1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Quan hệ Mỹ - Venezuela "dậy sóng"

(Dân trí) - Với tuyên bố coi Venezuela là “mối đe dọa an ninh quốc gia” và trừng phạt 7 quan chức nước này, Mỹ đã biến Caracas thành kẻ thù hàng đầu ngay tại “sân sau” của mình. Căng thẳng quan hệ hai nước đang ở mức cao nhất kể từ khi Tổng thống Maduro lên cầm quyền 2013.

Quan hệ ngoại giao Mỹ - Venezuela chưa bao giờ hết cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” (Ảnh:
Quan hệ ngoại giao Mỹ - Venezuela chưa bao giờ hết cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” (Ảnh: La republica)

Mối quan hệ “ông chẳng, bà chuộc” giữa Mỹ và Venezuela đang bị đẩy lên một mức mới khi Washington tuyên bố quốc gia Nam Mỹ này là “mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ”, đồng thời quyết định áp đặt trừng phạt 7 quan chức chính phủ Venezuela, trong đó có Giám đốc cơ quan tình báo và Giám đốc Cảnh sát quốc gia.

Động thái này của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kéo lùi mọi nỗ lực cải thiện quan hệ giữa hai nước kể từ khi Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro lên nắm quyền vào năm 2013.

Những cáo buộc của Venezuela

Trong động thái nhằm “trả đũa” việc chính phủ Venezuela yêu cầu cắt giảm nhân viên ngoại giao Mỹ ở thủ đô Caracas (từ 100 người xuống còn 17 người, tương ứng với số nhân viên ngoại giao Venezuela đang làm việc tại Washington), không cấp thị thực cho một loạt quan chức Mỹ và áp đặt hệ thống thị thực bắt buộc đối với tất cả các công dân Mỹ tới nước này, ngày 9/3/2015, Tổng thống Obama đã ký sắc lệnh hành chính áp đặt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào 7 quan chức Venezuela.

Theo sắc lệnh này, 7 quan chức Venezuela sẽ bị phong tỏa tài sản, không được nhập cảnh vào Mỹ và cũng không thể tiến hành bất kỳ giao dịch làm ăn hay quan hệ tài chính nào với các công dân và tổ chức của Mỹ. Sắc lệnh cũng yêu cầu Caracas trả tự do ngay lập tức cho những nhân vật được Washington coi là “tù chính trị”, trong đó có hàng chục sinh viên.

Ngay lập tức, Venezuela đã triệu hồi Đại biện lâm thời tại Mỹ Maximilien Arvelaiz để tham vấn khẩn cấp.

Tổng thống Nicolas Maduro tuyên bố đây là hành động can thiệp vô lý nhất của Nhà Trắng vào công việc nội bộ của chính phủ Venezuela trong  2 năm gần đây. Theo ông, “chính sách thù địch này của Mỹ là hành động tuyên chiến nhằm lật đổ chính phủ Venezuela và người dân nước này sẽ bảo vệ đến cùng tổ quốc của mình”. Trong đoạn cuối bài diễn văn kéo dài 2 giờ trên Đài truyền hình quốc gia, Tổng thống Venezuela khẳng định sẽ tìm kiếm quyền hạn pháp lý chống lại mối đe dọa từ “chủ nghĩa đế quốc”.

Ngoại trưởng Venezuela Delcy Rodríguez, Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino, Chủ tịch Quốc hội Diosdado Cabello và nhiều quan chức chóp bu khác của quốc gia Nam Mỹ này cũng lên tiếng tố cáo các hành động can thiệp trắng trợn  của Mỹ vào công việc nội bộ của Venezuela, đồng thời khẳng định Caracas sẽ sớm đáp trả động thái mới của Washington.

Trong hành động đáp trả đầu tiên sau lời “tuyên chiến” của Mỹ, Tổng thống Maduro đã bổ nhiệm Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Sebin, Tướng Gustavo González López, làm Bộ trưởng Nội vụ, Tư pháp và Hòa bình.

Ông Maduro thậm chí còn yêu cầu Quốc hội xem xét dự thảo nhằm đảm bảo hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ trước bất cứ hành động xâm lược nào của “đế quốc”, một động thái cho thấy Caracas đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra, kể cả việc phải đương đầu với một chiến dịch quân sự từ Mỹ.

Trước đó, Tổng thống Maduro nhiều lần cáo buộc Mỹ dàn dựng kịch bản giúp phe đối lập ở Venezuela tổ chức các cuộc biểu tình và gây “chiến tranh kinh tế” hòng lật đổ chính quyền của ông. Dẫn chứng rõ ràng nhất là việc Caracas đã bắt giữ một số điệp viên Mỹ, đồng thời phá vỡ âm mưu đảo chính mang tên “Chiến dịch Jericó”.

Theo thông tin từ Caracas, chiến dịch này được soạn thảo rất kỹ lưỡng và chia thành 4 giai đoạn: gây rối loạn kinh tế (nhằm làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu hụt nhu yếu phẩm và tác động từ việc giá dầu sụt giảm mạnh), bôi nhọ hình ảnh Venezuela trên các phương tiện truyền thông quốc tế, tấn công chính trị và cuối cùng là đảo chính quân sự.

Caracas cho hay, điều đáng chú ý là để thực hiện “Chiến dịch Jericó”, ngoài việc bắt tay với một số chính trị gia đối lập cực hữu và sĩ quan không quân hồi hưu của Venezulea, chính quyền Mỹ còn “huy động” sự tham gia của một số phái đoàn ngoại giao nước ngoài ở Caracas như Đức (chịu trách nhiệm bảo vệ công dân các nước khối NATO), Canada (kiểm soát sân bay quốc tế Maiguetía), Israel (ám sát một số lãnh đạo chủ chốt của chính quyền Maduro) và Anh (vận động quốc tế công nhận tính hợp pháp của cuộc đảo chính).

Dư luận Mỹ Latinh lên tiếng phản đối

Trên thực tế, dư luận khu vực Mỹ Latinh và quốc tế không hề xa lạ với sự can dự của Mỹ, nhất là sau khi Mỹ đã ngụy tạo bằng chứng giả về “vũ khí hủy diệt hàng loạt” để phát động tấn công Iraq năm 2003.

Vì thế, nhiều chính phủ và tổ chức quần chúng Mỹ Latinh đã lên tiếng phản đối tuyên bố của Tổng thống Obama chống Venezuela, coi đây là bước leo thang căng thẳng và tiền đề để can thiệp vào khu vực này.

Trong một bức thư ngỏ, Lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã khẳng định sự ủng hộ đối với Tổng thống Maduro trong cuộc chiến chống âm mưu gây bất ổn của Mỹ, đồng thời chỉ trích quyết định mang tính áp đặt và đe dọa của ông chủ Nhà Trắng. Vị lãnh tụ của Cách mạng Cuba tái khẳng định sự ủng hộ “vô điều kiện” của La Habana đối với cuộc Cách mạng Bolivar và nhân dân Venezuela.

Theo chính phủ Cuba, Venezuela không thể là mối đe dọa an ninh đối với Mỹ vì quốc gia Nam Mỹ này vừa ở cách xa về mặt địa lý, vừa không sở hữu các vũ khí chiến lược hay nguồn lực đủ mạnh để có thể uy hiếp Washington. Đổi lại, việc Mỹ tấn công ngoại giao Venezuela vào thời điểm Caracas sắp tiến hành bầu cử Quốc hội (dự kiến vào cuối năm 2015) đã chứng minh tính chất can thiệp trong chính sách đối ngoại của Washington.

Tổng thống Bolivia Evo Morales cũng lên án tuyên bố của Tổng thống Mỹ và yêu cầu hai tổ chức khu vực Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) và Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) họp khẩn cấp để bày tỏ sự ủng hộ với Venezuela.

Tổng thống Ecuador Rafael Correa thậm chí còn viết: “Đó hẳn phải là một lời đùa cợt tồi. Nó gợi lại những thời khắc đen tối nhất trong lịch sử châu Mỹ, thời khắc của những cuộc xâm lược của Mỹ và các chế độ độ độc tài. Phải chăng họ không hiểu rằng Mỹ Latinh đã thay đổi?”

Tổng Thư ký Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) José Miguel Insulza nhấn mạnh tuyên bố của ông Obama khiến tất cả những ai mong muốn hòa bình và đối thoại giữa các quốc gia phải lo lắng.

Nhiều tờ báo trong khu vực cũng lên tiếng cảnh báo tuyên bố gây hấn của Washington. Trong khi đó, trên mạng xã hội Twitter, chỉ sau một ngày được lập tài khoản "ObamaYankeeGoHome" đã thu thập được hơn 750.000 ý kiến phản đối tuyên bố của Tổng thống Mỹ và ủng hộ Venezuela.

Nhiều tổ chức chính trị - xã hội tại Mexico, Puerto Rico, Bolivia, Argentina… cũng đã tổ chức tuần hành hoặc ra thông cáo để bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ và nhân dân Venezuela sau sự kiện trên.

Và thế kẹt của Mỹ ngay tại “sân sau”

Những động thái “ăn miếng, trả miếng” trong quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa Mỹ và Venezuela đang đẩy khu vực Mỹ Latinh vào vòng xoáy bất ổn mới chỉ vài tháng sau khi Mỹ và Cuba quyết định bình thường hóa quan hệ sau hơn nửa thế kỷ thù địch.

Trong vòng xoáy đó, Caracas tất nhiên sẽ bị hứng chịu nhiều thiệt thòi với nguy cơ kinh tế kiệt quệ, bất ổn xã hội gia tăng và nghiêm trọng nhất là sự lung lay của chính thể cầm quyền hiện nay. Vì vậy, sự ủng hộ công tâm của các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước ở Mỹ Latinh, có ý nghĩa rất quan trọng trong thời điểm này. Cũng chính tại đây, vai trò của các tổ chức khu vực như CELAC, UNASUR là rất quan trọng.

Còn với Mỹ, có thể những thiệt hại ngoại giao và kinh tế mà nước này phải gánh chịu sẽ không nghiêm trọng như Venezuela, song về lợi ích địa chiến lược thì cái giá phải trả không hề rẻ. Các quốc gia Mỹ Latinh sẽ lại một lần nữa đặt nghi vấn về việc liệu Mỹ có còn coi khu vực này là “sân sau” của mình hay không. Sự nghị kỵ đối với Mỹ trong khu vực cũng sẽ ngày càng tăng lên và quan trọng hơn cả là Washington đang vô tình tạo cơ hội cho Tổng thống Maduro đoàn kết những phe phái khác nhau và tập hợp những người ủng hộ cùng đứng lên chống lại cuộc chiến mới từ “kẻ thù phương Bắc”, một cuộc chiến sẽ giúp ông nhận được sự ủng hộ nhiều hơn từ dư luận khu vực và quốc tế, đồng thời ghi thêm “điểm cộng” vào cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào cuối năm  nay.

Nói theo mạng tin Rebelion, “những điều Washington muốn là một chuyện, những điều Washington có thể làm lại là một chuyện khác”. Khi giữa hai quốc gia có tư tưởng trái ngược còn tồn tại quá nhiều bất đồng thì chắc chắn các nhà lãnh đạo hai nước sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đi tới một quyết định mạnh tay, vì sai lầm trong mỗi bước đi, dù nhỏ, cũng sẽ để lại những hậu quả khó có thể lường trước. Với Venezuela cũng vậy, với Mỹ cũng thế!

Đức Vũ