1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Philippines phản đối Trung Quốc đẩy phương Tây khỏi Biển Đông

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Philippines cho biết bộ quy tắc ứng xử giữa Đông Nam Á và Trung Quốc sẽ không đẩy các nước phương Tây ra khỏi Biển Đông.

Philippines phản đối Trung Quốc đẩy phương Tây khỏi Biển Đông - 1

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. (Ảnh: AP)

“Tôi cam kết với các bạn rằng: Các cường quốc phương Tây vẫn sẽ hiện diện ở Biển Đông. Chúng tôi tin tưởng vào sự cân bằng quyền lực, tin tưởng rằng sự tự do của người Philippines phụ thuộc vào sự cân bằng quyền lực ở Biển Đông”, Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. phát biểu tại phiên điều trần về ngân sách của quốc hội Philippines hôm 21/9.

Theo Benar News, tuyên bố của Ngoại trưởng Philippines được đưa ra vài ngày sau khi Trung Quốc gián tiếp kêu gọi các nước Đông Nam Á phản đối sự can thiệp của Mỹ vào tình hình Biển Đông. Trong khi đó, ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC).

"Một quốc gia bên ngoài khu vực có ý định can thiệp vào các tranh chấp ở biển Đông và các tham vấn COC để phục vụ chương trình nghị sự địa chính trị của họ. Việc chống lại sự can thiệp đó là rất quan trọng để thúc đẩy các cuộc tham vấn COC trong tương lai", Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines ra thông cáo vào tuần trước, ngụ ý tới Mỹ.

Ngoại trưởng Locsin tuyên bố “đòi hỏi của Trung Quốc về việc đẩy các cường quốc phương Tây khỏi Biển Đông” là điều Philippines “không bao giờ cho phép”.

“Các cường quốc phương Tây phải hiện diện ở Biển Đông với tư cách là một bên cân bằng”, ông Locsin nhấn mạnh.

Trong một tuyên bố khác trên Twitter nhằm phản hồi lời kêu gọi của Trung Quốc, Ngoại trưởng Philippines cho biết COC, bộ quy tắc đang được đàm phán, là văn kiện mà các bên đều nhất trí.

Tuần trước, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc bắt nạt các nước trong khu vực, buộc họ phải chọn phe giữa Washington và Bắc Kinh. Ông Stilwell khẳng định Mỹ vẫn tiếp tục hiện diện trong khu vực.

“Nếu nhìn vào hành vi bắt nạt ở Biển Đông và những nơi khác… có thể thấy Trung Quốc đang buộc (các nước) phải đưa ra lựa chọn. Mỹ vẫn sẽ duy trì hiện diện trong khu vực và thể hiện quyết tâm của chúng tôi trong việc ngăn chặn hành động phiêu lưu quân sự vô ích và không được hoan nghênh”, nhà ngoại giao Mỹ nói thêm.

SCMP dẫn nhận định của giới phân tích cho rằng Philippines có vai trò quan trọng với Mỹ trong các vấn đề liên quan tới Biển Đông.

Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại tổ chức Rand Corporation, nói rằng Philippines quan trọng với Mỹ, không chỉ bởi quốc gia Đông Nam Á là nơi đặt căn cứ hải quân nước ngoài lớn nhất của Mỹ, mà Manila còn là đồng minh duy nhất của Washington có liên quan trực tiếp tới tranh chấp trên Biển Đông.

Theo ông Grossman, mối quan hệ với Philippines sẽ tạo cho Mỹ một lợi thế về vị trí địa lý để triển khai sức mạnh ngay gần Biển Đông và điều này sẽ “vô cùng giá trị trong một cuộc xung đột trong tương lai”.

Trong khi đó, Kang Lin, nhà nghiên cứu tại Đại học Hải Nam ở phía nam Trung Quốc, cho rằng sự gần gũi giữa Manila và Washington khiến Bắc Kinh cũng muốn “nuôi dưỡng” mối quan hệ với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte - nhà lãnh đạo đôi khi có những phát ngôn chống Mỹ gay gắt. So với những người tiền nhiệm, Tổng thống Duterte thân thiện với Trung Quốc hơn và cũng cứng rắn với Mỹ hơn trong các vấn đề về chính sách đối ngoại.

Mỹ hồi tháng 7 ra tuyên bố chính thức bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Đáp lại, Bắc Kinh chỉ trích Mỹ tìm cách gây bất hòa và can thiệp vào tranh chấp ở châu Á để phô trương sức mạnh và châm ngòi cho một cuộc đối đầu.