1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Quỹ từ thiện quốc tế nỗ lực giúp phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam

(Dân trí) - Với khoản hỗ trợ 2,4 triệu USD trong 2 năm do Quỹ từ thiện Bloomberg cung cấp, Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI) đang nỗ lực hỗ trợ phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam.

Quỹ từ thiện quốc tế nỗ lực giúp phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam - 1

Một lớp dạy bơi trong khuôn khổ chương trình phòng, chống đuối nước cho trẻ em (Ảnh: GHAI)

Đuối nước bị xem là “kẻ giết người thầm lặng” tại Việt Nam, cướp đi sinh mạng khoảng 2.000 trẻ em mỗi năm. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong đối với trẻ từ 2 đến dưới 15 tuổi.

Theo Báo cáo dữ liệu y tế toàn cầu năm 2015, tại Việt Nam, tỷ lệ đuối nước trẻ em là 10,36 trên 100.000 trẻ. Con số này cao hơn nhiều so với các quốc gia khác tại Đông Nam Á như Philippines với tỷ lệ 8,24, Thái Lan với tỷ lệ 5,1 và Singapore với tỷ lệ 0,23.

Trước thực tế trên, Quỹ từ thiện Bloomberg (Mỹ) đã lựa chọn Việt Nam triển khai chương trình hợp tác kéo dài 5 năm về phòng, chống đuối nước cho trẻ em bắt đầu từ tháng 6/2018, với khoản hỗ trợ trị giá 2,4 triệu USD trong 2 năm đầu.

Với hỗ trợ của Tổ chức Bloomberg, Tổ chức Vận động Chính sách Y tế Toàn cầu (GHAI) trực thuộc Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá của Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã hỗ trợ Việt Nam thông qua Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để triển khai Chương trình “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam” trong 5 năm từ 2018-2022.

Quỹ từ thiện quốc tế nỗ lực giúp phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam - 2

Một lớp đào tạo kiến thức phòng, chống, sơ cứu người bị đuối nước. (Ảnh: GHAI)

Giai đoạn 1, cũng là giai đoạn thí điểm của chương trình, được thực hiện trong 2 năm 2018-2019 tại 8 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đắc Lắc, Đồng Tháp, Sóc Trăng. Đây là các địa phương có tỷ lệ trẻ em chết do đuối nước cao nhất trên cả nước.

Trong khuôn khổ chương trình, các lớp dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước tại 8 tỉnh đã được tổ chức. Ít nhất 8 bể bơi thông minh mới được lắp đặt để dạy bơi, bên cạnh việc huy động thêm 36 bể bơi lắp ráp hoặc cố định sẵn có của địa phương.

Trong năm 2019, chương trình đã thu được các kết quả đáng chú ý: 1.000 hướng dẫn viên về bơi an toàn và kỹ năng an toàn trong môi trường nước được đào tạo; 8.600 trẻ em từ 6-15 tuổi được học bơi an toàn, phòng chống đuối nước; trên 16.000 trẻ em từ 6-15 tuổi được học kỹ năng an toàn trong môi trường nước tại trường học. Ngoài ra, trên 310 cán bộ, 720 giáo viên mầm non, cộng tác viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ dưới 6 tuổi được đào tạo kiến thức phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Lần đầu tiên, các tiêu chuẩn bơi an toàn theo kinh nghiệm thực hành tốt từ Tổ chức Y tế Thế giới và góp ý của các chuyên gia hàng đầu thế giới về bơi an toàn, kinh nghiệm tham khảo từ các tổ chức liên quan tại Việt Nam, đã được áp dụng trong đào tạo và tập huấn. Ngoài ra, giáo trình kỹ năng an toàn trong môi trường nước đã được đào tạo cho trẻ em từ 6-15 tuổi trong trường học.

Quỹ từ thiện quốc tế nỗ lực giúp phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam - 3

8 bể bơi đã được xây mới trong khuôn chương trình của GHAI về phòng chống đuối nước cho trẻ em. (Ảnh: GHAI)

Tổ chức Vận động Chính sách Y tế Toàn cầu cho biết yếu tố then chốt của chương trình là sự phối hợp chặt chẽ giữa phía đơn vị tài trợ với cơ quan chủ trì thực hiện phía Việt Nam là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội từ giai đoạn xây dựng chương trình, lập kế hoạch đến giai đoạn triển khai chương trình.

Các kết quả của giai đoạn 1 là bằng chứng quan trọng để đánh giá, nhân rộng dự án, qua đó hoàn thiện chính sách, chiến lược phòng chống thương tích trẻ em trong giai đoạn 2020-2025.

Mục tiêu chính của dự án là đảm bảo nguồn nhân lực, ngân sách và cơ sở hạ tầng đầy đủ để tiếp tục chương trình sau khi nguồn tài trợ từ bên ngoài kết thúc. Chương trình đặt mục tiêu ít nhất 80.000 trẻ em được học bơi an toàn, phòng chống đuối nước và sau 5 năm, can thiệp ít nhất 20% tổng gánh nặng đuối nước trẻ em trên toàn quốc.

“Chúng tôi mong muốn kết quả chương trình sẽ được nhân rộng tại các địa phương ngoài dự án. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đánh giá nhu cầu lần thứ hai để mở rộng địa bàn triển khai chương trình”, đại diện của GHAI tại Việt Nam cho biết.

An Bình