Rắc rối trong thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Ấn Độ
Các quan chức Ấn Độ và Mỹ đã hy vọng đạt được thỏa thuận hạt nhân trước khi Tổng thống Bush đến, nhưng các bất đồng về việc cơ sở hạt nhân nào của Ấn Độ sẽ được quốc tế giám sát đã làm gián đoạn cuộc thương thuyết.
Những cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân giữa Ấn Độ và Mỹ bước vào giai đoạn nước rút vào hôm qua, khi các nhà thương thuyết nỗ lực giải quyết các bất đồng về việc làm thế nào tách rời các chương trình hạt nhân dân sự và quân sự trước khi Tổng thống (TT) Mỹ George W. Bush đến New Delhi vào tối cùng ngày sau chuyến thăm bất ngờ đến Afghanistan.
“Chúng tôi đang mặc cả khó khăn” – Ngoại trưởng Ấn Độ Shyam Saran nói hôm 28/2, nhấn mạnh rằng hai bên vẫn còn “một ít cách biệt” phải san lấp. Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice khẳng định rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bảo đảm rằng “một khi Ấn Độ quyết định để một lò phản ứng được giám sát, nó phải được giám sát vĩnh viễn”.
Thỏa thuận sẽ cho phép Mỹ cung cấp công nghệ và nhiên liệu hạt nhân mà Ấn Độ rất cần để đáp ứng cho nền kinh tế đang bùng nổ. Đổi lại, Ấn Độ cam kết tách rời các chương trình và mở cửa các cơ sở dân sự cho thanh sát quốc tế. Việc phân định các chương trình hạt nhân dân sự và quân sự là điểm mấu chốt của thỏa thuận, do Mỹ chỉ đồng ý công nhận Ấn Độ có sức mạnh hạt nhân dân sự chứ không phải là một chương trình vũ khí hạt nhân hợp pháp. Mỹ và Ấn Độ bất đồng về việc bao nhiêu trong số 22 cơ sở hạt nhân của Ấn Độ nên nằm trong hạng mục dân sự.
Thỏa thuận, được đồng ý về nguyên tắc vào tháng 7, phải có sự chuẩn thuận của Quốc hội Mỹ, vốn nghi ngờ rằng nó sẽ cho phép Ấn Độ né tránh Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) mà New Delhi không ký kết. Một số nhà khoa học Ấn Độ cũng lo ngại thỏa thuận sẽ ảnh hưởng đến chương trình hạt nhân của nước này dù Thủ tướng Manmohan Singh cam kết không đánh đổi an ninh quốc gia để có thỏa thuận.
Ngoại trưởng Rice cũng tuyên bố bà không chắc sẽ có thỏa thuận trong chuyến đi của TT Bush. Bà cũng cho biết Pakistan sẽ không được đối xử như Ấn Độ do New Delhi “trong sạch” trong vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân và không bán công nghệ cho các nước khác. Trong khi đó Islamabad thừa nhận đã bí mật bán công nghệ hạt nhân cho một số nước.
Hôm qua, khoảng 50.000 người xuống đường ở New Delhi với các khẩu hiệu như “Ông Bush chết đi”, “Ông Bush hãy về nước”. Dự kiến sẽ có thêm nhiều cuộc phản đối trong 2 ngày tới ở New Delhi và thành phố Hyderabad ở miền Nam.
Theo Khang Huy
Người lao động/AP, AFP