1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Rò rỉ "tài liệu Panama": Khi thiên đường né thuế sụp đổ

Một con số khổng lồ - khoảng 11,5 triệu tài liệu (bao gồm hồ sơ tài chính, hộ chiếu, chứng từ thuế và nhiều giấy tờ liên quan khác) của Công ty Luật Mossack Fonseca ở Panama đã vừa bị tiết lộ.

Số tài liệu này được lấy từ hệ thống nội bộ của hàng nghìn công ty con trên toàn thế giới trong suốt 40 năm hoạt động của Mossack Fonseca, đang gây nên cơn chấn động toàn thế giới và chưa hề có dấu hiệu dừng lại. Hàng loạt cá nhân đang bị cáo buộc sử dụng các công ty “ma” để lách luật, và thông qua hơn 500 ngân hàng hàng đầu thế giới nhằm che giấu các hoạt động trốn thuế cũng như rửa tiền lên tới hàng tỷ USD.

Ít nhất 140 tài khoản nước ngoài liên quan tới bê bối “Panama Papers” (Tài liệu Panama) thuộc về các nhân vật “máu mặt” (trong số đó, có khoảng 12 nhà lãnh đạo hàng đầu). Đây được coi là một trong những vụ lộ thông tin lớn nhất trong lịch sử - vượt trên cả bê bối WikiLeaks năm 2010, hay “sự cố” nghe lén được Edward Snowden công khai cách đây 3 năm.

Tiết lộ chấn động

Thành lập từ năm 1977, Mossack Fonseca có trụ sở đặt tại Panama, nhưng mở rộng hoạt động ở hàng chục quốc gia, trong đó có nhiều nơi được cho là “thiên đường né thuế” như Thụy Sĩ hay quần đảo Virgin (Anh). Mossack Fonseca được cho là chuyên giúp đỡ các cá nhân, tổ chức chuyển tiền ra nước ngoài bằng cách xây dựng các công ty “ma”, trở thành cái tên lớn thứ tư thế giới trong lĩnh vực này.

Rò rỉ "tài liệu Panama": Khi thiên đường né thuế sụp đổ - 1

Mặc dù đang nằm trong tâm bão chỉ trích, Mossack Fonseca đã chối bỏ mọi cáo buộc sai phạm, nhưng cho biết công ty đã bị ăn cắp dữ liệu. Người đứng đầu Công ty Ramon Fonseca cho biết, công ty của ông chủ yếu phục vụ “các mục đích hợp pháp”. Ông miêu tả việc ăn cắp dữ liệu và rò rỉ thông tin này là một chiến dịch quốc tế chống lại quyền riêng tư, và tuyên bố không chịu trách nhiệm cho các bí mật bị tiết lộ của các công ty đối tác mà Mossack Fonseca đã từng giúp đỡ.

“Tài liệu Panama” là kết quả điều tra của Liên đoàn nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), với sự tham gia của tờ báo Đức Sueddeutsche Zeitung và hơn 100 hãng tin khác tới từ gần 80 quốc gia. Khối dữ liệu đồ sộ của Công ty Luật Mossack Fonseca được thu thập trong giai đoạn từ năm 1977 tới cuối 2015.

Tập tài liệu này chỉ đích danh những cái tên vô cùng quyền lực của thế giới, có thể nhắc đến như Thủ tướng Iceland và Pakistan, Tổng thống Ukraine và Argentina hay Quốc vương Ả rập Saudi. Tờ báo của Đức cũng liệt kê gia đình của ít nhất 8 quan chức đương nhiệm và cựu lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có người em rể của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Tổng thống Vladimir Putin không có tên trong tài liệu, song những người thân tín của nhà lãnh đạo người Nga được cho là đã bí mật tuồn khoản tiền 2 tỷ USD thông qua các ngân hàng và các công ty “ma”.

Bên cạnh đó, “Tài liệu Panama” cũng phơi bày danh tính của 33 đối tượng và công ty bị Chính phủ Mỹ liệt vào danh sách đen vì liên quan đến nhiều hành vi sai trái như làm ăn với các trùm ma túy Mexico, các tổ chức khủng bố hay những quốc gia như Triều Tiên và Iran.

