1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Quân đội châu Âu lộ điểm yếu khi hỗ trợ xe tăng quân sự cho Ukraine

Thanh Thành

(Dân trí) - Những tranh cãi và khó khăn mà châu Âu đang đối mặt khi hiện thực hóa lời hứa cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine đã cho thấy quân đội các nước phuơng Tây thiếu sự chuẩn bị thế nào.

Quân đội châu Âu lộ điểm yếu khi hỗ trợ xe tăng quân sự cho Ukraine - 1

Binh sĩ Ukraine được huấn luyện sử dụng xe tăng Leopard tại Ba Lan hồi tháng 2 (Ảnh: Reuters).

Gần 1 tháng sau khi Berlin "bật đèn xanh" cho phép các đồng minh châu Âu gửi xe tăng do Đức sản xuất đến Ukraine, một số quốc gia đã phát hiện thực tế rằng, xe tăng trong kho vũ khí của họ bị xuống cấp hoặc thiếu phụ tùng thay thế. 

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo đã gặp phải làn sóng kháng cự không lường trước được trong các liên minh chính trị của chính họ, và thậm chí từ bộ quốc phòng. Và quân đội một số nước đã phải mời gọi các huấn luyện viên đã nghỉ hưu tham gia chương trình huấn luyện cách sử dụng xe tăng cho binh sĩ Ukraine.

Những tranh cãi và thách thức trong chiến lược cung cấp xe tăng Leopard cho Ukraine là biểu hiện rõ ràng nhất của một thực tế mà châu Âu đã bỏ qua từ lâu rằng kể từ sau Chiến tranh Lạnh, các quốc gia thường xuyên bị rơi vào tình trạng thiếu đầu tư cho quân sự. 

Khi Nga phát động chiến dịch quân sự trên bộ lớn nhất tại lục địa này kể từ sau Thế chiến II, các nước phương Tây hoàn toàn bị động.

Dấu hiệu của vấn đề này đã xuất hiện nhiều lần kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine với thực tế là thiếu vũ khí và đạn dược. 

Nhưng giờ đây, khi Đức và các đồng minh phải vật lộn trong nhiều tuần để tập hợp đủ số xe tăng Leopard 2 cho 2 tiểu đoàn xe tăng - tổng cộng 62 xe - tất cả đang phơi bày những khó khăn của phương Tây.

Trong nhiều tuần, Thủ tướng Đức Olaf Scholz chịu áp lực mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo Ukraine, các chính trị gia châu Âu và các chuyên gia an ninh về việc cung cấp xe tăng cho Kiev và cho phép các quốc gia khác gửi một số xe tăng Leopard đã mua của Berlin, bất chấp những lo ngại có thể vượt "lằn ranh đỏ" của Nga và làm leo thang căng thẳng hơn nữa.

Nhiều người đã thúc giục Thủ tướng Scholz bằng một chiến dịch truyền thông xã hội kèm hastag #Freetheleopards.

Các nước có xe tăng Leopard giờ được tự do chuyển giao cho Kiev nhưng thực ra số lượng rất ít và cũng mất nhiều thời gian để nó có thể hoạt động trên lãnh thổ Ukraine. Và một số quốc gia kêu gọi cho phép gửi chúng đến Ukraine cũng đang gặp khó khăn trong việc này.

Mặc dù châu Âu ước tính có khoảng 2.000 xe tăng Leopard thuộc các mẫu khác nhau và là một trong những loại xe tăng chiến đấu chủ lực được sử dụng phổ biến nhất trên khắp lục địa, nhưng các cam kết dành cho Ukraine vẫn rất ít.

Đức đã cung cấp 18 xe tăng trong khi Ba Lan hỗ trợ 14 chiếc, nhưng con số giảm dần từ đó. Và một khi những chiếc xe tăng đã cam kết tham chiến và bị trúng đạn hoặc hỏng hóc thì không rõ quốc gia nào sẽ sữa chữa thay thế.

