1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phóng viên với bức ảnh nổi tiếng về Sài Gòn qua đời

(Dân trí) - Hugh Van Es, phóng viên ảnh Hà Lan nổi tiếng thế giới với bức ảnh chụp về sự sụp đổ của Sài Gòn năm 1975, với nhóm người tranh nhau leo qua một chiếc thang để lên chiếc trực thăng đậu trên nóc nhà, đã qua đời sáng qua tại Hồng Kông ở tuổi 67.

Phóng viên với bức ảnh nổi tiếng về Sài Gòn qua đời - 1
Van Es năm 1969 tại Ma Cao.
 
Van Es qua đời ở bệnh viện Queen Mary tại Hồng Kông, nơi ông đã sống hơn 35 năm. Vợ ông, bà Annie, cho hay ông đã bị xuất huyết não vào tuần trước và bị hôn mê từ đó.

 

Dáng người mảnh khảnh, ăn nói sắc sảo, luôn sẵn sàng châm biếm, Van Es được đồng nghiệp nhận xét tháo vát và gan dạ.

 

Ông đến Hồng Kông làm phóng viên tự do năm 1967, làm trưởng nhóm phóng viên ảnh của tờ South China Morning Post, và có cơ hội đến Việt Nam sau những năm đó khi làm cho NBC News. Sau đó, ông làm việc cho hãng thông tấn AP ở Sài Gòn từ năm 1969-1972 và đưa tin 3 năm cuối về cuộc chiến tranh Việt Nam, từ 1972-1975, cho United Press International (UPI).

 

Những bức ảnh nổi tiếng

 

Bức ảnh chụp một binh sỹ bị thương với cây thánh giá nhỏ xíu đang oằn mình trong đau đớn nổi bật trên nền chân dung tối, cách đây 40 năm, đã trở thành bức ảnh nổi về trận "Đồi thịt băm" (ấp A Bia, Thừa Thiên Huế ngày nay) vào tháng 5/1969.
 
 
Phóng viên với bức ảnh nổi tiếng về Sài Gòn qua đời - 2
 

Và bức ảnh chụp chiếc trực thăng di tản từ trên nóc một tòa nhà ở Sài Gòn ngày 29/4/1975 đã trở thành biểu tượng rõ nét nhất cho cuộc tháo chạy trong tuyệt vọng của quân Mỹ và chính sách hoàn toàn sai lầm của Mỹ tại Việt Nam.

 

Khi quân đội miền bắc Việt Nam tiến vào Sài Gòn, có từ 1.000 người Việt Nam cùng quân Mỹ đã tháo chạy, hầu hết bằng trực thăng ở trên nóc tòa nhà sứ quán Mỹ.

 

Phóng viên với bức ảnh nổi tiếng về Sài Gòn qua đời - 3
Bức ảnh nổi tiếng của Van Es chụp một nhóm người leo lên thang để lên một chiếc trực thăng đậu trên nóc của một tòa nhà ở Sài Gòn.
 

Cách đó vài tòa nhà, những người khác đã leo lên một chiếc thang dẫn lên mái một khu nhà chung cư, nơi gia đình và quan chức CIA ở, với hi vọng có thể lên được chiếc trực thăng của Air America, hãng hàng không do CIA điều hành.

 

Từ vị trí thuận lợi trên ban công của UPI cách đó vài tòa nhà,  Van Es đã ghi lại được cảnh tượng bằng chiếc máy với ống kính 300-mm, ống kính dài nhất mà ông có.

 

Phóng viên với bức ảnh nổi tiếng về Sài Gòn qua đời - 4
Một bức ảnh chụp người dân Việt Nam ngồi phơi ngoài nắng trong một ấp chiến lược (trại tập trung) của lính Mỹ năm 1969.

Sau này Van Es cho biết không phải tất cả khoảng 30 người trên nóc nhà được di tản và chiếc trực thăng UH-1 Huey đã quá tải khi cất cánh với hàng tá người.

 

Bức ảnh đã khiến Van Es trở nên nổi tiếng, nhưng ông kể với bạn bè rằng đã mất nhiều năm để giải thích rất nhiều rằng đó không phải là bức ảnh chụp trên nóc tòa nhà sứ quán Mỹ, như mọi người vẫn lầm tưởng.

 
Phóng viên với bức ảnh nổi tiếng về Sài Gòn qua đời - 5
Một lính Mỹ bị thương đang được các đồng ngũ giúp đưa đi trong cơn mưa, sau trận chiến khốc liệt với quân đội của miền Bắc Việt Nam khi đó, tháng 5/1969.
 

Bức ảnh trở nên nổi tiếng hơn khi sau khi vở nhạc kịch Miss Saigon lấy hình ảnh này để tái hiện lại cảnh những người Mỹ cuối cùng di tản khỏi Sài Gòn bằng trực thăng từ trên nóc tòa nhà sứ quán Mỹ. Van Es đã không hài lòng khi vở kịch dùng bức ảnh nổi tiếng mà ông đã chụp. Ông đã mất rất nhiều thời gian theo kiện nhưng không thành.

 

Cuộc đời
 
Phóng viên với bức ảnh nổi tiếng về Sài Gòn qua đời - 6
Van Es và và vợ Annie gặp nhau ở Hồng Kông và họ đã chung sống với nhau được 39 năm.

 

Sinh ra ở Hilversum, Hà Lan, Hubert Van Es học “lỏm” tiếng Anh khi chơi đùa quanh quẩn bên các binh sỹ trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Ông đã quyết định trở thành một phóng viên ảnh sau khi đếm xem một buổi triển lãm ảnh ở bảo tàng địa phương năm 13 tuổi và được chiêm ngưỡng tác phẩm của phóng viên ảnh chiến tranh huyền thoại Robert Capa.

 

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông bắt đầu hành nghề phóng viên ảnh vào năm 1959 với Nederlands Foto Persbureau ở Hà Lan. Nhưng rồi sau đó châu Á đã trở thành quê nhà của ông.

 

Khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975,Van Es đã trở lại Hồng Kông, làm phóng viên tự do cho nhiều tờ báo lớn của Mỹ và châu Âu cùng các tạp chí. Ông vẫn chụp ảnh cho nhiều bộ phim Hollywood ở các địa điểm khắp châu Á.

 

Ông đưa tin về cuộc nổi dậy Moro ở Philippines và là một trong những nhà báo đầu tiên bay đến Kabul để theo dõi tình hình ở đây khi Liên Xô đưa quân tới Afghanistan. Khi đó chỉ có nhà quay phim của CBS Derek Williams được phép nhập cảnh còn tất cả mọi người khác đều bị giữ lại tài phòng chờ chuyển.
 
 
Phóng viên với bức ảnh nổi tiếng về Sài Gòn qua đời - 7
Van Es tại Hồng Kông năm 2007.
 

“Khi họ bị đưa trở lại máy bay”, Williams nhớ lại. “Hugh đã nhìn thấy một cánh cửa mở bên tay trái mình và đã lẻn ra với chỉ với chiếc túi đựng máy ảnh. Anh ấy chạy qua cửa kiểm soát và nhảy lên một chiếc taxi để tới khách sạn Intercontinental Hotel.”

 

Cảnh sát Afghanistan đã bắt Van Es, nhưng lúc đó máy bay đã cất cánh rồi nên họ đưa ông đến khách sạn. Williams cho hay Van Es ở Kabul ba ngày trước khi bị trục xuất. Những bức ảnh của ông cho tạp chí Time khi đó là những bức ảnh đầu tiên chụp được xe tăng Liên Xô tiến vào Afghanistan.

 

 
Phan Anh
Theo AP/Time