1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quân đội Trung Quốc: Luôn "bày đặt" sự nguy hiểm

Yếu nhưng luôn cố tỏ ra nguy hiểm là miêu tả chính xác nhất đối với quân đội Trung Quốc hiện nay. Tuy nhiên, đây là chiến thuật đang được nâng lên tầm chính sách đối với Bắc Kinh trong tham vọng thống trị châu Á…

Đầu tư tăng tốc

Báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS, London) ngày 5/2/2014 cho biết, Trung Quốc tiếp tục nới rộng khoảng cách đầu tư quân sự so với các nước trong vùng (với 112,2 tỉ USD); chiếm 46% trong tổng chi tiêu quốc phòng toàn bộ khu vực; gấp ba Ấn Độ; nhiều hơn Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam cộng lại (phần lớn dành tập trung vào vũ khí hơn là cho các chi tiêu liên quan nhân sự, chẳng hạn tiền lương). IISS dự báo, chi tiêu quốc phòng Trung Quốc có thể ngang bằng Mỹ vào thập niên 2030 (AFP 7/2/2014).

Với Mỹ lẫn nhiều nước trong vùng, an ninh khu vực đang đặt trước một thách thức chưa từng có với sự bành trướng quân sự và ý đồ thống trị không che giấu của Trung Quốc. Phát biểu trong phiên điều trần trước Tiểu ban quân vụ Hạ viện Mỹ ngày 28/1/2014, viên chức cấp cao Lầu Năm Góc Frank Kendall nói rằng, “xét về ưu thế kỹ thuật (quân sự), Bộ Quốc phòng Mỹ đang đứng trước thách thức theo những cách mà tôi chưa từng thấy trước nay trong nhiều thập niên, đặc biệt tại Châu Á - Thái Bình Dương”.

Dẫn lại những khoản đầu tư mạnh vào hệ thống tên lửa phản hạm, chiến đấu cơ tàng hình, máy bay siêu thanh… của Trung Quốc, Kendall nói rằng, Mỹ có thể mất vị trí vượt trội nếu không có biện pháp phản hồi… Cùng nhận định với Kendall, Đô đốc Samuel Locklear - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương - cũng nói rằng, “ưu thế tương đối” của quân đội Mỹ đang suy yếu trong khi “những nước khác” tiếp tục đầu tư vào các hệ thống vũ khí phức tạp…

Hải đội Liêu Ninh và tàu đổ bộ tấn công Type 071

Hải đội Liêu Ninh và tàu đổ bộ tấn công Type 071

Cây rìu cùn!

Tuy nhiên, phát biểu của giới chức quân sự Mỹ về mối đe dọa Trung Quốc, ngoài tính chất cảnh báo, thực chất là đòn chiến tranh tâm lý với mục đích làm Bắc Kinh càng huyễn hoặc về sức mạnh của họ, đồng thời lôi Bắc Kinh vào cuộc chạy đua vũ trang cho đến khi kiệt quệ như Liên Xô thuở nào. Thực tế thì, cho đến thời điểm hiện tại, sau hơn một thập niên tăng tốc đầu tư quốc phòng, quân đội Trung Quốc vẫn còn khá yếu. Có thể kể ra nhiều ví dụ (từ bài báo của chuyên gia nghiên cứu quốc phòng Ian Easton for The Diplomat trên The Diplomat 31/1/2014).

Tháng 4/2003, một nhóm sĩ quan cấp cao Hải quân Trung Quốc đã được tập trung đưa xuống con tàu ngầm được đánh giá là tốt nhất thời điểm đó cho một cuộc biểu dương sức mạnh. Chỉ vài giờ sau khi rời cảng, chiếc Type 035 Ming III đã bị sự cố chìm lỉm khiến toàn bộ bị thiệt mạng! Sự cố này chưa bao giờ được giải thích trước dư luận…

Đến nay, Không quân Trung Quốc vẫn còn dùng loại máy bay cổ điển thời thập niên 50 của thế kỷ trước, Tupolev Tu-16 của Liên Xô, biến nó thành thứ máy bay “đa năng” thuộc loại “cái gì cũng chơi tuốt”, từ oanh tạc cơ, thám thính cơ, đến tiếp liệu cơ… Tương tự, Hải quân Trung Quốc cũng dùng máy bay cổ lỗ sĩ Antonov An-12 cho công tác tình báo, cho nhiệm vụ săn tàu ngầm, cho các sứ mạng cảnh báo sớm - thay vì phải có từng loại máy bay quân sự chuyên dụng cho từng sứ mạng cụ thể. Họ thậm chí dùng Antonov An-12 để chở cừu - dê!...

