1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Quan hệ Obama-Tập Cận Bình bị “thử lửa” sớm

(Dân trí) - Quyết định chạy trốn tới Hồng Kông của chuyên gia an ninh mạng Mỹ, cựu nhân viên CIA Edward Snowden có thể là một phép thử sớm đối với mối quan hệ đang tiến triển giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Obama.

 
Quan hệ Obama-Tập Cận Bình bị “thử lửa” sớm
Mối quan hệ giữa ông Obama-ông Tập đang đứng trước thử thách bởi vụ bê bối liên quan đến cựu nhân viên CIA Snowden. 

 

Edward Snowden, 29 tuổi, cựu nhân viên kỹ thuật của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) mới đây đã tiết lộ hàng loạt thông tin về chương trình nghe lén bí mật, thu thập hàng triệu cuộc điện thoại và giám sát dữ liệu trên internet, của chính phủ Mỹ. Việc tố giác đã gây chấn động trong lòng nước Mỹ và cả ở một số nước đồng minh của Mỹ, nơi các chính phủ cũng bị nghi ngờ có hành động tương tự.

 

Vụ việc diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa thiết lập được mối quan hệ cá nhân tại hội nghị thượng đỉnh phi chính thức ở California vào cuối tuần qua. Tại hội nghị này, người ta đã thấy hai nhà lãnh đạo đã đi bộ, trò chuyện cùng nhau khá thoải mái trong khuôn viên một khu nghỉ dưỡng ở California.

 

Vẫn chưa biết mối quan hệ cá nhân của họ được hình thành sâu đậm tới mức nào, do hai bên đều không hé lộ nhiều về chi tiết cuộc gặp gỡ, nhưng theo giới phân tích, chắc chắn họ sẽ tìm cách giải quyết vụ Snowden một cách tế nhị, để chứng tỏ họ có khả năng giải quyết các vấn đề nhạy cảm một cách tinh tế.

 

“Vào thời điểm này, hai nước sẽ nỗ lực hết sức để tránh một cuộc đối đầu nữa hoặc một vụ việc nhạy cảm nổi bật tương tự như thế này”, Jonathan Holslag, người đứng đầu về nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Trung Quốc đương đại Brusssels, Bỉ, cho hay. “Quan tâm chính của Bắc Kinh là tránh để vụ việc này bị xem là vụ gây chia rẽ giữa Mỹ và Trung Quốc”.

 

Còn giáo sư Jia Qingguo, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, đánh giá khi cả hai bên đã tập trung thúc đẩy giao tiếp và hiểu biết, thì họ sẽ không để vụ việc làm tê liệt bầu không khí đã được mối liên hệ cá nhân giữa hai tổng thống tạo ra ở hội nghị thượng đỉnh…và sẽ giải quyết vụ việc mới nhất theo như cách họ vẫn giải quyết các vụ việc tương tự trước đây.”

 

Mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên xấu đi vào tháng 2 năm ngoái, khi cựu cảnh sát trưởng Trùng Khánh Vương Lập Quân chạy vào lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, và được cho là nhằm xin tị nạn, khi mang theo tài liệu cho thấy cựu lãnh đạo của ông, bí thư thành ủy “thất sủng” của Trùng Khánh Bạc Hy Lai, phạm nhiều tội. Ông Vương cuối cùng đã tự nguyện rời lãnh sự quán và được trao cho giới chức an ninh quốc gia Trung Quốc. Sau đó ông bị kết án tù 15 năm, với cáo buộc là nhận hối lộ và định đào tẩu.

 

Chưa đầy 2 tháng sau vụ đào tẩu bất thành của ông Vương, Mỹ-Trung lại rơi vào một cuộc khủng hoảng khác, có nguy cơ gây hại cho một cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế cấp cao song phương, khi nhà hoạt động mù ở Sơn Đông Trần Quang Thành chạy khỏi nhà, nơi ông bị quản thúc, tới sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh.

 

Hai nước mới đầu thỏa thuận ông Trần vẫn ở lại Trung Quốc để học luật. Nhưng sự mất mặt và căng thẳng gia tăng khi ông Trần cho biết ông đã bị hăm dọa, ép buộc chấp nhận thỏa thuận và muốn tới Mỹ. Cuộc đối thoại cấp cao diễn ra theo kế hoạch và ông Trần được đưa lên máy bay tới Mỹ một tháng sau đó.

 

Clayton Dube, tổng giám đốc Viện Mỹ-Trung ở Đại học Nam California, cho biết vụ Snowden có thể đặt Washington, Bắc Kinh và Hồng Kông vào thế tiến thoái lưỡng nan, dựa vào yêu cầu Mỹ đưa ra đối với Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, ông cho rằng hai nước cũng có thể tận dụng cơ hội này để chứng tỏ sự hợp tác ăn ý trong vấn đề an ninh mạng. “Có thể giới chức Hồng Kông, với sự ủng hộ của chính phủ trung ương Trung Quốc, sẽ hỗ trợ Mỹ tiếp cận cá nhân này”, ông phán đoán. “Chắc chắn một vụ việc riêng rẽ như thế này sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến mối quan hệ hai nước.”

 

Trong nỗ lực nhằm chứng tỏ mối quan hệ cá nhân, ông Tập và ông Obama đã nói chuyện về thể thao, về cách giảm căng thẳng bên lề các cuộc đàm phán nghiêm túc hồi cuối tuần qua tại California. Nhưng một số nhà quan sát tại cả Trung Quốc và Mỹ lại cho rằng cuộc gặp gỡ chỉ là giả tạo và hai nhà lãnh đạo chỉ thiết lập được mối quan hệ làm việc, chứ không trở thành những người bạn được.

 

“Tôi tin chắc rằng hai người cảm thấy thoải mái hơn vào thời điểm ông Hồ Cẩm Đào làm chủ tịch, bởi tính cách cứng nhắc của ông Hồ không tạo ra cảm giác thoải mái”, giáo sư  June Teufel Dreyer, nhà khoa học chính trị tại Đại học Minami, Mỹ, cho hay. “Hơn nữa, tôi rất nghi ngờ “chất xúc tác cá nhân” giữa ông Tập và ông Obama có thể khiến họ đặt quyền lợi quốc gia xuống thứ yếu hay ưu tiên sau”.

 

Jeffrey Wasserstrom, nhà quan sát tại Đại học California, nhận xét hình ảnh từ cuộc gặp thượng đỉnh tạo ra hi vọng hai nhà lãnh đạo đã hình thành được mối quan hệ đặc biệt. “Nhưng chúng ta cần phải đợi những cuộc gặp trong tương lai, để biết mối quan hệ đó” là như thế nào, ông cho hay.

 

Còn theo giáo sư Pang Zhongying, một chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin, mối quan hệ cá nhân có thể dẫn đến những trao đổi song phương thêm, như trao đổi quân sự. Song ông cũng thừa nhận rằng tác động của những cuộc “gặp gỡ không chính thức này” không nên được đánh giá quá mức.

 

Vũ Quý

Theo CMSP