1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraina:

Phương Tây phân vai đấu với Nga

Trong khi Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp sang Nga bàn chuyện hòa bình cho Ukraina thì NATO tuyên bố thành lập lực lượng “mũi nhọn” thúc vào sườn nước Nga, còn Mỹ thì bắn tiếng cung cấp vũ khí cho Ukraina. Một sự phân công nhiệm vụ giữa các nước phương Tây trong cuộc đối đầu với Nga.

Phương Tây phân vai đấu với Nga
Tổng thống Putin, Thủ tướng Merkel và Tổng thống Hollande trong cuộc đàm phán kế hoạch hòa bình Ukraina tại Moskva ngày 6/2/2015

Ngày 6/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tới Nga để thảo luận vấn đề Ukraina. Đã không có bất cứ tuyên bố chung nào được đưa ra sau cuộc họp. Ngày 7/2, một cuộc điện đàm bốn bên gồm Đức, Pháp, Nga và Ukraina lại diễn ra nhưng cũng không có thông báo gì. Dự kiến ngày 11/2 tới, lãnh đạo bốn quốc gia Đức, Pháp, Nga và Ukraina sẽ đến Minsk, thủ đô Belarus để tìm cách hoàn tất kế hoạch hòa bình cho Ukraina nhằm tránh một cuộc chiến tranh toàn diện.

Song song với các hoạt động ngoại giao trên, ngày 5/2, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã quyết định tạo lập một lực lượng mới gồm 5.000 quân để tăng cường bảo vệ an ninh cho suờn phía đông châu Âu trước Nga.

NATO thông báo quyết định thành lập lực lượng “mũi nhọn”, gồm 5.000 quân, sẽ đi vào hoạt động từ năm sau. Để tránh khiêu khích Nga, các lực lượng trên bộ của NATO chỉ đóng quân ở tại các nước Tây Âu, nhưng sẽ tham gia vào các cuộc tập trận tại những quốc gia vốn trước đây thuộc Liên Xô cũ và nay là thành viên NATO hoặc triển khai quân ở đó, nếu như quyết định tiến hành một chiến dịch quân sự.

Tổng thư ký NATO cho hay 6 quốc gia thành viên NATO sẵn sàng gửi quân tham gia lực lượng triển khai nhanh sẽ được thành lập. Đó là Pháp, Đức, Italy, Ba Lan, Tây Ban Nha và Anh. Quân số của lực lượng này sẽ được luân chuyển và hoạt động trong những năm sắp tới.

Để lực lượng này có thể thực sự triển khai nhanh và tác chiến được ngay lập tức sau khi đổ bộ, NATO đã quyết định lập một số sở chỉ huy cố định tại các nước Đông Âu, với quy mô nhỏ, mỗi sở chỉ huy có khoảng 50 sĩ quan thường trực, với số lượng vũ khí hạn chế.

Trong khi chờ đợi “lực lượng mũi nhọn” đi vào hoạt động, NATO sẽ tăng cường sự hiện diện tại Đông Âu ngay trong năm nay. 6 trung tâm chỉ huy tại ba nước vùng Baltic, Ba Lan, Rumani và Bulgari sẽ được thành lập. Mỗi trung tâm chỉ huy bao gồm khoảng bốn chục sĩ quan, chịu trách nhiệm tổ chức các cuộc tập trận và tạo thuận lợi cho việc triển khai lực lượng mũi nhọn ở nước sở tại.

Về phía Mỹ, sau khi bắn tiếng sẽ xem xét việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraina chống lại lực lượng ly khai, trong bài diễn văn tại hội nghị an ninh quốc tế ở Munich ngày 7/2, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng Washington sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraina “sự trợ giúp an ninh”, không phải để khuyến khích chiến tranh, nhưng để giúp Ukraina tự vệ.

Như vậy xét trong tổng thể có thể thấy một sự phân công nhiệm vụ giữa các nước phương Tây: Merkel và Hollande thì làm nhiệm vụ thương thuyết (…) Barack Obama và chính phủ của ông lo việc gây áp lực tối đa, bằng cách ngày càng làm lớn chuyện khả năng giao vũ khí cho Ukraina. Theo các nhà quan sát, một sự phân công nhiệm vụ như thế chắc chắn đã bị Nga phát hiện và có kế hoạch đối phó.

Đáp lại sự lo lắng của Thủ tướng Đức Angela Merkel về kế hoạch hòa bình mới cho Ukraina, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng vẫn còn có thể đạt được thỏa thuận để chấm dứt vụ xung đột ở Ukraina, nhưng ông mạnh mẽ chỉ trích lập trường của Mỹ và châu Âu về Ukraina. Ông nói rằng Mỹ và EU đã có những bước leo thang cuộc xung đột. Ông nói thêm “các đối tác Tây phương của chúng tôi nuông chiều và tha thứ cho giới hữu trách Ukraina, những người đã phát động chiến dịch quân sự toàn diện và gọi công dân của họ là quân khủng bố”.

Phát biểu bên lề Diễn đàn an ninh quốc tế tại Munich ngày 7/2, Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã cảnh báo với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg rằng các biện pháp của NATO ủng hộ chiến dịch quân sự của Ukraina ở miền đông “không đóng gọp chút nào cho nỗ lực tìm kiếm những giải pháp ôn hòa cho cuộc khủng hoảng nghiêm trọng tại Ukraina”.

Ngày 7/2, Tổng thống Nga Putin tuyên bố, Moskva sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước nhưng không chấp nhận âm mưu nhằm kiềm chế nước Nga.

Theo ông Putin, đang có nỗ lực nhằm kiềm chế sự phát triển của nước Nga bằng nhiều phương tiện khác nhau và cũng có những nỗ lực nhằm xáo trộn trật tự thế giới hiện tại được hình thành sau khi Liên bang Xô Viết tan rã. Nước Nga sẽ không chấp nhận một trận tự thế giới nơi mà một nước ra lệnh cho các nước khác phải làm theo.

Theo Nh.Thạch (tổng hợp)
PetroTimes