Aleppo sụp đổ, lụi tàn "dự án" can thiệp vào Syria của phương Tây
Sau hơn 4 năm ròng chinh chiến, cuối cùng quân đội Syria (SAA) cũng giành lại được thành phố Aleppo từ tay một liên minh phiến quân nổi dậy - thánh chiến do Mỹ, phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ, Arập Xêút... bảo trợ.
“Chiến thắng” nhưng cũng gần như là một thất bại, vì cả thành phố sầm uất - từng là trung tâm kinh tế hàng đầu Syria ở miền bắc - nay chỉ còn là đống đổ nát hoang tàn.
Đòn quyết định tung ra đúng thời điểm
Sau mấy tháng bị bao vây và chịu những trận không kích dữ dội, quân nổi dậy Syria đã chấp thuận buông súng tại thành phố Aleppo sau nhiều năm chinh chiến. Một thỏa thuận ngừng bắn nhằm sơ tán dân thường tại khu vực miền đông Aleppo đã chính thức được ký kết bởi chính phủ và phiến quân nổi dậy, có hiệu lực từ 18 giờ ngày 13-12 (giờ địa phương).
Thỏa thuận được ký kết nhằm mang đến hy vọng sống sót cho những người dân thường đang ở khu vực miền đông Aleppo - mà theo một đại diện của Liên Hiệp Quốc cho biết là đã phải chịu đựng một "cuộc khủng hoảng nhân đạo" tàn bạo.
Trung tâm hòa giải Nga tại Syria ngày 14-12 báo cáo đã có ít nhất 366 tay súng nổi dậy ở Aleppo ra đầu hàng và gần 6.000 dân thường được đưa đi sơ tán. Toàn bộ số dân thường này đã được bố trí chỗ ở trong các trung tâm nhân đạo, được cung cấp thực phẩm và chăm sóc y tế. Bên cạnh đó, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã quyết định ân xá cho 329 tay súng.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cùng ngày nhận định, tình hình Aleppo sẽ được giải quyết trong vòng vài ngày tới. Ngoại trưởng Nga tái khẳng định các tay súng từ bỏ vũ khí đầu hàng sẽ được bố trí rời khỏi thành phố an toàn và nhấn mạnh rằng, cuộc khủng hoảng tại Syria chỉ có thể giải quyết bằng các biện pháp chính trị. Nếu ngừng bắn một hoặc hai tuần có thể phản tác dụng khi trở thành cơ hội để các tay súng nạp lại vũ khí và đạn dược.
Hãng tin Reuters ngày 15-12 dẫn nguồn tin Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế cho biết, hoạt động sơ tán hàng trăm người bị thương ở Aleppo đã hoàn thành. Những chiếc xe buýt tiến vào khu vực phiến quân nắm giữ để sơ tán những tay súng cuối cùng còn sót lại. Đài truyền hình nhà nước Syria cho biết, ít nhất 4.000 phiến quân và gia đình của họ được sơ tán khỏi các khu vực cuối cùng do phiến quân kiểm soát ở Aleppo.
Các cố vấn nhân đạo LHQ ở Syria cho biết, hầu hết những chiến binh di tản sẽ đến tỉnh Idlib và nhiều tay súng khác có thể sẽ mang người thân của họ sang nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ.
Chiến dịch phản công tái chiếm Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria, được quân đội chính phủ Damascus mở màn cách đây 3 tuần với sự trợ giúp các đồng minh Iran, Hồi giáo Shia ở Liban và không quân Nga. Các chuyên gia cho rằng, Nga và Chính phủ Syria đã chọn quá đúng thời điểm để tung ra “đòn quyết định” này. Đó là khi Mỹ “vướng” vào cuộc bầu cử tổng thống khiến nước này bị sao nhãng khỏi điểm nóng Syria. Hơn nữa, với việc tỷ phú Donald Trump đắc cử, cơ hội để phe đối lập Syria nhận được trợ giúp từ Mỹ ngày càng thu hẹp.
