Quan chức đánh nhau bầm mắt, sưng môi như trên võ đài
Quan trường Trung Quốc chứng kiến không ít màn đấu võ, quan trên mắng chửi, đánh đập cấp dưới.
Hiện tượng này mấy năm nay ngày một nhiều thêm. Trong đó, nổi tiếng nhất là vụ Bạc Hy Lai tát Vương Lập Quân hồi năm 2012. Cái tát này được cho là căn nguyên trực tiếp khiến Quân chạy trốn vào lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô. Chuyện từ đó bung bét thành vụ án nổi tiếng khiến cả hai đều “ngã ngựa”.
Coi đồng sự là công cụ trút nỗi bực bội
Tạp chí “Liêm chính Liễu vọng” chuyên về chống tham nhũng của Trung Quốc số mới nhất đã đăng bài “Kim chỉ nam về phòng ngừa ẩu đả chốn quan trường” sử dụng giọng văn hài hước để nói về “18 loại vũ khí dùng để ẩu đả chốn quan trường”, phanh phui chuyện các quan chức Trung Quốc “chơi nhau”.
Bài báo viết, trên quan trường chuyện “minh tranh ám đấu” là khó tránh khỏi, mọi người ngấm ngầm hằm hè khó tránh khỏi, nhưng thực sự dùng chân tay thay miệng lưỡi là khi cho rằng ranh giới cuối cùng về “quyền” hoặc lợi bị người khác xâm phạm. Những người hơi tí động thủ này thường rất nóng tính hoặc mượn rượu để tăng thêm uy lực hành động.
Cách ra tay cũng rất phong phú, đa dạng, từ tay đấm chân đá, dùng răng cắn đến sử dụng các dụng cụ xung quanh như gạt tàn thuốc lá, biển tên, chặn giấy. Sau khi ẩu đả, không những không giải quyết được vấn đề mà còn phá hoại kỷ luật tổ chức, hai bên đều bị xử lý.
Bài báo cho rằng, quan chức đấm đá lẫn nhau thể hiện sự chưa trưởng thành về chính trị, quan khí quá nặng. Việc dùng nắm đấm thay cho quyền lực còn gây ảnh hưởng rất xấu với xã hội.
Có vô vàn lý do để quan chức ra đòn với nhau. Có người chỉ do yêu cầu sử dụng xe bị từ chối hoặc phân phối định mức không vừa ý đã trở thành cớ để “tung chưởng”. Có đơn vị cấp trưởng rất bá đạo, phát ngôn và hành xử không tôn trọng cấp dưới. Ngược lại, cũng có vị cấp dưới không nhận rõ giới hạn quyền lực của mình nên thường là hiểm họa gây nên xung đột.
Bài báo nêu ra một số trường hợp điển hình, như Tiêu Văn Mệnh, Đảng ủy viên Cục khoa học kỹ thuật huyện Kỳ Đông, Hồ Nam dùng gạt tàn thuốc lá để đập vào mặt sếp Cục trưởng; Vương Tuyết Bình, nữ Cục phó Tư pháp quận Lục Hợp, Nam Kinh dùng tạ tập tay để tương cấp dưới; Bàng Khang Ổn, Phó bí thư Ủy ban Chính pháp thành ủy Trạm Giang, Quảng Đông dùng biển tên và cả chai nước ném vào mặt Phó thị trưởng Lương Chí Bằng; Vương Tiên Minh, Trưởng phòng Đo dạc Cục Đo lường chất lượng Hoành Dương chơi tay bo với Phó phòng Tăng Hạo Khôn, kết quả một người bị cắn sứt mũi, một người bị cắn đứt ngón tay.
Bên đánh người thường chọn cách bất ngờ ra tay, tức là hành động khi phía bị đánh không ngờ nhất. Ví dụ ngày 12/12/2013, Lý Như Thắng, Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật đảng ủy Cục Công an Hiếu Cảm (Hồ Bắc), đánh gục Chủ nhiệm chính trị Hùng Tân Triều. Thắng vờ đánh rơi cốc trà, khi Triều cúi xuống nhặt thì Thắng bất ngờ hạ độc thủ.
