1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Quan hệ Thổ-Mỹ dậy sóng vì "cú đâm sau lưng"?

Phía Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo gay gắt Mỹ đã thay đổi lập trường trong cuộc chiến chống các tổ chức khủng bố, trong đó có IS.

Mối quan hệ giữa Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục nổi sóng khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vừa lên tiếng“tố cáo” liên quân do Mỹ dẫn đầu đang hậu thuẫn cho các nhóm khủng bố ở Syria, trong đó có cả nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: IndianExpress.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: IndianExpress.

Với Mỹ, động thái này chẳng khác nào “cú đâm sau lưng” đầy bất ngờ từ chính đồng minh của mình.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày hôm qua (27/12) tại Ankara, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cáo buộc liên quân do Mỹ dẫn đầu đang ngấm ngầm hỗ trợ cho các nhóm khủng bố: “Liên quân do Mỹ dẫn đầu đã nói gì lúc đầu? Họ nói rằng “chúng ta sẽ chiến đấu chống IS tới cùng. Nhưng sự thật họ lại cáo buộc chúng tôi hỗ trợ IS”. Và giờ chính họ còn ủng hộ cho các nhóm khủng bố như IS, YPG, PYD. Điều này là rõ ràng. Và chúng tôi có bằng chứng xác thực bằng hình ảnh và video.”

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ còn lên tiếng chỉ trích liên quân Mỹ không giữ đúng cam kết trong cuộc chiến chống IS: “Đáng tiếc là lực lượng liên quân đã không giữ lời hứa của mình. Họ đã hứa nhưng họ giờ lại đang ở một lập trường khác. Nhưng bất kể họ có giữ lời hứa hay không, chúng tôi vẫn tiếp tục đi trên con đường của mình với quyết tâm cao."

Phản ứng trước tuyên bố mới nhất của ông Erdogan, Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày lên tiếng bác bỏ cáo buộc của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner khẳng định, lời buộc tội này là hết sức phi lý và vô căn cứ: “Thành thực mà nói cáo buộc này thật lố bịch và không có cơ sở. Tôi không nghĩ bất kỳ ai khi chứng kiến hoạt động quân sự của liên quân do Mỹ dẫn đầu tại miền bắc Syria, Iraq lại có thể nói gì hơn ngoài việc thừa nhận chúng tôi đang 100% góp phần đánh bại và tiêu diệt IS.”

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ từng là đồng minh gắn bó chặt chẽ. Tuy nhiên, mối quan hệ này bắt đầu xuất hiện những rạn nứt kể từ sau khi nổ ra cuộc đảo chính quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15/7 vừa qua. Nhiều lãnh đạo Mỹ đã tỏ ra bất bình khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cáo buộc Mỹ hỗ trợ hoặc “chống lưng” cho vụ đảo chính. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng phàn nàn Mỹ chậm trễ trong việc ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm nước này cần được trợ giúp nhất.

Một trong những yếu tố tiếp tục đẩy mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào trạng thái căng thẳng chính là những bất đồng giữa hai bên trong việc dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người đang sống lưu vong tại Mỹ, cũng là nhân vật được cho là kẻ chủ mưu vụ đảo chính bất thành hôm 15/7 tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Thêm nữa, mối quan hệ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ càng trở nên phức tạp hơn khi Mỹ ủng hộ cho người Kurd – lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ vẫn xem là “ kẻ thù không đội trời chung”.

Tất cả những điều này đã dần tạo ra những hố sâu ngăn cách giữa hai bên, khiến Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc tới những lựa chọn mới có lợi cho nước này, trong đó có việc tìm đến, khôi phục và thiết lập quan hệ hợp tác mạnh mẽ với Nga.

Theo giới quan sát, việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập "Bộ ba" những nước tham gia tiến trình hòa bình Syria (cùng với Nga, Iran) sau khi kế hoạch của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry về việc giải quyết dứt điểm vấn đề Syria thất bại, cũng là một tín hiệu cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang dần “quay lưng” với đồng minh Mỹ và tìm cách xích lại gần Nga trong các vấn đề quốc tế./.

Theo Phương Anh/VOV-Trung tâm Tin