Theo tài liệu này, các ngân hàng lớn đã tiếp tay để tạo ra các công ty “ma” ở quần đảo Virgin, Panama và các “thiên đường né thuế” khác thông qua Hãng Luật Mossack Fonseca để che giấu tài sản và rửa hàng tỷ USD tiền mặt. Tài liệu cũng liệt kê gần 15.600 giấy tờ các ngân hàng dựng lên cho khách hàng để che giấu các con số tài chính. Rõ ràng, ngân hàng, công ty luật và những đối tác nước ngoài thường không tuân thủ quy định pháp lý để đảm bảo tính minh bạch cho quá trình mở tài khoản ở nước ngoài.

Rò rỉ "tài liệu Panama": Khi thiên đường né thuế sụp đổ - 2

Các hoạt động rửa tiền thực chất là hợp thức hóa những khoản tiền phi pháp, giúp việc sử dụng chúng không bị giám sát.

Kho dữ liệu hàng triệu trang cho thấy cách thức các hãng luật và các ngân hàng lớn bán dữ liệu tài chính mật cho các chính trị gia, những kẻ lừa đảo và thậm chí những tay buôn ma tuý thế nào. Bê bối tài chính này chắc chắn sẽ kéo theo nhiều biến động lớn trong đời sống chính trị thế giới, bởi nếu được xác thực, hàng loạt lãnh đạo có thể “ngã ngựa”. Các quan chức thuế ở Australia và New Zealand đã bắt đầu điều tra các khách hàng địa phương của Công ty Mossack Fonseca.

Sở Thuế Australia cho biết, cơ quan này đang “chú ý tới” hơn 800 khách hàng giàu có của Mossack Fonseca, đồng thời nhận thấy có sự liên kết của hơn 120 khách hàng trong số kể trên với một nhà cung cấp dịch vụ đặt tại Hồng Công, bao gồm một số trường hợp liên quan đến tội phạm tài chính nghiêm trọng.

Phủ nhận mọi cáo buộc

Phản ứng trước những thông tin được tiết lộ, Điện Kremlin cho rằng những tài liệu này không có gì chắc chắn và vô cùng thiếu minh bạch. Phát ngôn viên của Tổng thống Nga đã phủ nhận mọi cáo buộc, khẳng định bê bối Panama lần này là “một đòn chơi xấu” nhằm lật đổ ông Putin trong cuộc bầu cử sắp tới. Trong khi đó, Chính phủ Anh quyết liệt yêu cầu một bản sao của các dữ liệu bị rò rỉ.

Truyền thông Anh cho hay, người cha quá cố của Thủ tướng David Cameron - ông Ian Cameron - cũng có tên trong danh sách của “Panama Papers”, cùng với một số thành viên của đảng Bảo thủ ở Thượng viện, các cựu thành viên lập pháp đảng Bảo thủ và các tài phiệt viện trợ cho đảng.

Phát ngôn viên của ông Cameron từ chối bình luận về việc liệu gia đình của người đứng đầu Chính phủ Anh có tiền đầu tư vào các quỹ nước ngoài do ông Ian Cameron thành lập hay không, coi đây là một “vấn đề riêng tư”.

Nhận định “Tài liệu Panama” có nhiều điểm nghi vấn, phía Pakistan chối bỏ mọi cáo buộc về sai phạm của gia đình Thủ tướng Nawaz Sharif, cụ thể là con trai và con gái của Thủ tướng đều có liên quan tới các công ty ở nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Thông tin Pakistan, Pervez Rasheed, tuyên bố: “Mọi cá nhân đều có quyền sử dụng tài sản một cách tự do, kể cả tiêu hủy, đem bán hay thành lập một quỹ tín dụng. Hành động đó không thể bị coi là tội phạm ở cả Pakistan hay theo luật pháp quốc tế”.

Rò rỉ "tài liệu Panama": Khi thiên đường né thuế sụp đổ - 3

Hàng triệu trang “tài liệu Panama” đã hé lộ hàng loạt phi vụ rửa tiền của các chính trị gia và người nổi tiếng thông qua Công ty Luật Mossack Fonseca.

Theo đó, chưa thể khẳng định những cá nhân có tên trong “Tài liệu Panama” phạm tội. Mặc dù việc gửi tiền ra các tài khoản nước ngoài là mánh khóe rửa tiền thường thấy của tội phạm và những chính trị gia tham nhũng, hoạt động này hoàn toàn không phạm pháp về mặt lý thuyết. Do đó, phía Pakistan lên tiếng yêu cầu truyền thông ngừng phát tán thông tin “thiếu chính xác” và chờ đợi kết luận chính thức từ cơ quan điều tra.

Vụ bê bối tài liệu Panama mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, khi các cá nhân giàu có đang được giúp đỡ để trốn thuế. “Thiên đường né thuế” là những nơi không đánh thuế hoặc có mức thuế gần như bằng không. Ở đó, thông tin luôn được giữ kín, trong khi ranh giới giữa sự trong sạch và phạm pháp dường như rất mong manh.

Theo các tổ chức chuyên điều tra về trốn thuế, Panama chỉ là 1 trong số 80 thiên đường thuế trên thế giới. Ước tính số tiền của giới nhà giàu và các quan chức gửi gắm dưới nhiều hình thức ở những thiên đường thuế lên tới 40 nghìn tỷ USD. Trong bối cảnh nhiều quốc gia phải đưa ra các chính sách thuế hà khắc để đối phó với khủng hoảng kinh tế, thì hoạt động tài chính tại những thiên đường này lại càng nở rộ.

Vụ “Panama Papers” gây chấn động giới truyền thông khi tiết lộ các khách hàng của Công ty Luật Mossack Fonseca đã xây dựng những tài khoản cố định ở thiên đường trốn thuế nhằm sử dụng cho các mục đích phi pháp như rửa tiền, mua bán thuốc phiện và vũ khí.

Con số 11,5 triệu tài liệu tài chính của công ty này được công khai cho thấy quy mô “khủng khiếp” của các hoạt động trốn thuế cũng như rửa tiền mà những công ty “ma” trên khắp thế giới thực hiện. Những công ty “ma” núp dưới vỏ bọc một doanh nghiệp hợp pháp, không có hoạt động gì ngoài quản lý tiền nhưng che đậy thân phận của người sở hữu.

Tuy nhiên, trụ sở của những công ty “ma” thường đặt ở những nơi nhà chức trách khó tìm ra chủ sở hữu. Các hoạt động rửa tiền thực chất là hợp thức hóa những khoản tiền phi pháp, giúp việc sử dụng chúng không bị giám sát.

Khi tham nhũng, một chính trị gia cần rửa số tiền bẩn để không bị lộ. Nó sẽ được chuyển tới một công ty con của trung tâm tài chính nước ngoài. Số tiền này sẽ được chuyển vào tài khoản không ghi tên thuộc sở hữu của công ty “ma” mà không ai có thể truy tìm được nguồn gốc. Từ tài khoản này, số tiền có thể được dùng hợp pháp trên khắp thế giới.

Bê bối “Tài liệu Panama” cho thấy, các chính phủ cần có biện pháp cương quyết với những thể chế và các tập đoàn có liên quan tới việc giấu tài sản. Có lẽ danh sách những người giàu nhất thế giới sẽ phải thay đổi đáng kể nếu những tài liệu như hồ sơ Panama được công bố. Thế giới ngầm và những tài sản bí mật thực sự còn lớn hơn rất nhiều những gì hiện hữu trước mắt. Và dù là cá nhân hay tổ chức nào đứng đằng sau lật tẩy những vụ bê bối kiểu này, thì sự việc cũng đang giúp thế giới trở nên minh bạch hơn.

Trước mắt, “Tài liệu Panama” vẫn đang tiếp tục được phân tích và những uẩn khúc sẽ sớm được làm sáng tỏ…

Theo Doãn Lâm

An ninh thế giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm