1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Putin: Nga phải phát triển vũ khí đối lại tên lửa Mỹ

(Dân trí) - Thủ tướng Vladimir Putin hôm nay cho hay Nga cần “phải phát triển các hệ thống vũ khí tấn công” để làm đối trọng với hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ.

 
Putin: Nga phải phát triển vũ khí đối lại tên lửa Mỹ - 1
Thủ tướng Putin trong chuyến thăm vùng Viễn Đông Nga.
 
“Để đảm bảo thế cân bằng, chúng ta phải phát triển các hệ thống vũ khí tấn công, chứ không phải là các hệ thống phòng thủ tên lửa như Mỹ đang thực hiện”, ông Putin cho biết trong một chuyến thăm tới vùng Viễn Đông của Nga. “Các vấn đề của vũ khí phòng thủ tên lửa và vũ khí tấn công có liên quan mật thiết tới nhau”.
 
“Bằng việc xây dựng một lá chắn (chiếc ô) trên đầu họ, các đối tác (Mỹ) của chúng ta có thể cảm thấy được bảo vệ trọn vẹn và sẽ làm bất kỳ điều gì họ muốn. Điều này sẽ phá vỡ thế cân bằng”, Thủ tướng Nga cho hay.

Tuy nhiên ông Putin không nói rõ Nga sẽ tìm kiếm phát triển loại vũ khí tấn công nào.

Trong khi đó, hồi đầu tháng, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho hay nước này sẽ tiếp tục phát triển tên lửa hạt nhân và các máy phóng mới, bất chấp các cuộc đàm phán cắt giảm. Ông miêu tả đây là “việc làm lệ thường”.

Năm nay Mỹ đã từ bỏ kế hoạch lá chắn tên lửa gây tranh cãi ở Cộng hòa Séc và Ba Lan, nhưng lại cho biết sẽ phát triển những hệ thống phòng thủ khác, trong đó có một hệ thống trên biển, với lý do để bảo vệ Mỹ khỏi các tên lửa từ “các nhà nước xấu xa”, như Iran. 
 
Hồi tháng 9, ông Putin miêu tả quyết định ngừng triển khai kế hoạch lá chắn tên lửa ở Ba Lan và Cộng hòa Séc của Tổng thống Mỹ Obama là “đúng đắn và dũng cảm”. Mátxcơva từ lâu đã phản đối kế hoạch do chính quyền cựu Tổng thống Bush khởi xướng, đặt một hệ thống đánh chặn tên lửa gần biên giới Nga. Nga cho rằng hệ thống lá chắn sẽ là mối đe dọa đối với an ninh Nga.
 
Tuy nhiên ông Putin cho rằng những kế hoạch tương tự của Mỹ đang gây cản trở đến các cuộc đàm phán cắt giảm vũ khí giữa hai nước.
 

Nga và Mỹ cho đến nay vẫn chưa tìm được “người kế nhiệm” hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân Start I có từ thời Chiến tranh Lạnh, hiệp ước đã hết hạn vào ngày 5/12 vừa qua. Song cả hai bên đã nhất trí tiếp tục duy trì hiệp ước Start I cho đến khi nào đạt được một thỏa thuận mới.

 

Theo bản ghi nhớ chung được ký kết vào tháng 7, số đầu đạn hạt nhân được triển khai sẽ được cắt giảm xuống con số dưới 1.700 mỗi bên trong vòng 7 năm thực hiện một hiệp ước mới. Đây là con số cắt giảm rất lớn so với thời Liên Xô (cũ). Dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, hai nước vẫn giữ cho mình đủ “sức mạnh khai hỏa”.

 

 

Phan Anh

Theo BBC

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm