1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chiến lược triển khai tàu tuần duyên của Trung Quốc ở Biển Đông

(Dân trí) - Một số tàu tuần duyên Trung Quốc được triển khai ở Biển Đông đã cố ý phát tín hiệu từ các bãi cạn tranh chấp để khẳng định yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh tại khu vực này.

Chiến lược triển khai tàu tuần duyên của Trung Quốc ở Biển Đông - 1

Tàu tuần duyên Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông (Ảnh: AFP)

Một báo cáo do Tổ chức Sáng kiến Minh Bạch Hàng hải châu Á (AMTI) có trụ sở tại Washington công bố cho biết, tổ chức này đã phát hiện 14 tàu tuần duyên Trung Quốc phát tín hiệu Hệ thống Nhận dạng Tự động (AIS) trong khi tuần tra các bãi cạn Luconia - khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Malaysia, bãi Cỏ Mây - khu vực thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough - khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines, trong một năm qua.

Theo AMTI, các tàu thương mại với tải trọng hơn 300 tấn được yêu cầu phát tín hiệu AIS để tránh va chạm, trong khi các tàu quân sự và thực thi pháp luật được tự do quyết định phát tín hiệu AIS khi nào và ở đâu.

AMTI cho biết khi tuần tra ở những khu vực khác của Biển Đông, các tàu tuần duyên Trung Quốc chỉ phát tín hiệu khi ra vào cảng. Tuy nhiên, khi các tàu này tuần tra tại 3 bãi cạn trên, chúng thường xuyên phát tín hiệu AIS. Đây được cho là nỗ lực có chủ ý của tàu tuần duyên Trung Quốc.

Cụ thể, tàu tuần duyên Trung Quốc tại bãi cạn Luconia đã phát tín hiệu AIS vào 258 ngày trong tổng số 365 ngày vừa qua. Một tàu khác tại bãi Cỏ Mây phát tín hiệu trong 215 ngày, còn tàu tại bãi cạn Scarborough phát tín hiệu trong 162 ngày.

Báo cáo của AMTI nhận định dường như không có khu vực tranh chấp nào trên Biển Đông, ngoài 3 bãi cạn nêu trên, mà tuần duyên Trung Quốc hiện diện “liên tục” như vậy. Theo AMTI, đây là những nơi mà Trung Quốc “rõ ràng muốn các nước trong khu vực biết họ đang có mặt ở đó”.

“Bắc Kinh rõ ràng có sự quan tâm đặc biệt đối với bãi Luconia, bãi Cỏ Mây và bãi Scarborough. Có vẻ như (Trung Quốc) muốn đánh cược rằng nếu họ duy trì sự hiện diện bán thường trực của lực lượng tuần duyên tại đây đủ lâu, các nước trong khu vực rốt cuộc sẽ phải thừa nhận rằng (Trung Quốc) kiểm soát các khu vực này”, AMTI nhận định.

“Nếu chiến lược này thành công tại bãi cạn Luconia và bãi Cỏ Mây (như đã từng diễn ra tại bãi Scarborough), nó sẽ tạo tiền lệ cho việc mở rộng sự quản lý của Trung Quốc đối với các đá và bãi cạn khác”, AMTI cảnh báo.

Thông qua việc triển khai các tàu tuần duyên, Trung Quốc có thể tạo ra sự hiện diện rõ ràng tại những khu vực mà nước này ngang nhiên tuyên bố chủ quyền nhưng vẫn chưa có căn cứ thường trực.

Tại bãi cạn Luciona vào tháng 9 và tháng 10 năm ngoái, Hải quân Malaysia đã phát hiện tàu tuần duyên Trung Quốc hoạt động ít nhất trong vòng 2 ngày. Tại bãi cạn Scarborough hồi tháng 5, một tàu tuần duyên Trung Quốc đã chặn 3 tàu tiếp tế của Philippines.

Các tàu tuần duyên Trung Quốc tuần tra tại 3 bãi cạn trên không được vũ trang mạnh mà chỉ trang bị vòi rồng và vũ khí nhỏ. Tuy nhiên, chúng lớn hơn nhiều so với các tàu thực thi pháp luật, hoặc thậm chí cả tàu hải quân của các nước khác có tranh chấp trên Biển Đông.

Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Sáng kiến An ninh Hàng hải thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore, nhận định việc Trung Quốc cho phép các tàu tuần duyên hoạt động là cách thể hiện quyền kiểm soát tài phán.

“Việc các tàu tuần duyên hiện diện ở đó, công khai phát tín hiệu AIS, có thể nhằm cảnh báo các đối tượng phi nhà nước, đặc biệt là ngư dân của các nước - những người thường xuyên hoạt động tại các vùng đặc quyền kinh tế của nước họ, nhất là khi các ngư dân này không nhận được sự bảo vệ hiệu quả từ các cơ quan hàng hải của chính phủ. Điều này chắc chắn sẽ có tác động, hoặc đe dọa ngư dân của các nước có tuyên bố chủ quyền (trên Biển Đông), hoặc đảm bảo rằng họ phải phục tùng (Trung Quốc)”, chuyên gia Koh nhận định.

Thành Đạt

Theo SCMP