Quốc đảo Ấn Độ Dương giữa vòng xoáy cạnh tranh Mỹ - Trung
(Dân trí) - Các hoạt động ngoại giao liên tiếp tại Sri Lanka, bao gồm chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuần này, được xem là nỗ lực của Washington và các đồng minh nhằm đối phó với Trung Quốc.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Sri Lanka vào hai ngày 27-28/10 diễn ra trong bối cảnh các cường quốc tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản, đang nỗ lực “chạy đua” ngoại giao để thắt chặt quan hệ với Sri Lanka - nước ngày càng có vai trò chiến lược quan trọng trong khu vực.
Ấn Độ đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến cấp thủ tướng với Sri Lanka vào ngày 26/9. Nhật Bản ngày 1/10 cũng tổ chức đối thoại với Sri Lanka về an ninh, an toàn hàng hải và các vấn đề trên biển. Ngày 9/10, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đã thăm Sri Lanka và có cuộc gặp với cả Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và anh trai ông - Thủ tướng Gotabaya Rajapaksa nhằm tăng cường quan hệ song phương.
Thành quả sau chuyến thăm của quan chức Trung Quốc là khoản viện trợ phát triển trị giá 90 triệu USD dành cho Sri Lanka để chi trả cho hoạt động chăm sóc y tế, giáo dục và cung cấp nguồn nước tại các vùng nông nghiệp.
Trong chuyến công du tuần này, Ngoại trưởng Mỹ muốn thảo luận về 3 thỏa thuận đang chờ được ký kết với Sri Lanka, bao gồm thỏa thuận Tổ chức Thách thức Thiên niên kỷ (MCC) trị giá 480 triệu USD nhằm hỗ trợ chương trình phát triển kinh tế của Sri Lanka, Thỏa thuận Tiếp nhận và Dịch vụ Tương trợ (ACSA) và Thỏa thuận Quy chế các Lực lượng (SOFA) nhằm mở đường cho quân đội Mỹ triển khai hoạt động tại Sri Lanka.
“Đây chính xác là những gì Sri Lanka cần”, SCMP dẫn lời George Cooke, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Bandaranaike tại Colombo, nói, đề cập tới hàng loạt hoạt động ngoại giao gần đây tại Sri Lanka và chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ bắt đầu từ tối 27/10.
Theo ông Cooke, sau hàng chục năm xung đột và chính phủ phải chịu sức ép về việc chấm dứt nội chiến, Sri Lanka không thể định hình một con đường rõ ràng cho tương lai của mình. Tuy nhiên, bây giờ hòn đảo này đã tiến dần tới mục tiêu đó.
Malinda Seneviratne, nhà bình luận chính trị Sri Lanka, cho rằng tầm ảnh hưởng lớn của Trung Quốc tại Sri Lanka và xu hướng ngả về Trung Quốc của gia đình Tổng thống Rajapaksas khiến Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản lo ngại trong bối cảnh 3 nước đều mong muốn kiềm chế tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Theo Reuters, Trung Quốc ngày 27/10 chỉ trích chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo tới Sri Lanka, cảnh báo Mỹ không can thiệp vào quan hệ Trung Quốc - Sri Lanka hay có hành vi “cưỡng ép, bắt nạt” Sri Lanka.
Theo nhà phân tích quốc phòng James R. Holmes, Mỹ có nhiều sáng kiến để có thể đẩy mạnh hợp tác với Sri Lanka. Chuyên gia Holmes nhận định Mỹ muốn tăng cường lực lượng tại Ấn Độ Dương và xây dựng lực lượng này trở nên linh hoạt hơn trong việc cạnh tranh chiến lược hàng hải với Trung Quốc. Vị trí địa lý chiến lược của Sri Lanka cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Mỹ trong việc triển khai lực lượng trong khu vực.
Trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Washington muốn hợp tác Sri Lanka trong mục tiêu chung về “phát triển kinh tế bền vững” và duy trì khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy cách tiếp cận trái ngược của Mỹ so với Trung Quốc khi Bắc Kinh bị chỉ trích vì đẩy nhiều nước, trong đó có Sri Lanka, vào “bẫy nợ” thông qua các dự án hạ tầng thuộc Sáng kiến Một Vành đai, Một Con đường.
