1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Rộ nghi vấn nữ vận động viên bóng chuyền Afghanistan bị Taliban sát hại

Thành Đạt

(Dân trí) - Truyền thông địa phương đưa tin, một nữ vận động viên bóng chuyền Afghanistan đã bị Taliban sát hại.

Rộ nghi vấn nữ vận động viên bóng chuyền Afghanistan bị Taliban sát hại - 1

Mahjabin Hakimi trước khi bị sát hại (Ảnh: New York Post).

Theo New York Post, Mahjabin Hakimi, một trong những vận động viên xuất sắc nhất của câu lạc bộ bóng chuyền thành phố Kabul, bị sát hại ở Kabul khi các tay súng Taliban mở chiến dịch truy tìm các nữ vận động viên. Thông tin này do huấn luyện viên của Hakimi tiết lộ với báo Persian Independent.

Theo huấn luyện viên của Hakimi, cô gái trẻ đã bị sát hại vào đầu tháng này, nhưng cái chết của cô gần như bị giấu kín vì gia đình cô bị đe dọa không được tiết lộ thông tin.

Theo tờ báo, những hình ảnh về vụ việc đã được chia sẻ trên mạng xã hội Afghanistan.

Trước đó các thông tin mâu thuẫn về việc nữ vận động viên bị sát hại đã xuất hiện trên mạng. Một giấy chứng tử được cho là của Hakimi ghi rằng cô bị sát hại vào ngày 13/8, tức là trong những ngày cuối cùng của cuộc nổi dậy do Taliban tiến hành ở Afghanistan, trước khi lực lượng này tiếp quản thủ đô Kabul và lên nắm quyền.

Trung tâm Báo chí Điều tra Payk cho biết các nguồn tin của họ đã xác nhận Hakimi "bị Taliban sát hại ở Kabul".

Huấn luyện viên của Hakimi nói với Persian Independent rằng, cô muốn công khai thông tin này để cảnh báo những rủi ro mà các nữ vận động viên Afghanistan phải đối mặt. Hiện chỉ có 2 người trong số các thành viên của đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia bỏ trốn thành công khỏi Afghanistan.

"Tất cả các vận động viên của đội bóng chuyền và những vận động viên nữ khác đều ở trong tình trạng tồi tệ và sống trong tuyệt vọng, sợ hãi. Mọi người buộc phải chạy trốn và sống ở những nơi không ai biết tới", nữ huấn luyện viên cho biết.

Zahra Fayazi, một trong những vận động viên trốn khỏi Afghanistan, nói với BBC hồi tháng trước rằng, ít nhất một trong số vận động viên đã bị giết.

"Chúng tôi không muốn chuyện này lặp lại với những vận động viên khác của chúng tôi. Nhiều vận động viên của chúng tôi từ các tỉnh đã bị đe dọa nhiều lần bởi người thân của họ, vốn là những người theo phe Taliban hoặc là thành viên của Taliban", Fayazi nói từ nơi cư trú mới của cô ở Anh.

Fayazi cho biết Taliban đã yêu cầu gia đình các vận động viên không cho phép con gái của họ chơi thể thao, nếu không họ sẽ phải đối mặt với biện pháp bạo lực không ngờ tới.

"Các vận động viên thậm chí còn đốt dụng cụ thể thao của họ để cứu bản thân và gia đình. Họ không muốn lưu giữ bất cứ thứ gì liên quan đến thể thao. Họ sợ hãi", Fayazi cho biết.

Một vận động viên khác trốn khỏi Afghanistan cũng nói với BBC rằng, mọi người đều "sốc" khi nghe tin một thành viên trong đội của họ đã bị giết.

"Tôi chắc chắn đó là Taliban", một vận động viên lấy tên giả là Sophia để bảo vệ gia đình cô ở Afghanistan cho biết.

Hồi tháng 9, gần 100 người, trong đó có 32 nữ cầu thủ đội tuyển bóng đá quốc gia Afghanistan đã rời đất nước và nhập cảnh vào Pakistan. Các nữ cầu thủ đã trực tiếp gửi thư cầu cứu Thủ tướng Pakistan Imran Khan để giúp họ được nhập cảnh khẩn cấp. Trong thư, các cô gái này cho biết họ đang bị Taliban đe dọa tính mạng.

Cuộc trốn chạy của các nữ vận động viên Afghanistan cho thấy nhiều người ở quốc gia này, đặc biệt là phụ nữ, vẫn đang tìm cách rời khỏi đất nước do lo sợ chính quyền của Taliban. Taliban tuyên bố, phụ nữ Afghanistan dưới thời chính quyền mới sẽ không được chơi thể thao vì làm vậy sẽ "phơi bày cơ thể" trước truyền thông.

Sau khi Taliban lên nắm quyền, những phụ nữ chơi thể thao ở Afghanistan đã không còn lộ diện. Một số phụ nữ cho biết, họ bị các chiến binh Taliban đe dọa bạo lực nếu bắt gặp chơi thể thao.

Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan từ giữa tháng 8 sau khi lật đổ chính quyền và quân đội vốn được phương Tây hậu thuẫn. Kể từ khi nắm quyền, Taliban đã đưa ra những quy định hà khắc với phụ nữ từ trang phục đến các hoạt động xã hội.

Taliban cũng tuyên bố khôi phục lại các biện pháp cứng rắn để trừng phạt những người phạm tội, bao gồm hình phạt chặt tay chân, treo thi thể nơi công cộng.