1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Phương Tây vạch sự thật Nga rút quân khỏi Syria

Nga thực sự không có ý định rút quân về mà chỉ sắp xếp lại lực lượng ở Syria tấn công IS.

Các hãng tin Nga dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, 6 máy bay ném bom SU-24 đầu tiên đã được rút khỏi Syria, song 4 máy bay tấn công mặt đất SU-25 đã bay đến căn cứ không quân Hmeymim của Nga ở tỉnh Latakia (Syria) theo chương trình luân chuyển.

Bộ Quốc phòng Nga cũng lưu ý, Moscow sẽ rút thêm máy bay và binh sĩ đồn trú tại căn cứ này.

Một chiếc Su-25 của Nga cất cánh từ căn cứ không quân Hmeymim ở Syria. Ảnh: AP
Một chiếc Su-25 của Nga cất cánh từ căn cứ không quân Hmeymim ở Syria. Ảnh: AP

Ngược lại, ngày 11/1, Fox News dẫn thông tin từ 2 quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Nga đang tăng cường sự hiện diện quân sự ở Syria dù đã có thông báo rút quân trước đó.

“Người Nga cam kết rút quân khỏi Syria nhưng chúng tôi không thấy bằng chứng về điều đó. Ngược lại, họ tăng thêm lực lượng” – quan chức Mỹ giấu tên nói.

Một trong hai quan chức nói rằng các máy bay dừng tại Iran để tiếp nhiên liệu trước khi tiếp tục hành trình.

4 máy bay Su-25 (NATO gọi là Frogfoot) đã tới Syria hôm 9/1. Thế hệ này tương tự chiếc A-10 của không quân Mỹ, được sử dụng để yểm trợ trên không. Các máy bay mới triển khai tới Syria được trang bị “áo giáp” để bảo vệ phi công khỏi hỏa lực từ mặt đất.

Một quan chức Mỹ cũng cho biết Nga huy động nhà thầu dân sự và máy bay chiến đấu từ Chechnya nhưng không rõ con số cụ thể.

Washington thống kê Moscow đang duy trì khoảng 36 máy bay chiến đấu và trực thăng vũ trang ở Syria tính đến tháng trước. Cuối tháng 12/2016, Tổng thống Putin ra lệnh cắt giảm lực lượng quân sự ở Syria sau khi công bố một thỏa thuận ngừng bắn mới với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ không tham gia các cuộc đàm phán ngừng bắn này.

Nga đã tuyên bố rút một phần lực lượng tại Syria - điều được giới quan sát bình luận rằng nhằm thể hiện chiến công và hòa bình mà Moscow mang tới quốc gia Trung Đông. Lực lượng được thông báo sẽ rút về là đội tàu trong đó có tàu sân bay duy nhất của Nga - Đô đốc Kuznetsov cùng một số tàu chiến khác.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ khẳng định tàu Đô đốc Kuznetsov vẫn đang tiến hành tập trận bắn đạn thật ở Địa Trung Hải, ngoài khơi bờ biển của Libya. Ngoài ra, phi đội máy bay ném bom tầm xa của Nga cũng xuất kích từ căn cứ không quân ở ngoại ô TP Mozdok, phía Nam nước Nga, để tấn công mục tiêu ở Syria.

Việc Nga tuyên bố rút quân sau đó đưa các lực lượng khác trở lại đã là điều được dự đoán trước. Thực chất, những lần rút quân của Nga thường diễn ra sau một sự kiện có ý nghĩa chiến thắng nào đó và thường chỉ là đòn nghi binh. Việc rút quân được coi là cơ hội để Moscow triển khai các đợt sắp xếp quân mới và điều chuyển lực lượng thực hiện các mục tiêu tiếp theo.

Rút quân khỏi Syria: Đòn nghi binh của người Nga

Theo ông Michael Kofman, một thành viên tại Viện Nghiên cứu Kennan thuộc Trung tâm Wilson, động thái tuyên bố rút quân của Nga là cơ hội để Nga tuyên bố chiến thắng. Đó là một công cụ để tuyên bố thành tựu chính trị trước người dân trong nước và bạn bè quốc tế.

"Tôi cho rằng một số lực lượng đặc nhiệm của Nga cùng với các đơn vị hải quân sẽ rút quân trở về. Tuy nhiên, việc rút quân có thể là một sự xoay vòng các đơn vị. Việc rút quân của Nga hiện nay có khả năng nhằm tái định hình lực lượng nước này tại Syria.

Nga đã có kế hoạch mở rộng cả căn cứ không quân Hmeymim và căn cứ hải quân Tartus, biến căn cứ Tartus thành một cảng quân sự thực thụ. Những việc này có thể hỗ trợ cho sự hiện diện quân sự quy mô lớn của Nga ở Syria với mục tiêu phóng chiếu sức mạnh trong toàn khu vực, sau khi việc mở rộng hoàn tất trong một vài năm tới”, ông Kofman lập luận.

Thực tế cho thấy, khi Nga tuyên bố rút quân khỏi Syria, quân đội Nga lại càng cắm rễ thật chắc tại Syria.

Hồi tháng 3/2016, Nga từng tuyên bố rằng sẽ rút phần lớn quân đội ở Syria, nhưng chỉ là để xoay vòng lực lượng của mình. Thậm chí sau đó, điện Kremlin còn nhấn mạnh rằng Nga có thể nhanh chóng tái triển khai lực lượng nếu cần thiết. Vào cuối tháng đó, Nga đã yểm trợ đắc lực quân đội Syria tái chiếm thành phố Palmyra từ tay IS.

Tướng Ben Hodges, Tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu mới đây đã chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Syria và cho rằng đó là cơ hội để Nga luyện tập bắn đạn thật, và thử nghiệm các loại vũ khí tối tân, Warisboring phân tích.

Tuyên bố của Tướng Hodges được đưa ra trong bối cảnh Nga thông báo hơn 150 vũ khí của kho vũ khí nước này đang được đem ra chiến đấu.

Chiến đấu cơ Su-30SM hộ tống máy bay ném bom chiến lược TU-160 Nga tham chiến tại Syria. Ảnh: Viettimes
Chiến đấu cơ Su-30SM hộ tống máy bay ném bom chiến lược TU-160 Nga tham chiến tại Syria. Ảnh: Viettimes

“Trong chiến dịch ở Syria, 162 vũ khí tiên tiến và được nâng cấp của Nga đã được thử nghiệm trong điều kiện chiến đấu. Và chúng đã hoạt động rất hiệu quả”, Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu cho biết hôm 22/12.

Ông Shoigu cũng bổ sung thêm rằng các hoạt động của Nga đã để lộ những sai sót trong 10 hệ thống vốn không thể hiện được trong phạm vi thử nghiệm. Bên cạnh đó, quân đội Nga, theo như đánh giá của ông Shoigu đều phấn khởi trước hiệu quả hoạt động chiến đấu của các vũ khí trong thực tế chiến trường.

Quân đội Nga cũng không bác bỏ bất kỳ tuyên bố nào của ông Hodges mà thực sự còn nhấn mạnh vào những tuyên bố đó. Chiến dịch của Điện Kremlin còn “hiệu quả đối với quân đội Nga hơn cả các cuộc diễn tập”, ông Putin đã nói như vậy sau đợt rút quân khỏi Syria vào giữa tháng 3/2016.

Clip máy bay Su-25SM3 phô diễn sức mạnh:

Theo Đông Phong

Đất Việt