Nóng vội trong việc thể hiện sức mạnh, Trung Quốc đã đi sai, khi đầu tư rất mạnh vào vũ khí hơn là con người. Binh sĩ Trung Quốc buộc phải học nhiều về các nội dung mang tính tuyên truyền bảo vệ Đảng hơn là về chiến thuật quân sự. Thời gian họ ngồi nghe lý thuyết chính trị nhiều hơn thời gian tham gia các cuộc huấn luyện quân trường. 30-40% cuộc đời binh nghiệp một sĩ quan (khoảng 15 tiếng trong 40 tiếng làm việc mỗi tuần) đã bị tiêu phí vào việc học tuyên truyền, học hát các ca khúc cách mạng và “thảo luận nhóm” về các lý thuyết chính trị vô bổ. Đó là lý do tại sao phi công Hải quân chỉ được bay không đến 10 tiếng mỗi tháng; và chỉ đến năm 2012 họ mới được phép đệ trình kế hoạch bay riêng (trước đó, sĩ quan tác chiến chỉ định phi công chương trình bay tập và không cho họ tự cất cánh nếu chưa được phép!).

Có thể nói một hệ thống quan liêu đầy tính thủ tục đang đè nặng lên bộ máy vận hành quân đội Trung Quốc. Tác giả Ian Easton đã nhắc lại một hình ảnh độc đáo khi thuật lại câu chuyện (Tổng thống Mỹ) Abraham Lincoln. Quan sát việc đốn cây, Abraham Lincoln nói rằng, nếu phải tốn 6 tiếng để hạ một thân cây, ông cần 4 tiếng trước đó chỉ để mài rìu.

So sánh hình ảnh này với Trung Quốc, có thể thấy Trung Quốc đang cố làm ra một cây rìu thật to, hơn là mài bén cây rìu nhỏ sẵn có, đồng thời học kỹ thuật chặt cây. Nóng vội muốn đốn đổ cây trong thời gian ít nhất nhưng bằng cây rìu to mà cùn trong khi kinh nghiệm lại không có thì rõ là một điều khá… tiếu lâm! Nói về kinh nghiệm, nhiều ý kiến đã nhắc rồi: quân đội Trung Quốc là một trong những quân đội to xác ít kinh nghiệm nhất thế giới!

 

Máy bay thế hệ bà già” Antonov An-12 vẫn được quân đội Trung Quốc sử dụng cho nhiều mục đích

Máy bay thế hệ "bà già” Antonov An-12 vẫn được quân đội Trung Quốc sử dụng cho nhiều mục đích

Nếu xảy ra chiến tranh, vì “phát đạn cướp cò” nào đó, khi mà Trung Quốc ngày càng dẫn họ đến bờ vực của giới hạn rủi ro, giới quân sự quốc tế rất hoài nghi khả năng Trung Quốc thắng trận. Lấy ví dụ Đài Loan, người ta vẫn chưa thể hình dung làm thế nào mà Trung Quốc có thể đổ bộ được lên đảo này, chưa nói đến việc đánh chiếm Đài Bắc và bình định được toàn bộ đảo. Hải quân Trung Quốc có thể an toàn lọt qua hàng rào Mỹ, chưa kể hàng rào tên lửa phòng thủ của Đài Loan, được chăng? Ngoài ra, Hải quân Trung Quốc cũng không có đủ tàu để vượt eo biển cho chiến dịch đổ bộ!

Biết người, biết ta…

Trung Quốc đang đóng hàng không mẫu hạm - đó là bản tin của South China Morning Post (báo Hongkong) vào giữa tháng 1/2014. Tuy nhiên, việc đóng được con tàu to là một chuyện, việc xây dựng hoàn chỉnh một biên đội hàng không mẫu hạm lại là chuyện khác. Quan sát chiếc Liêu Ninh trở về Thanh Đảo sau chuyến hải hành thử nghiệm, giới phân tích quân sự phương Tây đã thấy được nhiều điều và điều đáng chú ý nhất là Hải quân Trung Quốc gần như chưa biết gì về cách vận hành một hải đội hàng không mẫu hạm.

