1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

“Quân bài” tàu hải cảnh trong chiến lược quyền lực mềm của Trung Quốc tại Biển Đông

(Dân trí) - Trung Quốc được cho là tăng cường sử dụng các chuyến thăm tàu hải cảnh tới các nước trong khu vực để xoa dịu sự chỉ trích của dư luận về sự bành trướng của lực lượng này trên Biển Đông.

“Quân bài” tàu hải cảnh trong chiến lược quyền lực mềm của Trung Quốc tại Biển Đông - 1

Tàu hải cảnh 5204 của Trung Quốc tới thăm cảng ở Manila. (Ảnh: Xinhua)

Giới phân tích cho rằng, việc Trung Quốc muốn đưa thêm các tàu hải cảnh tới thăm cảng của một số nước trong khu vực nhằm làm mềm mại hơn hình ảnh của lực lượng hải cảnh Trung Quốc, sau khi lực lượng này bị cáo buộc là một phần trong hạm đội dân quân biển được Bắc Kinh sử dụng để bành trướng chủ quyền tại Biển Đông.

Nhận định trên được đưa ra sau khi tàu 5204 thực hiện chuyến thăm “hữu nghị” đầu tiên của lực lượng hải cảnh Trung Quốc tới Philippines hôm 13/1. Động thái này được cho là nhằm đề cao sứ mệnh nhân đạo của tàu hải cảnh Trung Quốc.

Tàu 5204 đã tới cảng Nam Manila của Philippines, chở theo hàng hóa cứu trợ cho hàng nghìn người dân bị mất nhà cửa hoặc phải sơ tán khỏi khu vực núi lửa Taal phun trào tại tỉnh Batangas. Nhân chuyến thăm của tàu, Trung Quốc và Philippines cũng trao đổi quan điểm về việc thực thi pháp luật trên biển và các mối quan ngại khác tại cuộc gặp bắt đầu hôm 14/1 và kết thúc hôm 16/1.

Theo Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang Singapore, chuyến thăm của tàu 5204 giúp làm dịu bớt hình ảnh của lực lượng hải cảnh Trung Quốc, vốn bị chỉ trích là lực lượng mang sức mạnh cưỡng ép trong khu vực.

“Bắc Kinh cũng hy vọng sử dụng chuyến thăm này như một “hình mẫu” để thể hiện rằng các lực lượng hải cảnh của các nước đối thủ vẫn có thể hợp tác bất chấp bất đồng, với hy vọng các nước Đông Nam Á khác có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông cũng học theo (Trung Quốc) và có những trao đổi (tàu hải cảnh) tương tự”, ông Koh cho biết.

“Việc họ đề xuất một chuyến thăm cảng cho thấy đây là nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc nhằm giảm nhiệt căng thẳng. Tôi muốn nói rằng đây là một phần trong ý định của họ nhằm đối thoại và trao đổi với lực lượng hải cảnh Philippines”, Đô đốc Joel Garcia, tư lệnh hải cảnh Philippines, nói.

Tuy nhiên, chuyên gia Koh vẫn hoài nghi rằng liệu chuyến thăm của tàu hải cảnh Trung Quốc, cũng như khoản viện trợ mà tàu này chuyển đến cho các nạn nhân ở khu vực núi lửa phun trào, có đủ để làm thay đổi nhận thức tiêu cực về Trung Quốc tại Philippines hay không.

Trung Quốc cho đến nay vẫn phớt lờ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện với Philippines hồi năm 2016. Phán quyết đã bác bỏ yêu sách đường chín đoạn phi lý của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Chuyến thăm của tàu hải cảnh 5204 tới Philippines diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông có xu hướng tăng nhiệt trở lại, khi các tàu hải cảnh Trung Quốc tuần tra ở những vùng biển đang được các nước láng giềng của Bắc Kinh, gồm Philippines, Indonesia và Malaysia, quản lý.

“Quân bài” tàu hải cảnh trong chiến lược quyền lực mềm của Trung Quốc tại Biển Đông - 2

Một tàu cá Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Biển Đông năm 2019. (Ảnh: EPA)

Năm ngoái, Trung Quốc ngang nhiên điều tàu hải cảnh hộ tống tàu khảo sát của nước này tới vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trung Quốc cũng nhiều lần đưa tàu đi vào vùng đặc quyền kinh tế và vùng lãnh hải nơi Philippines tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Zhou Chenming, nhà bình luận quân sự tại Bắc Kinh, nhận định Trung Quốc muốn tăng cường các chuyến thăm hữu nghị của lực lượng hải cảnh để tránh sự hiểu nhầm giữa các nước láng giềng.

“Các chuyến thăm có thể giúp các nước khác hiểu chúng tôi hơn và tránh các tính toán sai lầm, đây là cách giúp giảm căng thẳng trên biển”, ông Zhou nói.

Bất chấp động thái điều tàu tới thăm được cho là thân thiện của Trung Quốc, chính sách ngoại giao hải cảnh của Bắc Kinh vẫn không hoàn toàn được đón nhận tại Philippines.

Nghị sĩ Rufus Rodriguez của thành phố Cagayan de Oro, chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp tại Hạ viện Philippines, cho rằng Philippines không nên chào đón tàu hải cảnh cũng như thủy thủ đoàn Trung Quốc vì đó là công cụ được chính phủ Trung Quốc sử dụng để quấy rối và hăm dọa các ngư dân Philippines hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.

Hồi tháng 9, báo cáo của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết các tàu hải cảnh Trung Quốc dành 70% thời gian trong năm vừa qua để tuần tra ở khu vực Malaysia tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Ngoài ra, các tàu hải cảnh Trung Quốc cũng tuần tra gần quần đảo Điếu Ngư, nơi Nhật Bản gọi là Senkaku. Đây là các nhóm đảo không có người ở tại biển Hoa Đông và là khu vực tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh từ nhiều năm nay.

Các vụ việc căng thẳng liên quan tới các tàu dân quân của Trung Quốc và một số tàu khác trên Biển Đông, bao gồm vụ tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Philippines khiến 22 ngư dân Philippines lênh đênh trên biển, đã làm dấy lên phản ứng giận dữ từ phía công chúng Philippines. Điều này khiến nhiều người hoài nghi về chuyến thăm của tàu hải cảnh Trung Quốc.

“Khi người hàng xóm chiếm sân sau của bạn, mà bạn vẫn mời họ tới phòng ăn tối để dùng bữa, nghĩa là bạn đã tha thứ cho họ”, Antonio Carpio, thẩm phán về hưu của Tòa án Tối cao Philippines, chỉ trích chuyến thăm của tàu Trung Quốc.

Tuy vậy, Đô đốc Garcia đã bác bỏ những chỉ trích trên, cho rằng chuyến thăm của tàu hải cảnh Trung Quốc là cơ hội để hai nước đối thoại. Ông Garcia cho biết chương trình của chuyến thăm được Bộ Ngoại giao Philippines kiểm duyệt chặt chẽ, chủ yếu tập trung vào các vấn đề liên quan tới an toàn của ngư dân, về việc bảo tồn nguồn tài nguyên tự nhiên và biện pháp để tránh những vụ va chạm như thời gian gần đây.

“Ngay cả khi chúng ta có xung đột, không có giải pháp nào hiệu quả hơn ngoài ngoại giao và trao đổi trực tiếp trên bàn đàm phán và bàn luận về quan điểm của các bên”, Đô đốc Garcia nhận định.

Thành Đạt

Theo SCMP