Robot chiến trường – Vũ khí thống trị tương lai
(Dân trí) - Chiến tranh tương lai sẽ chứng kiến sự thống trị của các loại robot chiến trường đã và đang được sử dụng tại Iraq và Afganistan. Với nhiệm vụ trinh sát, rà phá mìn, bảo đảm hậu cần, phá hủy mục tiêu, các robot chiến trường đang góp phần hỗ trợ không nhỏ vào hoạt động tác chiến của các binh sĩ.
Mỹ đang chi hàng tỉ USD cho thế hệ robot "Terminator". Trong khi đó, Pháp và châu Âu cũng đang cố gắng phát triển các loại robot phục vụ hoạt động quân sự. Để tiêu diệt trùm khủng bố al-Qaeda ở Iraq, Abu Musab al-Zarqawi, Mỹ đã sử dụng máy bay không người lái "Predator" thường xuyên theo dõi và canh chừng suốt 24/24 giờ nơi ẩn náu của tên này. "Tìm kiếm và phá hủy", đó là nhiệm vụ của những loại máy bay không người lái kiểu này. Chúng xuất hiện trên sa mạc Iraq, vùng đồi núi Afganistan và giám sát thường trực các cơ sở hạt nhân của Iran và CHDCND Triều Tiên. Dù ở trên không, mặt đất hay trên biển, các loại robot quân sự vẫn đang thực hiện đủ loại nhiệm vụ để phục vụ cỗ máy chiến tranh của Mỹ.
Hiện có hơn 1.000 robot được triển khai ở Iraq, như các loại máy bay không người lái "Predator" của công ty General Atomics, hay "Global Hawk" của Northrop Grumman; robot mặt đất "Sword" (Foster Miller) và "Packbot" (iRobot); máy bay trinh sát tàu ngầm MLRS (Boeing)...
Giờ đây, với giới quân sự, tương lai của các cuộc chiến tranh sẽ phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động của các robot quân sự. Những "chiến binh lý tưởng" luôn biết phục tùng mệnh lệnh, không biết mệt mỏi, không đau đớn, không có nhận thức cảm tính. Do vậy, cuộc triển lãm về vũ khí EuroSatory đang diễn ra ở Pari (Pháp) vừa qua đã được xem là một cuộc trình diễn của robot. Hơn 37 nhà sản xuất máy bay không người lái và robot chiến trường đã tham dự triển lãm năm nay, để giới thiệu sản phẩm.
Lầu Năm Góc và giới công nghiệp quốc phòng Mỹ đã được Tổng thống Mỹ George W. Bush bật đèn xanh để phát triển chương trình robot chiến tranh, mang tên "Hệ thống chiến đấu tương lai" (FCS). Kể từ chương trình "Chiến tranh giữa các vì sao" dưới thời Tổng thống Mỹ Reagan, đây là chương trình phát triển công nghệ robot chưa từng thấy, nhằm trang bị các loại robot chiến trường cho 32 lữ đoàn của quân đội Mỹ và lực lượng hải quân từ nay đến năm 2015.
Các chuyên gia phân tích cho rằng sự tham gia của các robot chiến trường sẽ giúp giảm bớt nỗi ám ảnh "chết người" của các quân nhân Mỹ. Phát triển robot chiến trường cũng là một hình thức "tiết kiệm" của chính phủ Bush: một robot loại "Sword" trị giá 250.000 USD, trong khi chi phí cho một quân nhân Mỹ từ lúc đào tạo đến khi về hưu lên tới 4 triệu USD.
Châu Âu cũng đã dự kiến chi 5,5 tỉ euro cho nghiên cứu máy bay không người lái từ nay đến năm 2012. Bộ Quốc phòng Pháp đã chi 1 tỉ euro cho "cuộc chiến tranh tương lai" với hệ thống "Felin". Được phát triển bởi tập đoàn Sagem, hệ thống này bao gồm những cặp kính tăng cường ánh sáng được thiết kế đi kèm với mũ của lính chiến, một hệ thống thông tin tốc độ cao cho phép trao đổi dữ liệu và hình ảnh, một máy tính xách tay mini phụ vụ cho công tác tính toán cự ly, tầm bắn và các hoạt động phối hợp tác chiến, và một súng trường Famas với kính ngắm cho phép bắn trúng mục tiêu. 31.500 bộ hệ thống. "Felin" này sẽ được giao cho quân đội Pháp, để xây dựng đội quân "công nghệ cao".
Tổng cục vũ khí Pháp (DGA) cũng đang chuẩn bị một chương trình đầy tham vọng phát triển robot mặt đất. Lãnh đạo dự án của DGA, Laurent Barraco cho biết vào năm 2012 sẽ cho triển khai một đơn vị thử nghiệm mang tên "Tactic". Đơn vị này sẽ gồm 40 lính bộ binh, 12 chiếc xe các loại, 5 robot mặt đất và 3 máy bay không người lái. Dự án "Tactic" sẽ cho phép thử nghiệm mô hình tác chiến phối hợp giữa con người và các loại thiết bị công nghệ cao.
Một điều chắc chắn là các quốc gia giàu có, nhiều tiềm lực sẽ ngày càng chú ý phát triển các loại robot và máy bay không người lái phục vụ hoạt động tác chiến quân sự nhưng dù có sự phát triển của các hệ thống vũ khí tự động hóa, thì con người vẫn luôn là trung tâm của các cuộc chiến bởi chẳng có gì thay thế được tư duy con người, đặc biệt là trong một hoạt động đòi hỏi sự mưu mẹo và tinh ranh như chiến đấu.
Nam Sơn
Theo La Tribune