Nhiều quan chức Đức và châu Âu tham gia vào các cuộc đàm phán về việc chuyển giao xe tăng nói rằng, tình hình thực ra còn phức tạp hơn. Không phải các quốc gia không muốn thực hiện những cam kết của mình mà đúng hơn là họ đã phải đối mặt với quá nhiều khó khăn.

Phần Lan, nơi nhiều thành viên Quốc hội dẫn đầu chiến dịch kêu gọi Đức cho phép chuyển xe tăng Leopard cho Ukraine đã thông báo rằng, họ sẽ cung cấp 3 phương tiện rà phá bom mìn cho Kiev nhưng không gửi xe tăng chủ lực này dù họ ước tính có đến 200 xe tăng Leopard trong kho vũ khí quân sự.

Một số quan chức Đức tỏ ra thông cảm với Phần Lan, quốc gia chưa phải là thành viên NATO và có đường biên giới dài nhất châu Âu với Nga. Họ rõ ràng không thể làm suy yếu khả năng phòng thủ của mình khi chiến sự ở Ukraine ngày càng khốc liệt.

Nhưng một số quan chức châu Âu hy vọng vào sự đóng góp lớn hơn từ Phần Lan, với những lời hứa sẽ bảo vệ họ nếu cần thiết từ Mỹ và Anh.

Các quốc gia Bắc Âu như Thụy Điển, từ lâu đã thúc đẩy việc hỗ trợ Leopard cho Kiev nhưng hôm 24/2 tuyên bố chỉ cung cấp "tối đa" 10 xe. Thụy Điển đang phải đối mặt với một vấn đề bất ngờ khác, một số quan chức Đức cho biết. 

Trong khi các chính trị gia các nước châu Âu muốn cung cấp nhiều xe tăng cho Ukraine, quân đội của họ thì không sẵn sàng. Nhiều thập kỷ sau Chiến tranh Lạnh, các quốc gia châu Âu dường như đã coi chiến tranh gần như là dĩ vãng, thường xuyên cắt giảm ngân sách cho quân sự. 

Khó khăn do chi tiêu cho quân sự giảm

Trong nhiều năm, Mỹ liên tục kêu gọi châu Âu tăng chi tiêu quân sự, và vào năm 2014, sau khi Nga nắm quyền kiểm soát bán đảo Crimea, các thành viên NATO đã đồng ý chi 2% GDP cho quân sự vào năm 2024.

Tuy nhiên, hiện nay, theo ước tính hiện tại của NATO, chỉ có 9 trong số các thành viên của liên minh 30 thành viên này đang chi tiêu nhiều như vậy cho quân sự. 13 quốc gia, bao gồm cả Đức, chỉ chi tiêu khoảng 1,5% GDP hoặc thậm chí ít hơn.

Ở Đức, các báo cáo quân sự hàng năm trước Quốc hội đôi khi đưa ra những  vụ việc hài hước về sự thiếu hụt này. Các lực lượng biệt kích phải huấn luyện dưới nước tại các hồ bơi công cộng ở địa phương, vì các cơ sở của họ đã bị đóng cửa. 

Máy bay chiến đấu không thể bay. Những binh sĩ được huấn luyện bằng cán chổi thay vì súng trường. Ngay cả những xe chiến đấu bộ binh Puma mới trang bị gần đây cũng bị hỏng hàng loạt.

Nhưng các quốc gia châu Âu khác hiện đang nhận ra thực tế rằng, quân đội của họ có thể gặp rắc rối tương tự.

Christian Molling, một chuyên gia quốc phòng tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, cho biết: "Xu hướng xuyên suốt trong quân đội châu Âu là cắt giảm, cắt giảm và cắt giảm".

