1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Philippines xem xét lập hạm đội tàu ngầm đối phó Trung Quốc ở Biển Đông

(Dân trí) - Philippines có thể đầu tư để sở hữu hạm đội tàu ngầm đầu tiên trong lịch sử nhằm bảo vệ lãnh thổ ở Biển Đông, Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm nay cho biết, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng bành trướng trong khu vực.


Tàu ngầm USS Ohio của Mỹ thăm vịnh Subic của Philippines hồi tháng này (Ảnh: InterAksyon/Philstar)

Tàu ngầm USS Ohio của Mỹ thăm vịnh Subic của Philippines hồi tháng này (Ảnh: InterAksyon/Philstar)

“Chúng tôi nằm ở vị trí quá cảnh sang Thái Bình Dương và giờ đây chúng tôi đang nghiên cứu xem liệu có cần một lực lượng tàu ngầm hay không”, ông Aquino phát biểu trước báo giới tại thủ đô Manila ngày 30/3.

Philippines, vốn chưa bao giờ sở hữu tàu ngầm và cho tới tận bây giờ vẫn phải phụ thuộc vào các tàu chiến do Mỹ cung cấp, gần đây đã gia tăng ngân sách quốc phòng để đối phó với sự bành trướng quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông dựa trên cái gọi là “đường lưỡi bò” phi pháp, chồng lấn lên các vùng biển của Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei.

Tổng thống Aquino cảnh báo rằng Philippines có thể mất toàn bộ bờ biển phía tây nước này nếu Trung Quốc thành công trong việc áp đặt các tuyên bố chủ quyền.

“Chúng tôi phải đẩy nhanh việc hiện đại hóa các lực lượng vũ trang vì nhu cầu phòng vệ”, ông Aquino nhấn mạnh.

Bắc Kinh đã bồi đắp 1.173 héc-ta đất ở Biển Đông chỉ trong 2 năm qua trong một chiến dịch xây đảo nhân tạo quy mô lớn và đã triển khai các tên lửa đất đối không tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc lớn hơn nhiều so với của Philippines, bất chấp chấp các nỗ lực của Tổng thống Aquino nhằm đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng lên mức kỷ lục và mua sắm các máy bay, tàu chiến mới.

Năm nay, ngân sách quốc phòng được đề xuất cho quân đội Trung Quốc tăng lên 147 tỷ USD, cao hơn gần 59 lần so với của Philippines, hiện ở mức 2,5 tỷ USD.

Philippines đã nhờ cậy vào Mỹ, một đồng minh lâu đời, và Nhật Bản để gia tăng thiết bị quốc phòng nhằm đối phó với Trung Quốc.

Manila cũng kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về “đường lưỡi bò” phi pháp, với phán quyết dự kiến sẽ được đưa ra vào tháng 5 tới. Bắc Kinh khẳng định không tham gia phiên tòa và cũng tuyên bố sẽ không chấp nhận phán quyết của tòa về vụ kiện.

Tổng thống Aquino cho rằng tranh chấp Biển Đông gây quan ngại cho tất cả quốc gia, vì nó có thể làm gián đoạn thương mại tại vùng biển đông đúc của thế giới, nơi 1/3 số lượng dầu thô toàn cầu đi qua.

“Sự bấp bênh gây ra tình trạng mất ổn định. Tình trạng mất ổn định không thúc đẩy sự thịnh vượng”, ông Aquino nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Aquino, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ tổng thống vào tháng 6 tới, cũng nhấn mạnh rằng mặc dù Philippines tăng cường phòng thủ nhưng là một quốc gia còn nghèo, chính phủ sẽ ưu tiên cho “bơ hơn là súng ống”.

“Chúng tôi không có ý định cố gắng bắt kịp, chạy đua với ai trong một cuộc đua vũ trang hay trong một cuộc đua tăng cường quân sự”, nhà lãnh đạo Philippines nói.

An Bình