Hôm 6-12, Tổng thống đắc cử Mỹ đã trình bày chính sách quân sự mới của Washington. Theo đó, Mỹ “sẽ ngưng tìm cách lật đổ các chế độ nước ngoài mà Mỹ không biết gì về họ cũng như không có liên can gì với họ”. Donald Trump còn nói, ông không để cho khả năng tác chiến của quân đội Mỹ bị suy yếu vì phải “chiến đấu ở nhiều nơi” trên thế giới mà lẽ ra không cần tham chiến. Thay vào đó, Mỹ sẽ tập trung vào cuộc chiến tiêu diệt khủng bố IS.
Ngoài ra, ông Trump đã nhiều lần thể hiện mong muốn hợp tác với Nga trong giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria, thừa nhận vai trò không thể thiếu của Nga tại chiến trường quan trọng này.
Thiếu sự quan tâm của Mỹ, lực lượng đối lập Syria còn khó có thể chờ đợi sự trợ giúp từ phía các nước châu Âu - nơi đang hứng chịu quá nhiều xáo trộn bởi câu chuyện Brexit hay thay đổi lãnh đạo ở hàng loạt quốc gia.
Còn nhớ vào tháng 7-2012, phong trào nổi dậy Syria đã mở cuộc tấn công vào Aleppo, giành được quyền kiểm soát một phần của thành phố, biến nơi đó thành cứ địa của mình. Vào khi ấy, phong trào đối lập Syria như diều gặp gió, lại được sự hỗ trợ của một số cường quốc phương Tây, các nước Vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ, cho nên đã tin rằng họ có thể lật đổ chính quyền Tổng thống al Assad, và không ngần ngại tuyên cáo với thế giới rằng họ là “đại diện hợp pháp” của người dân Syria.
Thế nhưng, trong những tháng gần đây, đặc biệt là kể từ khi có sự can thiệp quân sự của Nga vào tháng 5-2015, phiến quân Syria đã bị một loạt thất bại trên chiến trường, mà gần đây nhất là tại Aleppo, nơi mà họ đang bị trục xuất hoàn toàn.
Thắng lợi của Nga và quân đội Syria đã buộc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phải đưa ra lời đề nghị người đồng cấp Nga Sergei Lavrov mở một số hành lang an toàn cho tất cả lực lượng đối lập rút lui theo một lịch trình thỏa thuận trước. Đây là một sự thay đổi lớn về quan điểm của Mỹ, bởi trước đó Washington luôn tìm cách bảo vệ cho các lực lượng đối lập Syria.
Được đánh giá là hoàn toàn nắm quyền chủ động tại Aleppo, Nga hiện tỏ ra rất kiên quyết nhằm cùng với Chính phủ Syria thực hiện mục tiêu giành lại Aleppo trong tháng 12, trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.
Tờ The New York Times mới đây đăng bài bình luận, nói cuộc “nội chiến” Syria nay đã tới hồi mãn cuộc nhưng Mỹ làm thế nào để tìm kiếm một cái kết “có hậu”. Bài báo cho rằng, địa điểm có tính biểu tượng cho cái gọi là “phong trào đấu tranh dân chủ” ở thành phố Aleppo nay đã bị quân đội Syria và các đồng minh (Nga, Iran, Hezbollah) tái chiếm. Mất Aleppo thì khái niệm “phiến quân tự do, ôn hòa” cũng mất luôn.
Theo chuyên gia Aron Lund, thuộc cơ quan nghiên cứu Mỹ Century Foundation, một khi bị đánh giá là không thể cứu vãn, phong trào nổi dậy ở Syria sẽ không còn nhận được nguồn chi viện từ nước ngoài. Ông Lund cho rằng, với sự kiện các vùng lãnh thổ họ kiểm soát ngày càng teo tóp, phe đối lập chính trị ở Syria sẽ ngày càng yếu thế và ảnh hưởng của họ đang trở thành con số không.
Chuyên gia Sam Heller thuộc Century Foundation nói, việc để mất Aleppo có ý nghĩa là phong trào đối lập không còn là một lực lượng có khả năng thách thức chính quyền Damascus và giành quyền kiểm soát trên cả nước.