Năm 2017, Sri Lanka cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm để đổi lại 1,1 tỷ USD. Sri Lanka sử dụng số tiền này để trả nợ Trung Quốc sau khi vay tiền Bắc Kinh để xây cảng.
Theo Gateway House, một viện nghiên cứu tại Mumbai, Trung Quốc là nguồn viện trợ phát triển chính thức và đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng đầu của Sri Lanka trong giai đoạn 2005 - 2015. Trung Quốc đã cung cấp các khoản vay và viện trợ lên tới 12 tỷ USD trong các lĩnh vực năng lượng, hạ tầng và dịch vụ cho Sri Lanka. Ngoài ra, đầu tư tư nhân của Trung Quốc vào Sri Lanka cũng lên tới 2 tỷ USD.
Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Sri Lanka, chiếm tới hơn 3 tỷ USD hàng hóa. Viện trợ của Mỹ cho Sri Lanka từ năm 1948 lên tới 2 tỷ USD. Gần đây nhất, Mỹ đã cung cấp 39 triệu USD để nâng cao nhận thức hàng hải của Sri Lanka và 5 triệu USD hỗ trợ Sri Lanka ứng phó đại dịch Covid-19.
Theo giới phân tích, sự dịch chuyển về “địa bàn” chính trị - quân sự từ Đại Tây Dương sang Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương càng cho thấy tầm quan trọng của 2 thỏa thuận quân sự mà Mỹ mong muốn ký kết với Sri Lanka gồm ACSA và SOFA. Các thỏa thuận không chỉ mở đường cho lực lượng quân sự Mỹ hoạt động tự do hơn và mạnh mẽ hơn tại Sri Lanka, mà còn cho phép quân nhân Mỹ không bị truy tố trong trường hợp họ phạm tội tại hòn đảo này.
Tuy vậy, Sri Lanka vẫn chần chừ trong việc ký các thỏa thuận này vì lo ngại rằng chúng sẽ ảnh hưởng tới chủ quyền của Sri Lanka. Chuyến thăm được lên kế hoạch từ trước của Ngoại trưởng Mỹ tới Sri Lanka vào tháng 6 năm ngoái đã bị hủy bỏ sau khi người biểu tình Sri Lanka xuống đường tại thủ đô Colombo để phản đối việc ký kết các thỏa thuận quân sự giữa hai nước.
Tuy vậy, tâm lý chống Mỹ tại Sri Lanka đã hạ nhiệt sau cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 8. Hơn nữa, nền kinh tế Sri Lanka, vốn bị thiệt hại trong cuộc nội chiến từ năm 1983 - 2009 và gần đây là các vụ ném bom hồi năm ngoái cũng như đại dịch Covid-19, đang rất cần nguồn đầu tư từ nước ngoài, đặc biệt từ Mỹ.
Sri Lanka có thể đợi cho tới sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tuần tới để quyết định liệu có thể đàm phán lại với chính quyền mới tại Nhà Trắng về các thỏa thuận quân sự hay không, hoặc tiếp tục duy trì các thỏa thuận như hiện tại nếu Tổng thống Trump tái đắc cử.
Mỹ - Ấn thúc đẩy hợp tác quốc phòng
Cũng trong khuôn khổ chuyến công du Nam Á của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, tại cuộc họp báo với Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tại thủ đô New Delhi, Bộ trưởng Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 27/10 thông báo hai bên đã ký Thỏa thuận Hợp tác và Trao đổi Cơ bản (BECA), cho phép chia sẻ thông tin và tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
Thỏa thuận nhấn mạnh cam kết của Mỹ và Ấn Độ về duy trì “luật pháp và tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế”, đồng thời “củng cố chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả quốc gia”. Thỏa thuận được đưa ra giữa lúc quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc vẫn căng thẳng ở biên giới chung do tranh chấp lãnh thổ.
“Quan hệ quốc phòng vẫn là trụ cột chính của mối quan hệ song phương tổng thể giữa hai nước chúng ta. Dựa trên các giá trị và lợi ích chung, chúng ta sẽ sát cánh cùng nhau để hỗ trợ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do cho tất cả các bên, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều hoạt động hung hăng và gây bất ổn của Trung Quốc”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói.