1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

“Phu nhân Kennedy” Trung Đông và cuộc lưu đày hơn 25 năm

Farah Diba Pahlavi, cựu Hoàng hậu của đất nước Iran, hiện đang sống cô độc trong một căn hộ sang trọng bên bờ sông Saine ở Paris.

Cuộc sống thật thư thái nhàn nhã, cảnh quan xung quanh thật êm dịu, thơ mộng, nhưng người phụ nữ 66 tuổi đã trải qua 26 năm lưu lạc xứ người này chỉ muốn đánh đổi tất cả, để được nhìn thấy một thoáng quê nhà.

 

Thuở hoàng kim, Hoàng hậu Farah chẳng khác gì “phu nhân Jacqueline Kennedy của Trung Đông”. Yểu điệu, xinh đẹp, luôn ăn vận những bộ trang phục cao cấp và lấp lánh kim cương, bà thường đi về giữa những thủ đô lớn của các nước trên thế giới, tạo nên một hình ảnh cấp tiến, hào nhoáng của xứ sở Iran.

 

Sinh ra tại thủ đô Teheran trong một gia đình quý tộc, quan lại, năm 18 tuổi, Farah đến học tại Pháp. Một năm sau, năm 1957, cô sinh viên ngành kiến trúc đã gặp gỡ Quốc vương Mohammed Reza Pahlavi trong một bữa tiệc.

 

Quốc vương Pahlavi đã ly dị hai người vợ đầu: Công chúa Fawzia, con gái Vua Fouad của Ai Cập, vì bà chỉ sinh được một người con gái; sau đó ly dị tiếp bà vợ thứ hai Soraya Esfandiary Bakhtiari vì bà này bị vô sinh. Dẫu chênh nhau đến 19 tuổi nhưng ngay lập tức Farah và Quốc vương đã bị cuốn hút vào nhau.

 

Để chuẩn bị cho đám cưới, Farah được gửi về Paris, nơi các nhà thời trang, trang điểm và phục sức nổi tiếng như Dior, Carita... chăm sóc cô thật kỹ cùng với những loại nước hoa, giày dép và đồ trang sức đẹp nhất. Nhà kim hoàn Harry Winston ở Beverly Hills đã chế tác một chiếc vương miện nặng  hơn 2 kg cho cô dâu trong đám cưới diễn ra ngày 20/12/1959 tại Teheran.

 

Mười tháng sau đám cưới, Farah hạ sinh hoàng tử Reza (hiện đang sống ở Washington DC, và tự phong là Quốc vương Raza II). Khi tin vui này được loan truyền đi, đội vệ binh danh dự hoàng gia đã bắn 21 phát đại bác ăn mừng, và dân chúng thì nhảy múa, reo hò trên đường phố.

 

Vào những năm đầu tiên của giai đoạn gọi là “Thời phục hưng của Iran”, giá dầu tăng cao càng làm cho đất nước giàu có. Quốc vương Pahlavi – một người rất ngưỡng mộ các giá trị của châu Âu – đã quyết chọn một chương trình hiện đại hóa. Nhưng đó là một sai lầm chết người. Đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào, nhưng nhiều người Iran lại không theo kịp xu hướng này. Giới giáo sĩ giàu quyền lực vô cùng căm giận trước thái độ Quốc vương khúm núm, xun xoe trước phương Tây “đồi bại và vô thần” và phát động một chiến dịch tuyên truyền quần chúng chống lại ông.

 

Với tư cách là một vị vua cai trị đất nước, Pahlavi đã gặp không ít thất bại. Hoàng gia của ông được mô tả như là một trung tâm dâm loạn, suy đồi, hủ hóa, mà chính bản thân ông là người “làm gương” với thói tán tỉnh phụ nữ và ăn chơi phung phí tài sản quốc gia. Một sai lầm nghiêm trọng khác của Quốc vương Pahlavi là chủ trương cải cách ruộng đất, tước đoạt các quyền lợi nho nhỏ đã thành truyền thống của hàng ngàn giáo sĩ Hồi giáo, khiến họ dấy lên một làn sóng phản đối. Quốc vương liền đáp trả lại bằng Savak – lực lượng cảnh sát chìm, nổi tiếng tàn bạo.

 

Tháng 1/1979, cả đất nước bị tê liệt bởi những cuộc đình công, biểu tình phản đối của quần chúng. Suốt nhiều tuần liền, thủ đô Teheran bị phong tỏa bởi các cuộc bạo loạn. Về đêm, các hành lang cung điện vang dội những tiếng thét đòi giết chết Quốc vương và Hoàng hậu. Không còn cách chọn lựa nào khác, họ quyết định mang con đi khỏi Iran, chấp nhận cuộc sống nơi đất khách. Chỉ trong vòng một tháng sau đó, giáo sĩ Ayatollah Ruhollah Khomeyni 78 tuổi được chọn là người đứng đầu đất nước.

 

Vào những ngày đầu tiên của cuộc sống lưu vong, gia đình Pahlavi bị nhiều nước từ chối, vì những nước này đều nhận được những thông điệp cảnh cáo từ Teheran. Cuối cùng, họ cũng được Ai Cập cho định cư vào năm 1979, nơi mà Quốc vương Pahlavi qua đời một năm sau vì bệnh ung thư máu.

 

Mặc dù nghe nói số tiền 120 triệu USD được Pahlavi rút ra khỏi Iran trước khi trốn chạy đã bị mất mát sau một vụ bê bối tài chính, nhưng rõ ràng là cựu Hoàng hậu Farah hiện vẫn đang sống khỏe mạnh sau hơn 20 năm trời bị đe dọa ám sát. Ngày nay, bà có thể tự do đi mua sắm trong những cửa hiệu sang trọng nhất ở Paris, hoặc đi uống cà phê với bạn bè ngoài quán.

 

Đối với nhiều phụ nữ Iran, Farah vẫn tồn tại như là một “thượng đế”. Giới trẻ Iran, những người chào đời sau biến cố năm 1979, nói về bà với nỗi kính sợ dành cho một ngôi sao của một giai đoạn rực rỡ. Dẫu sao, bà cũng là đại diện cho một bộ mặt trong lành của triều đại Pahlavi. Trong lúc chồng mải mê chạy theo các phụ nữ khác, bà chuyên tâm vào một chương trình cải cách xã hội, những vấn đề về phụ nữ và y tế.

 

Bà là người khởi xướng cuộc Cách mạng Trắng của những năm 60, đưa giới nữ vào một thời đại mới có được quyền công dân – một điều không thể xảy ra từ trước đó. Với thái độ đồng cảm, bà Farah đang lo lắng trước hiện trạng nhiều bà mẹ Iran đang tâm đem bán con gái của mình ra các nước vùng vịnh Ba Tư với giá 1.300 USD. Nhiều thanh niên đang sa vào vòng nghiện ngập vì bệnh trầm cảm. Nhiều người ăn xin vật vờ trên đường phố, và không ít người phải bán cả các cơ quan nội tạng để nuôi miệng.

 

Mỗi ngày, Farah đều ngồi vào bàn làm việc, nhận được vô số những e-mail, fax và thư, chủ yếu là từ giới trẻ Iran. Bà đang mong ước tình hình thay đổi, để một ngày nào đó được phép quay về với xứ sở quê hương

 

 

Theo Thúy Hân

An ninh thế giới/Women's Weekly