Quan chức công cán nước ngoài tìm cách "thoát xác"
Theo thông tin từ Gazette, một trong những tờ nhật báo hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, tính đến thời điểm này đã có đến 7.800 cảnh sát cùng với gần 350 quân nhân lực lượng hiến binh Thổ Nhĩ Kỳ bị sa thải.
Và đợt thanh trừng kéo dài hai tháng nay không chỉ giới hạn trong lực lượng an ninh; hơn 520 người nắm giữ các vị trí quản lý các vấn đề liên quan đến tôn giáo cũng bị cách chức.
Thổ Nhĩ Kỳ luôn khẳng định giáo sĩ Fethullah Gulen, đang sống lưu vong tại Mỹ, là chủ mưu cuộc đảo chính bất thành diễn ra ngày 15 và 16-7.
Giới chức Ankara cho rằng Gulen còn điều hành một “nhà nước bên ngoài lãnh thổ” và những người ủng hộ ông này đã từ lâu thâm nhập vào làm việc tại các cơ quan chính phủ. Để ngăn ngừa hiểm họa, theo lệnh tổng thống, Thổ Nhĩ Kỳ sau đó tiến hành thanh lọc lại toàn bộ cơ quan chính phủ để loại bỏ cái gọi là “virus” của Gulen.
Kênh NTV vào đầu tháng 9 còn đưa tin: 543 công tố viên và thẩm phán Thổ Nhĩ Kỳ đã bị cách chức để điều tra với cáo buộc có liên quan đến phong trào của giáo sĩ lưu vong Gulen, nâng tổng số người trong lĩnh vực tư pháp bị thanh trừng lên 3.390. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày thông báo sa thải 820 quân nhân, không bao gồm cấp tướng và đô đốc. Kênh này dẫn lời Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết, Ankara đã bắt 40.000 người, trong đó 20.000 người vẫn đang bị tạm giữ.
Tháng 8 vừa qua, trong bộ máy cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ liên tục diễn ra những vụ các quan chức tuy chưa bị “sờ gáy” nhưng đã nộp đơn xin nghỉ phép rồi sau đó chuồn ra nước ngoài, còn các viên chức công cán ở nước ngoài thì cũng tìm cách “thoát xác”. Tình hình phổ biến đến mức Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu không thể giấu giếm truyền thông và phải thừa nhận chuyện hai tùy viên quân sự ở Hy Lạp, gồm một sĩ quan hải quân và sĩ quan lục quân, đã bỏ trốn bằng xe hơi và phà sang Italy.
Tuy nhiên, ông tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tìm cách đưa những người này quay về nước. Bộ Ngoại giao Hy Lạp cho biết, hai tùy viên trên bỏ trốn trước khi Ankara yêu cầu hồi hương họ về Thổ Nhĩ Kỳ, và trước khi giới chức hủy các hộ chiếu ngoại giao của họ.
Theo ông Cavusoglu, một tùy viên quân sự ở Kuwait cũng đã tìm đường trốn thông qua ngả Arab Saudi, trong khi hai vị tướng ở Afghanistan bị bắt ở Dubai. Những người này đều đã bị đưa về lại Thổ Nhĩ Kỳ. “Có những người đã bỏ trốn. Trong số những người bỏ trốn có các nhà ngoại giao” - ông Cavusoglu nói với kênh NTV - “Khi thời hạn cho việc triệu hồi những người này chấm dứt, chúng tôi sẽ có hành động pháp lý đối với những người không chịu quay về”. Giới chức Mỹ cho hay một sĩ quan Thổ Nhĩ Kỳ làm việc cho NATO cũng đang xin tị nạn ở Mỹ sau khi bị chính phủ triệu hồi.
Hiện có tổng cộng 160 thành viên của quân đội bị Ankara truy nã do dính líu tới cuộc đảo chính bất thành đang chạy trốn, trong đó có 9 vị tướng. Bộ Ngoại giao nước này đã gửi văn bản hướng dẫn đến các phái đoàn ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ khắp thế giới, nơi những người bị truy nã đang làm việc, ra lệnh họ quay về để phục vụ việc điều tra.
Ông Cavusoglu trước đó cho biết khoảng 300 thành viên của Bộ Ngoại giao đã bị đình chỉ công việc đang đảm trách kể từ sau cuộc đảo chính bất thành ngày 15-7, trong đó có hai đại sứ. Hai quan chức ở Bangladesh đã trốn sang New York, một người khác trốn sang Nhật Bản.
Theo Q.H (tổng hợp)
An ninh thế giới