Quan chức Mỹ: Cần tập trung ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông
(Dân trí) - Cựu quan chức quốc phòng Mỹ cho rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông nên được xem là trọng tâm chính cho các nỗ lực an ninh của Washington.
Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen ở Colorado ngày 20/7, Thứ trưởng phụ trách chính sách Bộ Quốc phòng Mỹ John Rood nhận định Trung Quốc là “quốc gia số một, quốc gia lớn nhất, có khả năng thay đổi cách sống của chúng ta tại Mỹ, cũng như thay đổi trật tự toàn cầu, bất chấp mong muốn của mọi người như thế nào”.
Diễn đàn An ninh Aspen diễn ra 4 ngày với sự tham gia của các quan chức và lãnh đạo chính sách hàng đầu của Mỹ. Trung Quốc là chủ đề được đưa ra thảo luận mạnh mẽ tại diễn đàn này.
Tướng nghỉ hưu Tony Thomas cho rằng Trung Quốc đang đặt ra thách thức lớn hơn so với Mỹ trong lĩnh vực công nghệ trong gần 20 năm qua.
“Đây là lĩnh vực chúng ta (Mỹ) thiếu đi sự cạnh tranh, nếu nói về cạnh tranh ngang bằng”, ông Thomas nói.
Theo tướng Mỹ, Trung Quốc đã “khiến” Mỹ phải ưu tiên sử dụng cách tiếp cận toàn diện bằng việc áp dụng công nghệ viễn thông không dây 5G và trí tuệ nhân tạo vào quân sự.
Chris Brose, cựu giám đốc ủy ban quân vụ chịu trách nhiệm cấp ngân sách và giám sát thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, cho rằng tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông và vấn đề biên giới của Trung Quốc với Ấn Độ nên được xem là trọng tâm chính trong các nỗ lực an ninh của Mỹ.
“Có một sự bành trướng mà tôi nghĩ là đáng lo ngại, và tôi không biết nó kết thúc ở đâu. Tôi nghĩ đây chính là những gì mà Mỹ cần tập trung… đó là khả năng ngăn chặn sự bành trướng và những hành động hung hăng từ phía Trung Quốc”, ông Brose nhận định.
Cũng trong ngày 20/7, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo “kịch liệt phản đối hành vi cưỡng ép và đe dọa của bất kỳ bên nào nhằm khẳng định yêu sách hàng hải hoặc chủ quyền của mình” trên Biển Đông. Thông cáo yêu cầu Trung Quốc dừng “hành vi bắt nạt” trên Biển Đông, đồng thời “kiềm chế tham gia vào các hành động khiêu khích và gây bất ổn” trong khu vực.
Theo ông Brose, Mỹ có nguy cơ để mất ưu thế vào tay Trung Quốc nếu Washington không ứng phó với các khoản đầu tư quy mô lớn của Bắc Kinh về công nghệ. Tuy nhiên, cựu quan chức Mỹ cho rằng Trung Quốc hiện vẫn chưa tạo ra mối đe dọa áp đảo.
“Trung Quốc chưa phải là siêu cường, họ vẫn ngang hàng”, ông Brose cho biết.
Các quan chức khác tham dự diễn đàn có giọng điệu ôn hòa hơn về tương lai của mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ.
“Cơn sốt Trung Quốc đang tăng lên tại Washington. Điều quan trọng là chúng ta cần thừa nhận Trung Quốc như một đối thủ cạnh tranh và là thách thức nghiêm trọng, và chúng ta cũng nên bỏ qua khả năng họ sẽ vượt mặt chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thực sự biết dùng từ nào là chính xác với họ, là đối thủ cạnh tranh hay kẻ thù? Liệu chúng ta có cần loại trừ khả năng họ là đối tác của chúng ta hay không?”, John Mclaughlin, cựu phó giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), cho biết.
Theo ông McLaughlin, do quy mô của hai nền kinh tế, nên Mỹ có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong việc xử lý đúng đắn mối quan hệ với Trung Quốc.
“Mối quan hệ giữa hai nước rất phức tạp. Chúng ta muốn duy trì sự vượt trội của chúng ta, nhưng chúng ta thực sự không muốn chiến tranh”, cựu phó giám đốc CIA nói.
Thành Đạt
Theo SCMP