Quan hệ Nga – Trung trong cục diện mới
Dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm đến những diễn biến dồn dập trong quan hệ Nga - Trung thời gian gần đây, với đánh giá đó sẽ là nhân tố chi phối cục diện thế giới.
Khủng hoảng Ukraine đi liền với đó là đòn trừng phạt, cô lập của Mỹ và phương Tây nhằm vào Moskva đã đưa quan hệ Nga - Trung phát triển lên một tầm cao “chưa từng có” - như đánh giá của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Các lệnh cấm vận đã gây ra những khó khăn nhất định đối với nền kinh tế Nga. Đồng ruble vừa trải qua một giai đoạn mất giá kỉ lục tới 25% so với đồng USD. Các nhà đầu tư cũng dần “tháo chạy” khỏi thị trường Nga, với lượng vốn rút đi khoảng 128 tỉ USD trong năm 2014 - theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Nga. Ngân sách liên bang cũng đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng, khi mà dầu lửa, nguồn thu chủ yếu của kinh tế Nga, liên tục đứng ở mức thấp, có thời điểm xuống dưới 80 USD/thùng.
Cục diện này buộc Moskva phải hướng trọng tâm chiến lược sang phía Đông. Nga xem Trung Quốc là đối tác đặc biệt quan trọng: Vừa là thị trường tiêu thụ năng lượng chủ chốt của Nga, cung cấp các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; vừa là nhà “cung cấp vốn” quan trọng cho các dự án, chương trình phát triển kinh tế lớn.
Bắc Kinh cũng nhận thấy lợi ích có được từ quan hệ với Nga. Về mặt chiến lược, nó giúp Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình hội nhập Á - Âu, tạo đối trọng trước chiến lược xoay trục của Mỹ sang châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc tìm thấy nguồn cung năng lượng dồi dào, ổn định từ Nga. Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng với Moskva cũng sẽ giúp Bắc Kinh đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quân đội - một nội dung trọng tâm trong chiến lược “Bốn hiện đại hóa”.
Những nhân tố trên giúp làm sáng tỏ một thực tế: Mỗi một nấc leo thang căng thẳng giữa Nga và phương Tây do vấn đề Ukraine luôn song hành với sự ấm lên trong quan hệ Nga - Trung. Tháng 5 vừa qua, hai nước đã ký một hợp đồng cung cấp 38 tỉ m3 khí/năm, có trị giá lên đến 400 tỉ USD, thời hạn 30 năm. Hai bên cũng đã ký kết thỏa thuận hoán đổi tiền tệ lên tới 24,5 tỉ USD. Mới nhất, bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC vừa qua ở Bắc Kinh, đại diện Nga và Trung Quốc cũng đạt được một thỏa thuận khí đốt “khủng” thứ 2 có tên “Đường ống phía Tây”, với lượng khí đốt mà Nga cung cấp cho Trung Quốc ở mức 30 tỉ m3/năm.
Lãnh đạo tương đồng
Quan hệ cá nhân giữa các nhà lãnh đạo có sức chi phối nhất định đến các cặp quan hệ quốc tế. Hợp tác Nga - Trung có thêm xung lực, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin có nhiều điểm giống nhau về tính cách và quan điểm. Hai người cùng một thế hệ lãnh đạo, cùng 61 tuổi, cùng theo đuổi chủ nghĩa dân tộc; không chấp nhận sự thống trị của phương Tây. Ông Tập Cận Bình khiến dư luận quốc tế chú ý khi công khai nói về “Giấc mộng Trung Hoa”, gắn với quyết tâm chấn hưng dân tộc. Ông Putin ngay từ nhiệm kì đầu lên nắm quyền thì luôn coi việc khôi phục vị thế cường quốc cho nước Nga là mục tiêu xuyên suốt và nhất quán.
Chủ tịch Trung Quốc nhìn nhận quan hệ với người đứng đầu Điện Kremlin là một ưu tiên đặc biệt. Cá nhân ông từng nói với nhà lãnh đạo Nga rằng “Tôi có ấn tượng rằng hai chúng ta cư xử với nhau như là những người bạn, với trái tim và khối óc rộng mở. Tính cách của chúng ta tương đồng nhau”. Phát biểu trong cuộc gặp hôm 9/11 vừa qua tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đã nói một cách đầy hình ảnh rằng: "Chúng ta cùng vun trồng cây quan hệ Nga - Trung. Mùa Thu đã bắt đầu, đã tới lúc hái quả". Đáp lại, Tổng thống Putin nhìn nhận quan hệ hợp tác Nga - Trung đóng vai trò rất quan trọng đối với việc duy trì thế giới trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, theo hướng ổn định hơn.
Được định hình và thúc đẩy bởi yếu tố tình thế, nên quan hệ Nga - Trung có thực sự bền chặt hay không vẫn sẽ là một dấu hỏi lớn. Có một điều chắc chắn, cả Nga và Trung Quốc đều sẽ đặt lợi ích quốc gia là trên hết.