Phụ nữ Pháp đầu tiên trở thành Tổng giám đốc IMF
(Dân trí) - Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde đã trở thành người phụ nữ đầu tiên đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), một định chế tài chính toàn cầu với 187 quốc gia thành viên bị để trống sau khi ông Dominique Strauss-Kahn từ chức vì cáo buộc xâm hại tình dục.
Hội đồng Chấp hành IMF hôm qua đã chọn bà Lagarde sau khi bà được sự ủng hộ của Mỹ, Nga và Brazil.
Trước giờ khai mạc cuộc họp của 24 thành viên Hội đồng Chấp hành IMF, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner gián tiếp cho biết là quyết định chung cuộc sẽ được thông qua ngay từ hôm qua 28/6 và thuận lợi cho ứng viên của Pháp. Ông Geithner tuyên bố thêm là Mỹ “sẽ rất hãnh diện” bỏ phiếu cho Bộ trưởng Pháp.
Bà Christine Lagarde còn nhận được sự hậu thuẫn của Trung Quốc.
Bà Lagarde là một luật sư và giữ chức Bộ trưởng Tài chính Pháp kể từ năm 2007. Trước đó, bà là Bộ trưởng Ngoại thương trong 2 năm.
Đối thủ của ứng viên Pháp là một chuyên gia tài chính Mehico, ông Agustin Carsten, 53 tuổi. Trong Hội đồng Chấp hành IMF, ông được sự ủng hộ của một ủy viên đồng hương và của ba nước Achentina, Canada và Australia.
Nhiệm kỳ 5 năm của bà Lagarde bắt đầu vào ngày 5/7 tới đây.
Nhưng tin ứng viên Pháp có nhiều triển vọng lãnh đạo IMF gây thất vọng cho những người muốn thấy có thay đổi. Từ ngày thành lập đến nay, IMF luôn do một chuyên gia châu Âu lãnh đạo. 30 tổ chức phi chính phủ kêu gọi IMF xét lại hồ sơ tuyển chọn.
IMF cho vay và cố vấn về kỹ thuật cho những quốc gia có vấn đề về kinh tế, và vẫn đang đóng vai trò trong việc cứu nguy Hy Lạp.
Theo một thỏa thuận không chính thức có từ nhiều thập niên nay, người đứng đầu IMF luôn luôn là một người châu Âu trong khi chức vụ cao nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) về tay một người Mỹ.
Các nhà lãnh đạo một số nền kinh tế mới nổi quan trọng cho rằng truyền thống này đã lỗi thời vào lúc những quốc gia như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và các nước khác đóng một vai trò rộng lớn và ngày càng tăng trong nền kinh tế toàn cầu.