Romania sẽ “tiếp” tấm chắn tên lửa Mỹ
(Dân trí) - Tổng thống Romania cho hay đã đồng ý cho phép Mỹ đặt các thiết bị đánh chặn tên lửa trên lãnh thổ nước này. Đây là một phần trong kế hoạch lá chắn tên lửa mới của Washington, thay thế cho kế hoạch trước đây của chính quyền ông Bush.
Tổng thống Traian Basescu cho hay kế hoạch đã được Hội đồng quốc phòng phê chuẩn nhưng vẫn cần được quốc hội thông qua.
Mỹ đã từ bỏ kế hoạch lá chắn tên lửa trước đó, dự kiến đặt ở Ba Lan và Cộng hòa Séc, khiến Nga kịch liệt phản đối.
Theo một quan chức Mỹ, hệ thống thay thế mới này sẽ phòng thủ tốt hơn khỏi “mối đe dọa đang lớn dần” từ các tên lửa tầm trung và tầm ngắn của Iran.
Trong khi đó Tổng thống Basescu cho hay hệ thống sẽ “bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Romaina”, nhưng nhấn mạnh nó “không trực tiếp nhắm vào Nga”.
Ông cũng cho biết Romania sẽ là nơi đặt “các thiết bị dưới mặt đất để đánh chặn tên lửa” và nếu được quốc hội phê chuẩn, hệ thống này sẽ đi vào hoạt động năm 2015.
Hệ thống lá chắn tên lửa nhỏ hơn
Tại Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ PJ Crowley cũng nhấn mạnh rằng hệ thống mới “sẽ không có khả năng nhắm vào Nga”.
Ông cũng khẳng định Romania đã đồng ý cho đặt các hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo, một phần trong “kế hoạch lá chắn tên lửa mới của Mỹ… nhằm bảo vệ quân đội Mỹ đang được triển khai ở mặt trận và các đồng minh NATO trước những đe dọa hiện nay và ngày càng lớn dần của tên lửa đạn đạo Iran”.
Quyết định từ bỏ kế hoạch lá chắn tên lửa ban đầu của chính quyền tiền nhiệm hồi tháng 9 năm ngoái của Tổng thống Obama đã được Nga hoan nghênh. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh hai bên nỗ lực “tái khởi động” mối quan hệ.
Ông Obama đã tuyên bố, hệ thống lá chắn tên lửa đạn đạo mà cựu Tổng thống Bush ủng hộ sẽ được thay thế bằng một hệ thống chỉ thiết kế bắn hạ các tên lửa tầm ngắn và tầm trung.
Ông viện dẫn các thông tin tình báo cho biết Iran hiện đang tập trung vào phát triển những loại tên lửa này, chứ không phải tên lửa liên lục địa.
Kế hoạch của chính quyền ông Bush đã khiến Nga kịch liệt phản đối và đã dọa sẽ đáp lại bằng cách hướng các đầu đạn hạt nhận vào Ba Lan, Cộng hòa Séc.
Trong khi đó hệ thống mới sẽ được xây dựng quanh các hệ thống đánh chặn tên lửa SM-3 đặt trên biển và trên đất liền.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Phó tổng thống Mỹ Joseph Biden đã thăm Ba Lan, Romania và Cộng hòa Séc để tìm kiếm sự ủng hộ cho hệ thống mới này và Ba Lan cũng đã ký kết hợp tác với Mỹ.
Phan Anh
Theo BBC