Bức không ảnh chụp Liêu Ninh trên đường về nhà cho thấy nó được hộ tống bằng 10 chiếc tàu chiến: 3 khu trục hạm, 3 tuần dương hạm, 3 tàu ngầm và 1 tàu đổ bộ tấn công (cùng 8 chiến đấu cơ bay bên trên).

Tạm loại trừ Trung Quốc “giả ngu” thì việc dàn một đội hình như trên là hoàn toàn sai về chiến thuật cũng như phương thức vận hành hàng không mẫu hạm. Việc chiếc đổ bộ tấn công Type 071 được biên chế theo Liêu Ninh, nếu không là một thừa thãi, thì chỉ có thể là sự thể hiện của một thiếu hụt với vùng “lõm” khá sâu trong tư duy tác chiến bằng hàng không mẫu hạm. Tàu đổ bộ chỉ dùng tấn công cận bờ, cho nó theo Liêu Ninh, có nghĩa Ban Tư lệnh Hải quân Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể dùng hàng không mẫu hạm để tấn công bờ biển?

Trong thực tế, về nguyên tắc, hàng không mẫu hạm luôn phải nằm càng xa bờ biển càng tốt, để hạn chế tối đa khả năng bị tên lửa đối phương tiêu diệt. Hàng không mẫu hạm chỉ có thể là con tàu hỗ trợ tấn công chứ không bao giờ là tàu tấn công trực tiếp vào đất liền!

Cần biết thêm, sức mạnh của Hải quân Mỹ không phải là dàn tàu chiến hùng hậu súng ống tua tủa như được thấy trên tivi, mà là những con tàu ít “ấn tượng” hơn. Đó là những chiếc tàu hậu cần trong đó có tàu dầu, tàu thực phẩm khô, tàu đạn dược… Hơn 30 chiếc tàu hỗ trợ tác chiến như vậy ngày đêm lúc nào cũng ngược xuôi khắp thế giới để đáp ứng nhu cầu của các hàng không mẫu hạm. Không có dàn tàu hậu cần, Hải quân Mỹ không thể đi xa hơn các quân cảng Virginia, Florida, California hoặc Hawaii… Trong khi đó, bức không ảnh chụp hải đội Liêu Ninh không có một chiếc tàu hậu cần nào. Đơn giản, đến nay Trung Quốc chỉ mới sở hữu một tàu hậu cần duy nhất, được biên chế “cắm” ở duyên hải Đông châu Phi để hỗ trợ lực lượng chống hải tặc thuộc Hải quân nước này…

Còn nữa, trong bất kỳ tấm không ảnh nào chụp hàng không mẫu hạm Mỹ, người ta luôn thấy trên boong tàu là chiến đấu cơ có khả năng cất cánh từ tàu. Trong khi đó, cả 4 chiến đấu cơ trên boong Liêu Ninh đều là chiến đấu cơ - oanh tạc cơ JH-7 - loại máy bay chỉ có thể cất cánh từ đất liền! Chiến đấu cơ có thể cất cánh từ boong tàu mà Trung Quốc đang có hiện chỉ mới là J-15. Tuy nhiên, do Liêu Ninh không có hệ thống thủy lực đẩy (giúp phóng máy bay) và J-15 chỉ có thể được “hỗ trợ” bằng đường băng mũi hếch nên cuối cùng chúng buộc phải càng nhẹ càng tốt, có nghĩa bình xăng không được đổ đầy và vũ khí mang theo phải ở mức “vừa đủ”.

Bất luận những điểm yếu nói trên, Trung Quốc vẫn cố thể hiện ngày càng tỏ ra nguy hiểm. Gây sợ hãi hoang mang đang là chiến thuật của họ. Nên bình tĩnh và cần tránh đánh giá quá cao sức mạnh quân sự của họ là điều cần làm và cần được nhấn mạnh. Bất cứ một sự e ngại nhượng bộ nào xuất phát từ tâm lý sợ hãi cũng sẽ khiến Bắc Kinh càng dễ sở đắc mưu đồ!

Theo Mạnh Kim
Petrotimes