1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quan chức Mỹ thừa nhận "lo ngại về tình hình thực tế của Ukraine"

Thanh Thành

(Dân trí) - Báo New York Times ngày 9/7 trích lời các quan chức giấu tên cho rằng, giới chức Mỹ thực sự lo ngại Ukraine sẽ không thể lấy lại được các vùng lãnh thổ đã mất vì "lực lượng của họ quá mỏng".

Quan chức Mỹ thừa nhận lo ngại về tình hình thực tế của Ukraine - 1

Một đường hào ở miền đông Ukraine (Ảnh: NYT).

Theo các quan chức giấu tên, Ukraine "gần như không thể" giành lại tất cả các vùng lãnh thổ đã mất vào tay Nga và những tháng tới cũng sẽ không dễ dàng đối với Kiev.

Nhưng họ cũng cho rằng, các nỗ lực nhằm củng cố lực lượng cho Kiev đang có hiệu quả. Theo họ, các nhà lãnh đạo NATO, hiện đang họp thượng đỉnh tại Mỹ, sẽ lấy chủ đề tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự.

Vì vậy, theo các quan chức Mỹ, nếu hiệu suất chiến trường của Kiev được cải thiện, Ukraine vẫn có thể "trở thành người chiến thắng" trong cuộc xung đột bằng cách tiến tới hội nhập chặt chẽ hơn với NATO và Liên minh châu Âu (EU).

Trong khi đó, ông Michael Kofman, một thành viên cấp cao trong chương trình Nga và Á-Âu tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, người gần đây đã đến Ukraine, nhận định rằng, "các lực lượng của Ukraine đang bị dàn mỏng và phải đối mặt với nhiều tháng chiến đấu khó khăn phía trước, nhưng hiện nay Nga cũng khó đạt được một bước đột phá lớn". 

Cựu quan chức tình báo Eric Ciaramella cũng cho rằng cả Nga và Ukraine hiện đều "không có khả năng thay đổi đáng kể các tuyến chiến đấu".

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO lần này, các nhà lãnh đạo hứa hẹn sẽ mang đến cho Ukraine nguồn tài trợ mới đồng thời công bố kế hoạch cho liên minh phối hợp cung cấp vũ khí và củng cố cam kết với Kiev rằng "cuối cùng họ sẽ trở thành đồng minh hoàn toàn".

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính điểm cuối cùng này đã trở thành tâm điểm của cuộc chiến Ukraine, thậm chí còn quan trọng hơn cả việc giành lại lãnh thổ.

Trong khi các quan chức Ukraine khẳng định họ đang chiến đấu để lấy lại những vùng lãnh thổ đã mất vào tay Nga, ngày càng nhiều quan chức Mỹ tin rằng cuộc chiến này chủ yếu là về tương lai của Ukraine trong NATO và EU.

Khi cuộc chiến ngày càng khốc liệt, có những lo ngại thực sự về khả năng Ukraine duy trì cơ sở hạ tầng, bao gồm cả lưới điện trong bối cảnh đối mặt liên tiếp với các cuộc tấn công tầm xa của Nga.

Trong suốt mùa xuân và đầu mùa hè năm nay, các lực lượng Nga đã cố gắng giành quyền kiểm soát vùng lãnh thổ bên ngoài thành phố Kharkov và tiếp tục tấn công vào miền đông Ukraine để tận dụng việc nắm giữ Avdiivka. 

Điều này cho thấy  sự thay đổi đáng kể trong động lực của cuộc chiến vốn đã có lợi cho Moscow trong những tháng gần đây. Các lực lượng Nga tiếp tục khiến Ukraine chịu tổn thất nặng nề, nhưng Moscow cũng đang cho thấy những bước tiến chậm lại do phòng tuyến cứng rắn của Ukraine.

Các quan chức Mỹ thừa nhận rằng Nga có thể đạt được những bước tiến đáng kể nếu có một sự thay đổi chiến lược lớn, chẳng hạn như bằng cách mở rộng chương trình huấn luyện và quân dịch.

Họ cũng cho rằng, Ukraine sẽ bị suy yếu nếu chính sách của Mỹ đối với Kiev và Moscow thay đổi sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.

Theo New York Times