Trong vụ choảng nhau ở huyện Ninh Hiệp, Thiểm Tây vừa xảy ra hôm 6/4 đang gây xôn xao Trung Quốc vừa qua, Tiểu Giải - một cán bộ thị trấn đã bị đồng nghiệp họ Lý đấm sưng mặt khi ra mở cửa. Nguyên nhân khiến Lý đánh Giải là do Giải giật lấy phong bì trong có 20 NDT mà Lý đưa ra đùa các đồng sự.
Hậu quả khôn lường từ những màn “vũ đấu”
Nhiều người đánh đồng sự “tìm được” cảm giác sung sướng nhất thời, nhưng dù sao đó cũng là những người làm việc cùng nhau, đánh xong, khó nhìn mặt nhau. Thế là xuất hiện những người can ngăn. Khi Hùng Tân Triều bị Lý Như Thắng đánh, Hùng la hét khiến cảnh sát phải chạy tới kéo hai bên ra.
Tuy nhiên, vụ đấm đá năm trước ở Cục Tư pháp Hoành Dương thì không “may mắn” như thế. Liêu Cù, một Cục phó – người trong cuộc, kể lại khi bắt đầu ẩu đả, mấy người tâm phúc của Cục trưởng liền ào tới và ông bị một trận đòn hội đồng nhừ tử.
“Thê thảm” nhất là Cát Hạo, Trưởng phòng công tác chính trị Cục Tư pháp Tân Hải, Giang Tô. Khi ông chọc giận Cục phó Trần Bộ Lương đã bị ông này đánh gẫy xương cánh tay. Cục trưởng và 5, 6 đồng sự có mặt ở đó nhưng chẳng ai can ngăn, cho đến khi hai sếp bỏ đi mới có đồng nghiệp dám đưa ông vào viện cứu chữa.
Thậm chí có nơi cán bộ cơ quan kiểm tra kỷ luật đảng có mặt cũng không ngăn được “sự trừng phạt quá khích”. Khi Bàng Long Ổn đánh Phó thị trưởng, ông Chung - Phó chủ nhiệm Phòng 4 Ủy ban KTKL ở đó định ngăn cản. Kết quả, ông bị nhận 1 cú đấm vào gáy và một cú đá vào bụng.
Sau khi các vụ quan chức nện nhau xảy ra, phương thức xử lý của cấp trên thường là “đình chức điều tra”, sau đó tổ chức thường kết luận: “không có động cơ cố ý làm hại hay vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng” rồi yêu cầu hai bên bắt tay hòa thuận. Tóm lại, “đừng gây thêm chuyện nữa”, giơ cao đánh khẽ cho xong.
Không những thế, Bàng Khang Ổn sau khi đánh Phó thị trưởng vài tháng, cuối năm 2015 còn được điều về làm Đảng ủy viên Khu khai phát kinh tế Trạm Giang, bậc Trưởng phòng, khiến người ta thắc mắc sao tay “cán bộ du côn” ấy chẳng bị làm sao?
Diêm Lượng, Cục trưởng Xây dựng nhà ở huyện Ninh Cường, Thiểm Tây cùng một số cán bộ loạn đả tại một câu lạc bộ âm nhạc khiến Dương Lôi, cán bộ Viện kiểm sát bị khâu tới 76 mũi ở mặt. Kẻ đánh người là Diêm Lượng bị giáng xuống làm nhân viên, nạn nhân Dương Lôi cũng bị kỷ luật khai trừ lưu đảng 2 năm và giáng cấp làm nhân viên.
Cũng có trường hợp hậu quả nghiêm trọng, như Cao Đạt Minh - Phó cục trưởng khu Mậu Cảng thành phố Mậu Danh, Quảng Đông sau khi dùng chùy đánh Cục trưởng Lương Nhất Thiêm định nhảy lầu nhưng bị ngăn lại, bị bắt và xử lý hình sự. Trần Quốc Hoa, Cục phó giáo dục huyện Nhạc An, Giang Tây sau khi đâm bị thương vị Phó bí thư đã nhảy lầu.
Ngô Tuyết
Vietnamnet