bầu tổng thống”.

Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov nói: Moscow muốn Syria chuẩn bị bầu cử Quốc hội và tổng thống, và cho biết Chính phủ Nga sẽ có hành động cụ thể, nếu cần, để đưa tiến trình này tiến tới. Phát biểu trên Rossiya 1, ông Lavrov cho biết, Điện Kremlin đang tăng cường nỗ lực “để biến ảnh hưởng ngày càng tăng đối với Damascus thành một giải pháp chính trị”.

Ông nói: “Nước ngoài không thể quyết định bất cứ việc gì cho người Syria. Chúng ta phải thúc đẩy người Syria tiến tới một kế hoạch cho nước họ trong đó quyền lợi của bất cứ phe nhóm chính trị, tôn giáo và sắc tộc nào cũng đều được bảo vệ chu đáo… Người Syria cần chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội lẫn tổng thống”.

Sách lược tiếp theo của Nga tại Syria - 4

Vua Jordani Abdullah II gặp Tổng thống Nga Putin tại Điện Kremlin, tháng 9/2014.

Nghị sĩ Serguei Gavrilov, một thành viên của phái đoàn đại biểu cao cấp Nga thăm Syria, tóm lại quan điểm của Tổng thống Assad: “Mục tiêu đầu tiên là chiến thắng khủng bố, tiếp theo đó là bầu cử”. Mà trên nguyên tắc, chính quyền Damacus coi tất cả các tổ chức chống lại chế độ là khủng bố. Một nghị sĩ khác của Nga, tham gia vào chuyến đi Damascus, cho biết thêm: “Ông Assad khẳng định sẵn sàng tham gia bầu cử, nếu nhân dân Syria cho việc này là cần”.

Cho dù số phận của Tổng thống Assad gây chia rẽ, việc vận động ngoại giao vẫn tiếp tục. Sau cuộc hội đàm giữa Nga với Mỹ, Arập Xêút và Thổ Nhĩ Kỳ hôm 23/10 tại Vienna, Ngoại trưởng Mỹ đề nghị một hội nghị quốc tế về Syria, với thành phần rộng rãi hơn, ngay từ ngày 30/10 tới, với sự tham gia của các quốc gia chủ chốt trong khu vực, cũng như các đối tác châu Âu.

Số phận của Tổng thống Syria đi về đâu trên bàn cờ quốc tế đó? Có một số ý kiến cho rằng, dù tiếp đón trọng thể Assad nhưng không nhất thiết là Nga giữ ông ta lại bằng mọi giá. Việc Tổng thống Putin điện đàm với lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Quốc vương Arập Xêút sau cuộc tiếp đón ông Assad có thể hiểu như là một tín hiệu báo trước Moscow đang dàn xếp để Tổng thống Syria ra đi êm thấm, miễn là quyền lợi của Nga tại Syria và trong khu vực Trung Đông được bảo đảm. Vấn đề là các nước kia có chịu điều kiện của Nga đưa ra hay không. Ẩn số về số phận ông Assad vẫn còn đó.

Cách giải quyết tình hình Syria đang gia tăng vị thế đáng kể cho Nga. Hôm 23/10, Nga bất ngờ thông báo đạt thỏa thuận phối hợp chiến dịch quân sự trên bầu trời Syria với Jordani, một đồng minh lâu đời của Mỹ. Trong khi cuộc họp ngoại trưởng 4 bên tại Vienna vẫn chưa thể tìm ra được một giải pháp chính trị đưa Syria thoát ra khỏi cuộc chiến, Moscow đã gây bất ngờ khi thông báo đã đạt được thỏa thuận với Jordani về việc “phối hợp” các chiến dịch không kích tại Syria. Jordani vốn là đồng minh của Washington và đang tham gia vào liên quân tấn công tổ chức IS.

Tuy Nga không cho biết chi tiết chính của “sự hợp tác” mới này nhưng ngay sau đó Amman đã phải ra thông cáo thanh minh rằng, sự hợp tác giữa Nga và Jordani đã có từ trước, đồng thời khẳng định “Jordani vẫn luôn là thành viên của liên minh quốc tế chống khủng bố” do Mỹ chỉ huy.

Cùng ngày, Hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết Chính phủ Iraq đã cho phép Nga được quyền không kích vào các đoàn xe vận chuyển của IS từ Syria vào Iraq ngay trên địa phận lãnh thổ nước này. Thủ tướng Iraq thời gian gần đây đứng trước áp lực của liên minh cầm quyền và lực lượng dân quân Shiite, muốn ông yêu cầu Nga tham gia không kích tổ chức IS ở trong nước.

Sách lược tiếp theo của Nga tại Syria - 5

Tổng thống Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Arập Xêút.

Bản thân Thủ tướng Abadi cũng đã có lúc bắn tiếng mời Nga “đánh IS giúp” và hiện tại đang chia sẻ thông tin tình báo về IS cho Nga. Các chiến dịch không kích của Nga tại Syria quá ấn tượng khiến không chỉ lãnh đạo Iraq, quốc gia cũng đang bị IS hoành hành, mà cả người dân Iraq xoay ra tin tưởng Tổng thống Putin hơn ông Obama.

Trước khả năng Iraq có thể mời Nga tham chiến. Mỹ đã cảm thấy bất an. Đó là lý do ông Joseph Dunford bất ngờ thăm Iraq hôm 21/10. Một giới chức Iraq theo hệ phái Shiite, thân cận với Thủ tướng, cho biết: “Ông Abadi đã tuyên bố trong cuộc họp với tướng Dunford là việc yêu cầu Nga tham chiến sẽ là không phù hợp, vì điều này chỉ làm phức tạp thêm tình hình với Mỹ. Và điều này có thể mang lại những hậu quả không mong muốn, kể cả quan hệ dài hạn với Washington”.

Trong khi đó, theo hai nghị sĩ Iraq, Thủ tướng Haidar al Abadi hiện có thể chưa đưa ra câu trả lời chính thức về các yêu cầu của Liên minh quốc gia, tức liên đảng cầm quyền. Theo quan điểm của liên minh cầm quyền Iraq, các cuộc không kích của Mỹ chống IS tại Iraq là không đủ mức. Mục tiêu chiếm lại các vùng đất bị IS xâm chiếm, nhất là thành phố Mossoul phía bắc Iraq, vẫn còn xa vời.

Tại một phiên thảo luận Câu lạc bộ Valdai diễn ra ở thành phố Sochi, Nga, ngày 25/10, Tổng thống Putin nói rằng, những diễn biến ở Syria nói riêng và khu vực Trung Đông hiện nay nói chung đòi hỏi cộng đồng quốc tế cần phải có sự lựa chọn đúng đắn vì hòa bình, hợp tác, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau. Ông Putin cho rằng cơ hội để các bên cùng hợp tác giải quyết các vấn đề chung và đối phó với các nguy cơ đã xuất hiện sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, song đã không được tận dụng.

Khả năng này cũng xuất hiện vào đầu những năm 2000 khi Nga và Mỹ cùng một loạt quốc gia khác phải đối mặt với chủ nghĩa khủng bố quốc tế nhưng các bên cũng không nắm bắt được cơ hội hợp tác. Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh: Điều quan trọng hiện nay là phải rút ra những bài học từ quá khứ để tiến lên phía trước.

Theo Mộc Thạch (tổng hợp)

An ninh thế giới

Sách lược tiếp theo của Nga tại Syria - 6