Đối với chuyên gia Yezid Sayigh, một trong những nhà nghiên cứu chính của Trung tâm Carnegie về Trung Đông, thì tình hình đã chuyển biến đến mức vượt qua điểm mà phe đối lập có thể xoay chuyển cục diện. Theo nhà phân tích này, phong trào nổi dậy không còn đủ số chiến binh cần thiết, cũng như không gian địa lý để mở lại một cuộc phản công lớn.
Các nhà quan sát cho rằng, sau Aleppo, thành trì cuối cùng của quân nổi dậy sẽ là tỉnh Idlib. Nhưng đó là nơi hỗn tạp và phương Tây sẽ không dám công khai ủng hộ, giống như họ đang ủng hộ phiến quân ở Aleppo. Tại Aleppo, dù sao Syria cũng “nhẹ tay”, còn ở Idlib - nơi được cho là thủ phủ của phiến quân thánh chiến - Damascus sẽ “đập thẳng tay” mà không ngại áp lực nào.
Ông Putin là người thắng lớn trong trận chiến Aleppo
Trong khi không thể can dự nhiều hơn, không thể cấp vũ khí nặng hơn cho phiến quân, Mỹ chỉ còn một bấu víu là... liên minh với cộng đồng người Kurd ở khu vực bắc và đông bắc Syria. Mỹ đã đặt chân vào Syria nhân danh cuộc chiến chống khủng bố (IS) và bước đầu có những phối hợp với Kurd. Nhưng đây cũng là lựa chọn không tốt đẹp gì, và nó giống như kiểu... chọn cái ít tệ nhất để làm.
Qua lại với người Kurd, Mỹ mâu thuẫn ngày càng nghiêm trọng với Thổ Nhĩ Kỳ, khiến cho “đôi bạn” từng một thời tâm đầu ý hợp trong chiến lược Syria trở nên ngày càng xa cách.
Mâu thuẫn với Thổ Nhĩ Kỳ là một chuyện, mối quan hệ Mỹ-Kurd cũng có thể bị Nga cản trở bất kỳ lúc nào. Rõ ràng, muốn tìm kiếm ảnh hưởng tại Syria thời hậu chiến, Mỹ bị gài vào thế phải... hợp tác với Nga. Nhiều khả năng Mỹ sẽ cố gắng thương lượng với Nga để giúp cho cái gọi là “phiến quân ôn hòa” (thật sự) có một chút... chỗ đứng (về mặt chính trị).
Về căn bản, Nga cũng chẳng muốn đuổi cùng diệt tận (nhất là các thành phần tranh đấu thật sự ôn hòa và không có dây mơ rễ má với khủng bố thánh chiến). Nga vẫn muốn cho Mỹ và phe ôn hòa một cơ hội hòa đàm.
Tuy vậy, quy luật muôn đời của các cuộc đàm phán là: nếu anh không có lợi thế trên chiến trường thì trên bàn đàm phán tiếng nói của anh chả có tí trọng lượng gì. Mỹ sẽ lấy gì để mặc cả với Nga nếu phe cánh do Mỹ hậu thuẫn chỉ là... những kẻ bại trận?
Do đó, nhìn đi nhìn lại thì Mỹ chỉ còn cách là... tiếp tục vào phe với người Kurd, cụ thể là Lực lượng tự vệ Kurd (YPG). Nhưng đây là lựa chọn không dễ dàng. Bản thân YPG cũng không hoàn toàn thuộc về Mỹ, nếu như họ được đưa ra đề nghị “hấp dẫn” từ Nga, ví dụ được cho phép tự trị từ chính quyền trung ương Syria.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad hôm 14-12 nói, thất bại của phiến quân nổi dậy tại thành Aleppo là thất bại của các nước phương Tây. Ông Assad cho rằng sự sụp đổ của Aleppo khiến cuộc chiến Syria đảo chiều và cũng làm... lụi tàn “dự án” can thiệp vào Syria của phương Tây.
Theo ông Assad, qua cuộc chiến này, người dân Syria nhận ra được đâu là tôn giáo, đâu là cuồng tín, đâu là bè phái. Và để mỗi người dân đạt được lợi ích lớn nhất cho mình, chỉ có một cách là họ phải biết tôn trọng lợi ích của người khác bất kể sắc tộc, tôn giáo, phe nhóm.
Về tiến trình chính trị, ông Assad cho rằng nó đã chết yểu vì ngoại bang không tạo ra một cơ hội để người Syria đối thoại với người Syria. Các thế lực bên ngoài luôn muốn áp đặt, can thiệp vào nội bộ Syria bằng cách ủng hộ chủ nghĩa khủng bố ở Syria.
Tờ Le Monde của Pháp ra ngày 14-12 khẳng định, việc chính quyền Damascus chiếm lại thủ phủ kinh tế Aleppo là bước ngoặt lớn trong cuộc xung đột Syria và cũng là một thất bại của các nước phương Tây. Hậu quả của nó có thể sẽ rất nặng nề, trước tiên là cho các nước châu Âu. Trong những tuần tới đây sẽ lại có làn sóng ồ ạt người tị nạn đổ sang Thổ Nhĩ Kỳ và điểm đến cuối cùng vẫn sẽ là các nước châu Âu.
Le Monde cay đắng nhận thấy: “Từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, chưa bao giờ Mỹ và các nước châu Âu lại tỏ ra bất lực trước Moskva như bây giờ”. Nhật báo chỉ rõ nguyên nhân “chính những thái độ né tránh của các nước phương Tây lặp đi lặp lại nhiều lần đã cho phép Kremlin trở thành người chủ ván cờ tại Syria từ khi Nga bắt đầu can thiệp ủng hộ chính quyền Assad hồi tháng 9-2015”. Đến giờ phương Tây mới thấy tuyệt vọng.
Vẫn theo Le Monde, thì đây là một bài học cho Washington cũng như Paris và London. Tờ báo khẳng định, điều không thể chối cãi là “ông Putin là người thắng lớn của trận chiến Aleppo. Về mặt quân sự, quân đội Nga đã chứng tỏ khả năng tác chiến ở xa trong chiến dịch đầu tiên ngoài không gian Xô Viết cũ. Về ngoại giao, đó cũng là thành công. Cuộc khủng hoảng Syria đã đưa Moskva trở lại thành người đối thoại ưu tiên, thậm chí đặc biệt của Washington, giống như thời Chiến tranh Lạnh.
Giành lại được Aleppo là thắng lợi lớn của Chính phủ Syria trong cuộc chiến nhiều phe phái kéo dài từ năm 2011 đến nay. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều vùng ở phía đông và tây bắc Syria thuộc quyền kiểm soát của IS và một số lực lượng Hồi giáo cực đoan khác.
Đặc biệt, lợi dụng việc Damascus dồn quân về Aleppo, IS đã điều 4.000 tay súng chiếm lại thành phố cổ Palmyra cùng các khu vực lân cận. IS từng chiếm địa điểm được UNESCO công nhận là di sản thế giới này từ tháng 5-2015 cho đến khi bị quân đội Syria đẩy lùi vào tháng 3-2016.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình NTV ngày 14-12, Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố các hoạt động quân sự sẽ không chấm dứt sau khi quân đội nước này giành lại hoàn toàn Aleppo và đánh bật các nhóm vũ trang ra khỏi thành phố này.
Với Syria, dù thắng ở Aleppo nhưng cuộc chiến sẽ vẫn còn dài lâu. Sức cùng lực kiệt. Nếu Nga hoặc Iran không hỗ trợ tích cực hơn thì không dễ dàng đánh bại được phiến quân IS hoặc al-Qaeda. Những đạo quân này vẫn luôn được sự hậu thuẫn bí mật từ các thế lực muốn lật đổ Chính phủ Syria.
Theo Mộc Thạch (tổng hợp)
An ninh thế giới