Tây Ban Nha, quốc gia có 108 xe tăng Leopard 2A4, đã sớm xin phép Đức cung cấp một số xe tăng cho Ukraine. Nhưng vấn đề là giờ đây họ phát hiện nhiều xe tăng đang ở trong tình trạng tồi tệ và cần được tân trang lại trước khi chuyển giao.

Ulrike Franke, chuyên gia phân tích quốc phòng tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu, cho biết những khó khăn trong việc tìm đủ số lượng xe tăng đã cam kết đặt ra câu hỏi liệu có phải toàn bộ quân đội các quốc gia châu Âu phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt và các vấn đề bảo trì tương tự.

"Có phải chỉ Tây Ban Nha gặp sự cố với xe tăng Leopard, hay họ có những vấn đề tương tự ở nơi khác?", bà Franke đặt câu hỏi và nói thêm: "10% thiết bị của họ không hoạt động hay là 50%?. Sẽ là một ý kiến hay nếu cả châu Âu xem xét vấn đề này kỹ hơn".

Ba Lan, vốn đi đầu trong việc thúc ép Berlin trong vấn đề gửi xe tăng Leopard cho Kiev, cũng nói sẽ chỉ cung cấp 14 xe dù họ cũng có khoảng 200 xe tăng Leopard 2 giống của Berlin.

Một số nhà phân tích cho biết, Warsaw có thể trì hoãn việc giao xe tăng Leopard cho đến khi nhận được xe tăng K2 mới do Hyundai của Hàn Quốc sản xuất nhằm thay thế mẫu xe của Đức. Trước đó, Ba Lan đã gửi nhiều xe tăng T-72 nâng cấp từ thời Liên Xô tới Ukraine.

Nhưng một số quan chức châu Âu cho rằng, Warsaw nên cung cấp thêm xe tăng Leopard và một số nhà hoạch định chính sách đang lên kế hoạch gặp gỡ các quan chức Ba Lan trong tuần này để hiểu rõ hơn về tình hình. Ngay cả khi nói đến những chiếc xe tăng có nguồn cung lớn - cụ thể là các mẫu Leopard 1 cũ hơn - vẫn có những rắc rối khác.

Hà Lan, Đức và Đan Mạch đã đưa ra một sáng kiến chung để tân trang và gửi 150 mẫu Leopard 1 tới Ukraine vào cuối năm nay. Nhưng tại một buổi huấn luyện cho các binh sĩ Ukraine ở Đức vào đầu tuần này, một vị tướng cho biết quân đội đã buộc phải tìm kiếm và mời những người lái xe tăng Leopard 1 đã nghỉ hưu để quay lại và giúp huấn luyện cho phía Ukraine. Mô hình cũ quá xa lạ với quân đội hiện nay.

Khi vấn đề Leopard bị chính trị hóa, Gustav Gressel, một nhà phân tích an ninh tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, lập luận rằng có nhiều giải pháp nếu các quốc gia châu Âu đoàn kết hơn.

Một lựa chọn khác là các quốc gia chỉ cần mua thêm Leopard do các công ty Đức Rheinmetall và Krauss-Maffei Wegmann sản xuất và gửi các mẫu hiện tại của họ tới Ukraine. Nhưng các chính phủ châu Âu và ngành công nghiệp quốc phòng hiện đang bế tắc về sản xuất.

Các nhà lãnh đạo muốn ngành công nghiệp phát triển trước trong khi các nhà sản xuất vũ khí muốn chính phủ đặt hàng dài hạn trước khi họ đẩy mạnh sản xuất. Các nhà phân tích cho biết, nếu có nhiều đơn đặt hàng của chính phủ thì công suất có thể tăng lên, do đó đẩy nhanh quá trình sản xuất vũ khí như xe tăng.

Các chuyên gia an ninh cho biết, với tốc độ hiện tại, các nước sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu xe tăng nghiêm trọng trong vòng 2-3 năm tới.

Quân đội châu Âu lộ điểm yếu khi hỗ trợ xe tăng quân sự cho Ukraine - 2
Theo New York Times