1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Quốc đảo Thái Bình Dương đối diện hệ lụy môi trường vì đối tác Trung Quốc

(Dân trí) - Solomon, quốc đảo ở khu vực nam Thái Bình Dương đang phải đối diện với nguy cơ cạn kiệt tài nguyên rừng do nhu cầu nhập khẩu gỗ của các đối tác Trung Quốc quá lớn khiên tốc độ chặt rừng nhiệt đới của Solomon nhanh gấp 20 lần chỉ số bền vững.

Bãi tập kết gỗ ven bờ đảo Solomon chụp từ trên cao (Ảnh: Reuters)
Bãi tập kết gỗ ven bờ đảo Solomon chụp từ trên cao (Ảnh: Reuters)

Reuters ngày 18/10 dẫn báo cáo của tổ chức phi chính phủ Global Witness (Anh), cho biết tốc độ chặt rừng nhiệt đới của quốc đảo Solomon cao gấp gần 20 lần chỉ số bền vững. Tổng sản lượng xuất khẩu gỗ, mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất của Solomon, đạt ngưỡng 3 triệu mét khối vào năm 2017, tăng 20% so với trước đó. Doanh thu mang về ước tính 360 triệu USD.

Global Witness cảnh báo hệ lụy về môi trường với Solomon, rằng nếu quốc đảo này còn tiếp tục giữ nguyên tốc độ khai thác như hiện tại, rừng nhiệt đới tại đây sẽ cạn kiệt nhanh chóng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế Solomon.

Ngoài ra, tình trạng mất rừng cũng làm mất đi nguồn hoa quả tự nhiên và rau, cũng như ảnh hưởng tới sự phát triển của các sinh vật, động thực vật khác, và sinh kế của người dân.

Số liệu của Global Witness cho thấy phần lớn gỗ của Solomon được xuất khẩu sang Trung Quốc, nhà nhập khẩu gỗ hàng đầu thế giới.

“Mức độ khai thác gỗ của Solomon là rất không bền vững và các khu rừng tự nhiên có thể sẽ kiệt quệ rất sớm nếu không có gì thay đổi. Các công ty Trung Quốc nhập khẩu hầu hết số gỗ này vì vậy nếu họ ngừng mua gỗ thì Solomon vẫn còn cơ hội để đảo ngược lại mối đe dọa này”, chuyên gia Beibei Yin, trưởng nhóm nghiên cứu dự án, cho biết.

Theo Global Witness, với diện tích rừng hiện tại, 155.000 mét khối gỗ/năm là chỉ số xuất khẩu bền vững với Solomon. Trong các nghiên cứu khác, con số được coi là bền vững với quốc đảo này cũng không vượt quá 300.000 mét khối.

Global Witness không đưa ra thời điểm cụ thể rừng ở Solomon có thể bị cạn kiệt, nhưng trích dẫn một ước tính của chính Bộ Lâm nghiệp Solomon năm 2011, dự đoán tới năm 2036, tình trạng trên có thể xảy ra.

Giới chức Solomon hiện chưa lên tiếng về vấn đề này. Phía Bộ Thương mại Trung Quốc cũng chưa có ý kiến về thông tin do Global Witness cung cấp.

Quốc đảo Solomon, gồm 990 đảo nhỏ, có 2,2 triệu héc-ta rừng, bao phủ 80% tổng diện tích. Dù trước đó, Bộ Lâm nghiệp Solomon cho biết họ đã ban hành những đạo luật cứng rắn nhằm ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng bất hợp pháp, nhưng tình trạng khai thác vượt quá định mức vẫn diễn ra thường xuyên.

Đức Hoàng

Theo SCMP