Lóe tia hy vọng
Chính quyền Syria của Tổng thống Al-Assad vừa tuyên bố nước này sẵn sàng đón nhận mọi giải pháp chính trị, miễn là các giải pháp này “bảo đảm sự thống nhất của Syria, tránh đổ máu và phục vụ lợi ích của người dân Syria”.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Syria Al-Assad vừa có chuyến thăm Nga. Các quan chức Nga và Syria cho hay, ông Al-Assad sẵn sàng thảo luận việc sửa đổi Hiến pháp, tổ chức bầu cử quốc hội và tổng thống sớm, nếu người dân Syria thấy điều này là cần thiết.
Tổng thống Al-Assad. |
Cho dù trước tình hình căng thẳng và chia rẽ hiện nay ở Syria, việc thực thi một giải pháp chính trị như vậy là không hề dễ dàng, động thái tích cực trên từ chính quyền Tổng thống Al-Assad đã giúp mở ra tia hy vọng chấm dứt đổ máu và khai thông tình trạng bế tắc chính trị hiện nay. Bởi đây sẽ là cơ hội để người dân Syria tự hoạch định và lựa chọn tương lai cho chính đất nước mình. Thực tế đã chứng minh đây luôn là giải pháp lâu bền cho mỗi quốc gia dân tộc, bởi sự can thiệp của các nhân tố bên ngoài sẽ chỉ càng làm tình hình thêm phức tạp. Bài học ở Iraq và Lybia vẫn còn nguyên giá trị.
Quả thực với Syria, bài toán đoàn kết lúc này là nan giải. Trong bối cảnh các phe nhóm chỉ có thể nói chuyện bằng bạo lực, việc ngồi lại để đàm phán về một giải pháp chính trị vô cùng khó khăn. Đó là chưa kể giải pháp ấy phải bảo đảm lợi ích cho tất cả các phe nhóm tôn giáo, sắc tộc và chính trị ở Syria.
Đó là những trở ngại về mặt đối nội. Về đối ngoại, một giải pháp chính trị cho Syria dù thế nào cũng sẽ khó thành công nếu không có sự đồng thuận giữa Nga và Mỹ-hai “đối thủ” đang triển khai những “nước cờ” mang tính quyết định trên “bàn cờ Syria”.
Những động thái quân sự của Mátxcơva và Washington tại Syria gần đây đã phản ánh rõ những mục tiêu chiến lược mà hai cường quốc Nga và Mỹ đang theo đuổi.
Trong khi các thông tin mới nhất cho thấy Mỹ đang cân nhắc các bước can thiệp sâu hơn vào Syria như việc phái các lực lượng đặc nhiệm, cố vấn quân sự tới đây, thì Nga cũng triển khai cùng lúc chiến dịch quân sự và ngoại giao tại Syria.
Một mặt, Nga thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao với phương Tây và nhấn mạnh sự cần thiết của việc “coi nhau như đồng minh trong cuộc chiến chung chống IS”. Mặt khác, Nga cũng kêu gọi sự tham gia của các nước trong khu vực vào một liên minh chống khủng bố để tăng cường hiệu quả trong các chiến dịch quân sự ở Syria.
Tuy nhiên, tiêu diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thực ra chỉ là một trong những mục tiêu mà Nga và Mỹ công khai, bởi nó liên quan tới vấn đề an ninh quốc gia chính đáng của mỗi nước. Các động thái quân sự, ngoại giao của Nga và Mỹ cho thấy họ đều đang hỗ trợ cho các lực lượng mà mình hậu thuẫn.
Vậy nên, không khó hiểu vì sao Mỹ đã im lặng khi cả Syria và Nga sau chuyến thăm Nga của ông Al-Assad đều lên tiếng về việc tổ chức một cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống mới, nhằm tạo ra bước ngoặt giải quyết các vấn đề chính trị trong nước ở Syria.
Washington không thể ủng hộ một giải pháp mà Syria và Nga đã thống nhất sau lưng mình, bởi chắc chắn giải pháp ấy sẽ tìm cách bảo đảm vai trò của Tổng thống Al-Assad trên chính trường Syria. Ngược lại, Washington cũng không có cớ gì để phản đối một giải pháp mà không thể phủ nhận có thể góp phần đem lại cơ hội hòa bình cho Syria trong bối cảnh bế tắc hiện nay.
Tiến trình hòa bình ở Syria hiện nay đang bị chi phối bởi những mâu thuẫn và toan tính lợi ích trong “cuộc đua” tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc. Mặc dù vậy, cả Nga và Mỹ đều đang tích cực tìm kiếm sự hợp tác để tìm ra giải pháp cho vấn đề Syria.
Hiện Nga, Mỹ cùng một số nước châu Âu và các nước A-rập đều đang tham gia quá trình đàm phán ngoại giao về Syria. Và vấn đề gây bất đồng sâu sắc hiện nay giữa các nước vẫn là tương lai của Tổng thống Syria Al-Assad sẽ như thế nào. Nếu tương lai của Tổng thống Al-Assad không được xử lý khéo léo thì không có gì bảo đảm cho sự ổn định lâu dài ở Syria, ngay cả khi thông qua một cuộc bầu cử.
Thực tế, Syria vẫn đắm chìm trong hỗn loạn sau khi ông Al-Assad tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 6 năm ngoái bởi lực lượng đối lập không công nhận kết quả bầu cử.
Trong khi đó, cuộc chiến chống IS của cả Mỹ và Nga tại Syria cũng như Iraq cũng khó mà thành công trong một sớm một chiều. Không một giải pháp chính trị nào có thể thành hiện thực ở Syria nếu lực lượng khủng bố IS tiếp tục bành trướng và chiếm lĩnh lãnh thổ tại quốc gia này.
Vì vậy, một giải pháp trọn vẹn cho Syria phải bao gồm sự hợp tác tích cực giữa các cường quốc và các nước có ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông trên cơ sở cân bằng lợi ích giữa các bên, cùng với các giải pháp chính trị nhằm bảo đảm sự thống nhất và nền dân chủ ở Syria.
Theo Mỹ Hạnh
Quân đội Nhân dân